Thêm nỗi lo học sinh nghiện game

Những vụ án kinh hoàng do người nghiện game gây ra đã được cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên cái chết của bé trai 5 tuổi tại Nghệ An mới đây như một hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và xã hội về hậu quả nghiêm trọng do game.
Nghiện game, nhiều người trẻ nhập viện vì rối loạn tâm thần Thanh niên trộm hàng chục chiếc điện thoại của cửa hàng để bán lấy tiền để chơi game Sẽ ra sao nếu trẻ ngồi chơi game liên tục trong 20 năm? Chơi điện tử quá nhiều, thiếu niên 17 tuổi tử vong cạnh máy tính
them noi lo hoc sinh nghien game
ảnh minh họa

Game và những hiểm họa

Vài ngày gần đây, vụ bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An được phát hiện tử vong do bị bỏ đói, khát sau 2 ngày mất tích tại rừng tràm, cạnh một căn nhà hoang bước đầu đã xác định nghi phạm là một nam sinh lớp 11 và cũng là hàng xóm của nạn nhân. Điều đáng nói, khởi nguồn dẫn tới sự việc đau lòng trên được nghi phạm khai nhận là do bản thân thực hiện theo trò chơi điện tử.

Sự nguy hiểm do học sinh nghiện game đã được cảnh báo từ lâu. Nhiều vụ việc đau lòng vì trẻ vị thành niên nghiện trò chơi điện tử cũng đã xảy ra trước đó.

Còn nhớ đầu tháng 7/2014, dư luận không khỏi rùng mình trước vụ án tàn bạo tại Thái Nguyên. Theo đó, hai cháu nhỏ vì nghiện game đã ra tay sát hại bà họ một cách dã man để cướp hơn 4 triệu đồng.

Gần đây, năm 2017, hai người bạn 14 tuổi (trú ở phường Long Sơn, phường Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận) ngồi chơi game tại tiệm internet Thiên Đường thuộc phường Long Sơn thì xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Bất ngờ, Quang rút dao đâm vào ngực trái của Thành khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu…

Có thể nhận thấy hiện nay có rất nhiều game bạo lực, điển hình trong những game mà học sinh rất thích hiện nay là: Đột kích, Vice City… Người chơi nhập vai giết người, cướp của, đánh cảnh sát, thậm chí là dùng súng bắn thẳng vào đầu đối phương để giải quyết mâu thuẫn. Điều này cho thấy, tính bạo lực trong game ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người chơi.

Nhiều ý kiến cho rằng, chơi và tiếp xúc nhiều với trò chơi bạo lực đã trở thành quen thuộc, không ít bạn trẻ sẽ từ từ chấp nhận hình ảnh đó và có niềm tin rằng sẽ giải quyết được vấn đề ngoài cuộc sống như khi chơi game…

Cần giám sát của gia đình và nhà trường

Thạc sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý. Khi nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể ngày giờ và không còn hứng thú học tập hay những hoạt động khác như trước kia vẫn thích. Trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình. Thậm chí, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác.

Nguyên nhân là do não trẻ bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ dẫn đến cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến tổn thương thần kinh.

Không những sức khỏe thể chất bị tàn phá nghiêm trọng, trẻ nghiện game còn gánh chịu những hậu quả khôn lường về mặt tinh thần. Trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Trẻ học giảm sút, chán học, bỏ học và thậm chí có thể bị lưu ban, bị đuổi học. Trẻ bỏ các công việc trong gia đình, thậm chí trẻ có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường…

Ngoài ra, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game; Một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.

Từ những hậu quả nêu trên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, vai trò giáo dục, giám sát của gia đình, nhà trường, xã hội là rất quan trọng, nhất là trong giáo dục các kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ. Đặc biệt, nhà trường, tổ chức Đoàn - Đội cần có nhiều hoạt động cộng đồng có ý nghĩa để thu hút học sinh tham gia, từ đó các em quên đi những hoạt động tiêu cực.

Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh cần phải hiểu được sự thay đổi trong tâm sinh lý của trẻ, phải biết lắng nghe, chia sẻ, theo dõi, hướng dẫn con làm theo những việc tốt, xa lánh những việc xấu, tránh bị lôi kéo, sa ngã.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động