e magazine
19/07/2024 18:39
Những người mẹ tạc nên hình Tổ quốc

19/07/2024 18:39

Về với các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời bình hôm nay, tôi vẫn thấy ẩn hiện trong đôi mắt mờ đục là nỗi đau chiến tranh day dứt hơn nửa thế kỷ chưa nguôi ngoai. Chiều tháng 7, nắng miền Trung tươi vàng như màu lúa mới, nhưng lòng mẹ vẫn khắc khoải niềm nhớ thương những người chồng, người con đã ra đi trong khói lửa chiến tranh, đi mãi chẳng về.
Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Ước mơ được thấy con về

Tại thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), mẹ VNAH Hoàng Thị Hy nay đã hơn 104 tuổi. Đón đoàn bằng nụ cười hiền, mẹ Hy chậm rãi bước về phía chúng tôi và ân cần bắt tay, hỏi han từng thành viên trong đoàn. Chuyện trò với chúng tôi, mẹ nhớ nhiều chuyện xưa, thậm chí còn rất hài hước, có chút “ngượng ngùng” khi con trai thứ ba kể về thời trẻ “mẹ xinh nhất làng”.

Nhìn mẹ Hy cười, tôi đâu tưởng tượng được nỗi đau của mẹ khi chồng và con lần lượt ngã xuống trong chiến tranh ác liệt. Hơn 50 năm qua, mẹ vẫn đau đáu trong lòng vì chưa thể đưa thi hài của con trai thứ về với quê hương.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Mẹ Hy trò chuyện cùng Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng (bên trái) và Phó Tổng Biên tập Ngô Vương Tuấn (bên phải)

Tôi lặng người khi nghe mẹ kể. Ngày trước, mẹ Hy lấy chồng là liệt sĩ Trần Anh Nhím năm vừa tròn 18 tuổi. Hôn nhân cho mẹ 6 người con, 4 trai và 2 gái. Cuối năm 1967, khi con gái út mới lên 1 tuổi thì ông Nhím theo lời kêu gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Tiễn con ra chiến trận, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày mẹ bồn chồn lo lắng không yên.

Nhìn lại 6 đứa con thơ dại, mẹ quyết tâm trở thành hậu phương vững chắc. Ở quê nhà với ruộng vườn, ao cá, một tay mẹ Hy quần quật lao động sớm tối không ngơi nghỉ để lo cho đàn con thơ được bữa rau cháo no bụng.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Huân chương Kháng chiến của liệt sĩ Trần Anh Nhím và liệt sĩ Trần Anh Hùng được treo hai bên thiệp mừng thọ của mẹ Hy tựa như một bức tranh gia đình mà mẹ luôn mơ ước

Tất bật với công việc, nhưng mẹ chẳng quên người chồng đầu ấp tay gối đang xông pha nơi chiến trường ác liệt. Mỗi ngày, mẹ lại thắp nhang nguyện cầu Phật, Thánh, cầu cho ông Nhím sớm có ngày trở về đoàn tụ với vợ con. Nhưng bom đạn vô tình, ngày mà mẹ hy vọng chẳng đến.

Một năm sau ngày ông Trần Anh Nhím nhập ngũ, mẹ hay tin chồng bị thương nặng trong chiến đấu. “Dù chuẩn bị tâm lý vững vàng, nhưng ngày mà cán bộ xã mang giấy báo tử của chồng đến nhà, tôi đã ngất xỉu” - mẹ kể. Suốt những ngày tháng sau đó, mẹ vừa làm vừa khóc. Đụn rơm, mảnh vườn, ruộng lúa,... nơi đâu cũng thấm đầy nước mắt mẹ Hy. Vì con cái, mẹ gạt dòng lệ để tiếp tục đứng lên sau đau thương, nuôi con ăn học thành người.

Những tưởng cuộc đời sẽ yên ả sau nỗi đau khôn nguôi, một năm sau, người con thứ hai của mẹ là anh Trần Anh Hùng (1950) cũng lên đường nhập ngũ. Ngày con đi, mẹ Hy có linh cảm chẳng lành nhưng vì Tổ quốc cần, bà vẫn động viên và tiễn con ra trận.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Trong ký ức của mẹ, hình ảnh người con trai vẫn vẹn nguyên như ngày bà tiễn anh lên đường. Mẹ kể với giọng chất chứa đau thương nhưng rất đỗi tự hào: “Học xong lớp 9 là nó xin đi nhập ngũ ngay, lúc ấy Hùng mới 19 tuổi. Nó nặng 56kg, trắng trẻo, xinh trai lắm, con gái trong làng ai cũng thích. Nhưng nó chỉ tâm niệm muốn theo bước bố, trở thành bộ đội chiến đấu cho Tổ quốc”.

Từ ngày con đi, mẹ Hy cứ mãi ngóng chờ tin anh trong vô vọng. Nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường B, mọi hoạt động và thông tin của chiến sĩ Trần Anh Hùng đều phải đảm bảo bí mật, một lá thư cũng không thể gửi về.

Dẫu không biết tin con, nhưng cũng như mẹ Hy từng nuôi hy vọng cho chồng, chờ một ngày chiến tranh sẽ kết thúc và “thằng Hùng con mẹ” sẽ trở về ôm mẹ như ngày thơ bé. Bà mơ ngày anh về với lá cờ đỏ sao vàng trong tay đầy rạng rỡ, rồi kết hôn, sinh con, mẹ Hy sẽ được bế bồng những đứa cháu kháu khỉnh dễ thương....

Năm 1970, liệt sĩ Trần Anh Hùng hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Phải hơn một năm sau ngày anh hy sinh, gia đình mới nhận được giấy báo tử của anh. Đọc những dòng chữ đã nhòe vì khói bụi, nước mắt, người phụ nữ kiên cường đổ gục, nước mắt đã cạn khô. Mất người đầu ấp tay gối, mất cả người con trai mẹ rất đỗi tự hào, tâm trí mẹ Hoàng Thị Hy bị màn đêm bao phủ suốt một khoảng thời gian dài sau đó. Mẹ chỉ mong được đón con về, được thấy nấm mộ của hai bố con nằm cạnh nhau, để mẹ ngày ngày trông nom cho khỏi nhang tàn đất lạnh.

Mẹ nghẹn ngào kể lại: “Giấy báo tử chỉ ghi rằng thằng Hùng của mẹ hy sinh vào tháng 5 năm 1970 tại Quảng Nam, nhưng không nêu rõ ở thôn nào, xã nào”.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Mỗi khi trông lên tấm bằng khen ghi tên con, mẹ Hy lại trào dâng nỗi nhớ vô bờ

Hơn 50 năm qua, mẹ đã sống trong nỗi mong chờ, hy vọng rồi lại thất vọng khi tìm kiếm hài cốt con. Một vài năm trước, nghe nói ở Quảng Nam có một phần mộ liệt sỹ không rõ họ, nhưng tên lại trùng khớp với tên liệt sỹ Trần Anh Hùng, mẹ và gia đình vui mừng khôn xiết. Nhiều lần gia đình đã vào Quảng Nam để tìm hiểu và viết đơn xin được thử ADN của phần mộ đó để xác nhận huyết thống, nhưng mọi hy vọng lại bị dập tắt khi kết quả ADN cho thấy phần mộ đó không khớp với ADN của gia đình liệt sỹ Hùng.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Mẹ Hoàng Thị Hy chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Mẹ Hy nói trong nghẹn ngào: “Giờ mẹ cũng già lắm rồi, không biết ra đi lúc nào. Ước nguyện cuối cùng của mẹ là trước khi nhắm mắt xuôi tay, tìm được hài cốt của thằng Hùng để con được trở về bên mẹ.”

Nghe mẹ kể chuyện, tôi mới hiểu một người phụ nữ Việt Nam có thể kiên cường, mạnh mẽ đến nhường nào. Ôm đôi bàn tay gầy của mẹ Hoàng Thị Hy, tôi nhận ra sự lạc quan, vui vẻ của mẹ chỉ là vỏ ngoài che giấu đi vết thương lòng bên trong sâu thẳm. Mẹ vẫn là người phụ nữ, trái tim yếu mềm phải can trường đứng lên bởi ngày ấy Tổ quốc còn lâm nguy. “Đưa con đi thì mất con mà giữ con lại thì mất nước”, mẹ đã chọn tiếng gọi của quê hương. Để rồi giờ đây, năm tháng hòa bình, mẹ vẫn đau đáu tựa cửa mong con về.

Nửa thế kỷ khắc khoải chờ mong

Chia tay mẹ VNAH Hoàng Thị Hy, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô lại tiếp tục tìm về với thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), quê nhà của mẹ VNAH Trần Thị Diệu (1922).

Đón chúng tôi, mẹ Diệu từ tốn gọi: “Anh Dũng đâu rồi? Ra pha chè tiếp khách với mẹ”. Ở tuổi 102, mẹ Diệu hiện đang sống với gia đình người con trai thứ 3 là ông Phan Danh Dũng. Khác với mẹ Hy, mẹ Trần Thị Diệu ít nói, ít cười nhưng lòng nhiệt thành của mẹ lại đong đầy trong chén chè xanh thơm dịu và buồng chuối ngọt từ mảnh vườn mẹ chăm nom.

Nhìn mẹ, tôi cảm nhận được nỗi buồn hiện hữu rõ trên gương mặt già nua đầy sương gió. Mẹ Diệu có 2 người con trai là liệt sĩ Phan Danh Lai (1952 - 1974) và liệt sĩ Phan Danh Ngọ (1954 - 1974). Bà không cố che giấu lòng nhớ con khắc khoải mà vẫn hay khóc thầm mỗi khi nhắc về các anh.

Tuổi già khiến mẹ nghe không rõ, tay chân nặng nề không nhanh nhẹn nhưng đôi mắt của mẹ vẫn sáng lên mỗi khi nhìn lên hai tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của con cả và con thứ. Bà ngậm ngùi nói nhỏ: “Lúc nào mẹ cũng nhớ, nhớ lắm. Hai đứa con trai của mẹ, sao chúng nó chưa về?”.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô thăm hỏi sức khỏe của mẹ Trần Thị Diệu

Đỡ lời mẹ già đang xúc động, ông Dũng kể, gia đình ông có truyền thống yêu nước, ủng hộ cách mạng từ lâu đời.

Thời ông bà ngoại của ông Dũng, phong trào Cần Vương (1885-1896) do Vua Hàm Nghi phát động bị đàn áp, gia đình phải trốn sang Thái Lan để tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau khi lấy chồng năm 30 tuổi, mẹ Diệu đã lần lượt đón sự chào đời của ba người con trai là ông Phan Danh Lai, Phan Danh Ngọ và cuối cùng là ông Phan Danh Dũng.

Ngày ở Thái, gia đình mẹ Diệu đã tận tâm hỗ trợ chính quyền cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Thời ấy, cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Thái Lan đã lấy tên Thầu Chín, ngày đêm tìm đường lối dẫn đường cho cách mạng được diễn ra thành công. Chính bố mẹ và cô gái trẻ Trần Thị Diệu khi đó đã lo từng bữa cơm, giấc ngủ, đảm bảo bí mật cho các đồng chí được an toàn trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Trong năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi kiều bào hồi hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình mẹ Diệu đã lập tức trở về nước ngay trong chuyến tàu đầu tiên để tiếp tục đóng góp cho kháng chiến tại quê hương.

Năm 1973, khi ông Lai, ông Ngọ trưởng thành và bày tỏ nguyện vọng muốn nhập ngũ để chiến đấu, mẹ Diệu hết lòng ủng hộ. Trước lúc hai anh đi, ông Dũng còn nhớ chính tay mẹ đã gói từng nắm cơm, gấp quân phục và chuẩn bị cẩn thận hành trang cho hai anh lên đường.

“Tiễn hai anh đi, mẹ đứng lặng ở cổng làng rất lâu, chẳng khóc nhưng mẹ cứ lẩm bẩm xin trời phù hộ cho hai con của mẹ có ngày về” – ông Dũng chia sẻ.

Những người mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Ông Phan Danh Dũng, con trai thứ ba của mẹ Trần Thị Diệu

Hai con đi rồi, mẹ Diệu trở về với ruộng đồng, vườn tược. Cứ một thời gian, mẹ nhớ con không chịu nổi lại gọi ông Dũng ra trụ sở ủy ban xã hỏi thông tin về hai anh. Những bức thư từ chiến trường gửi về khiến mẹ yên tâm phần nào rằng hai con vẫn đang kiên cường chiến đấu vì Tổ quốc. Trong lòng mẹ là niềm tự hào trào dâng, bên cạnh đó là sự lo lắng khôn nguôi cho sức khỏe và tính mạng của hai người con trai yêu quý.

Nhưng rồi, ông Trời lại phụ lòng lời nguyện cầu của mẹ Diệu. Tháng 8/1974, có một anh cán bộ xã cứ đứng ngập ngừng trước cửa cả tiếng đồng hồ mãi không vào. Mẹ Diệu ra đón nhưng anh chỉ nghẹn ngào khóc nấc rồi đưa vào tay mẹ tờ giấy báo tử của người con cả Phan Danh Lai. Nhận tin con, bà sụp xuống đất khóc ngất đi trong vòng tay ông Dũng. Ông Phan Danh Lai đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Quảng Nam trong một trận chiến ác liệt bảo vệ cứ điểm.

Nỗi đau dồn dập nỗi đau, tháng 11 cùng năm, ông Phan Danh Ngọ cũng ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị. Dù các cán bộ xã tìm mọi cách giấu tin anh tránh cho mẹ xúc động quá mà ngã bệnh, nhưng bằng linh cảm mãnh liệt của người mẹ đang chờ con, mẹ Diệu biết bà đã mất thêm một người con. Bà mạnh mẽ tự đến xã để nhận giấy báo tử của con lần nữa. Bước về đến cổng nhà, người phụ nữ ấy đã ngã gục.Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Thời gian đó, mẹ Trần Thị Diệu thật sự đã hóa điên, lang thang khắp làng trên xóm dưới, thơ thẩn khóc tìm con. Mái tóc hoa râm của mẹ chỉ sau vài ngày đã bạc trắng khiến người dân xã Thạch Ngọc ai trông thấy mẹ cũng xót xa thương cảm.

Ông Phan Danh Dũng cho biết: “Thời điểm ấy, tôi phải nghỉ làm cơ quan để ở nhà trông mẹ. Chính tôi cũng đau đớn khôn cùng trước sự ra đi của anh trai. Nhưng khi ấy nếu tôi không mạnh mẽ làm chỗ dựa cho mẹ thì chẳng có ai làm được việc đó. Hình ảnh mẹ tôi đầu tóc xõa trắng, ánh mắt thất thần lang thang trong cái nắng trưa chói chang, không ngừng gọi tên hai anh khiến tôi cũng như điên dại vì thương mẹ”.

Mãi đến năm 1986, những chấn thương tâm lý của mẹ Diệu mới nguôi ngoai. Bà dần trở lại bình thường, nhưng kể từ ấy, chẳng ai còn thấy mẹ Diệu nói cười vui vẻ, hoạt bát như xưa. Ông Dũng thì ngày đêm gắng sức thay hai anh làm tròn nghĩa vụ “con trưởng”, trọn vẹn báo hiếu cho mẹ già đã trải qua một đời khổ đau.

Thời gian qua đi, nhưng vết thương lòng của mẹ Trần Thị Diệu mỗi khi tháng 8, tháng 11 về lại day dứt, nhói đau. Trong những năm tháng sau khi hai anh mất, gia đình đi tìm mộ của các anh nhưng chẳng có thông tin gì lại khiến mẹ càng khắc khoải. Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm, gia đình tìm được mộ của anh Phan Danh Ngọ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và mộ của anh Phan Danh Lai tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Từ ấy, mẹ cũng yên lòng hơn.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Nhiều năm trôi qua, nỗi buồn vẫn còn nặng trĩu trong đôi mắt mẹ Diệu

Trong hành trình ý nghĩa mà Báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện tại các tỉnh miền Trung lần này, để đáp đền, tri ân Mẹ VNAH, thân nhân người có công, chúng tôi được nghe nhiều những câu chuyện xúc động về những người mẹ vĩ đại - những người đã tạc lên dáng hình đất nước.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốc

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn thăm hỏi, động viên mẹ VNAH Phan Thị Quyên (Quảng Bình).

Ngoài mẹ Hy, mẹ Diệu, tôi được lắng nghe những tâm sự của mẹ Đỗ Thị Điểm và mẹ Phan Thị Quyên (Quảng Bình). Chồng, con các mẹ giờ đây vĩnh viễn được đất nước ôm trọn dáng hình. Hơn 50 năm hòa bình được lập lại trên khắp cả nước và cũng từng ấy năm các mẹ ngày ngày hương khói, lặng lẽ rơi lệ trước bàn thờ các anh.

Những người Mẹ tạc nên hình Tổ quốcĐoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô về thăm mẹ VNAH Đỗ Thị Điểm (Quảng Bình)

Đất nước trải qua nhiều cuộc chiến, hàng triệu người thanh niên đã ngã xuống vì nền hòa bình, hạnh phúc của Nhân dân. Và cũng hàng triệu người Mẹ VNAH đã mãi mãi mất đi những người con yêu quý. Những người phụ nữ ấy đã không ngần ngại dâng hiến những gì quý giá nhất của cuộc đời mình - những đứa con yêu dấu - cho sự nghiệp chung của đất nước.

Bởi thế, những người trẻ như chúng tôi càng thêm hiểu rằng, ngày hôm nay, khi chúng ta sống trong hòa bình và thịnh vượng, lại càng không được phép quên lãng những hy sinh cao cả đó của các Mẹ VNAH, biểu tượng vĩnh cửu của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất và của tình mẫu tử bất diệt.

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hòa chung các hoạt động tri ân của TP Hà Nội, từ ngày 8 - 11/7, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, đoàn công tác của báo đã tới dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.

Trong hành trình này, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng thăm hỏi, tặng quà 10 thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, thân nhân Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng, 4 Mẹ Việt Nam anh hùng và trao tặng 50 suất quà, học bổng tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và Can Lộc (Hà Tĩnh).

Trước đó, tại Hà Nội, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới thăm và trao tặng quà cho người già, người neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 và người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Tại 2 trung tâm, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thăm hỏi, động viên các bà, các mẹ là thân nhân người công với đất nước, những cụ già neo đơn cùng các em nhỏ; trao những món quà ý nghĩa với tổng giá trị xấp xỉ 150 triệu đồng.

Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Ơn nghĩa sinh thành” của báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tổ chức vào 15/8 tới đây.

Bài viết: Tùng Linh

Ảnh: Thành Trung - Phạm Mạnh

Tùng Linh