TTTĐ - Đứng trước hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau dài hút hút tại các nghĩa trang liệt sỹ dọc dải đất miền Trung, lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động của thế hệ cha ông, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả: Bi ai mà hùng tráng, xót xa nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Những ngày tháng 7 lịch sử, tôi may mắn được là 1 thành viên của đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô do đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo dẫn đầu cùng cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Báo thực hiện hành trình về nguồn để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các tỉnh miền Trung.
Khởi hành từ Thủ đô Hà Nội, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác chúng tôi là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào (Nghệ An), nơi an nghỉ của gần 11 nghìn liệt sỹ từ 47 tỉnh, thành phố trên đất nước - những người đã hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì độc lập tự do của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Đoàn công tác của TP Hà Nội tới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị |
Trước anh linh của các Anh hùng liệt sỹ, với lòng thành kính, các thành viên trong đoàn chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ và ôn lại truyền thống anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ năm xưa tình nguyện sát cánh cùng quân giải phóng Pa-thét Lào.
Trong điểm dừng chân đầu tiên này, đoàn công tác của chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ về nghĩa trang để được trò chuyện với đồng đội, cha ông mình qua những tấm bia mộ.
Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô do đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo dẫn đầu cùng cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Báo tới viếng, dâng hương và dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An) |
Tại đây, chúng tôi đã được gặp ông Hoàng Thế Thanh (xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An) khi ông đang thắp hương trên mộ cha mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thanh kể, những ký ức về người cha kiên cường - liệt sỹ Hoàng Thế Trang không nhiều khi cha ông hy sinh vào năm 1971 khi ông Thanh vừa tròn 7 tuổi. Vậy nhưng, đều đặn năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, ông và các thành viên trong gia đình đều tới thăm mộ cha.
Nhớ về cha, ông lại không kìm được nước mắt: “Bố mất khi tôi còn nhỏ tuổi nhưng chưa bao giờ tôi quên được hình bóng của ông. Tôi nhớ bố và tự hào về những gì mà ông cùng các thế hệ cha anh đã hy sinh vì đất nước. Điều đó đã trở thành lý tưởng sống cao đẹp và là bài học quý giá để thế hệ con cháu chúng tôi tiếp tục phấn đấu”.
Nhìn những giọt nước mắt rơi trên má người đàn ông đã hơn 60 tuổi đang xúc động, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ với lòng biết ơn vô hạn, chúng tôi càng thấu hiểu rằng, những vết thương mà chiến tranh gây ra cho những người ở lại mãi mãi còn đó, không bao giờ có thể lành lại.
Đến hôm nay mỗi khi chứng kiến hàng hàng lớp lớp bia mộ phơi sương, giữa bạt ngàn nắng gió dọc dải đất miền Trung, chúng tôi hay bất kỳ một người dân Việt Nam nào đều khó có thể kìm lòng được trước những đau thương, mất mát của nước nhà trong cuộc chiến vì độc lập tự do.
Ông Hoàng Thế Thanh lặng mình ngồi bên mộ cha |
“Hành trình về nguồn” là hoạt động truyền thống của Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong nhiều năm qua mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện "Ơn nghĩa sinh thành" của Báo, nhằm tiếp lửa truyền thống, lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. |
Rời quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đoàn công tác của chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với hơn 100km, tới viếng và dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Hòa cùng dòng người nối dài xếp hàng với những bông hoa trắng dâng lên 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong, chúng tôi được chị thuyết minh viên kể lại câu chuyện xúc động về 10 nữ thanh niên xung phong năm nào. Trước hố bom năm xưa, khi giọng nữ thuyết minh viên cất lên với niềm tiếc thương và day dứt, những hồi tưởng về Đồng Lộc 56 năm trước đã khiến chúng tôi đã vô cùng xúc động.
Chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng, chính tại nơi đây vào năm 1968, mỗi mét vuông đất đã phải hứng chịu tới 3 quả bom mỗi ngày. Một nơi tưởng như không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi nhưng ngày đêm vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.
Đoàn công tác tới viếng, dâng hương và dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) |
Trong cái nắng nóng gắt của Hà Tĩnh vào những ngày tháng 7, bên tai tôi vẳng lên lời bài hát “Đồng Lộc 10 bông hoa bất tử”: "Đồng Lộc ơi 10 bông hoa Bất tử/ Giữa bom thù trộn đất trời nắng gió/ Giữa vùng trời đất không còn cây cỏ/ Vẫn ngát hương nuôi huyết mạch giao thông...".
Ca từ bài hát như dẫn lối chúng tôi - những người có mặt trong cuộc hành trình giao kết được với những anh linh liệt sỹ đã nằm xuống nơi đây. Chúng tôi càng thấu hiểu và biết ơn với thế hệ đã làm nên khúc tráng ca Đồng Lộc ngày ấy.
Ở chiến trường lịch sử năm nào, chúng tôi còn được đọc, được nghe, được xúc động đến rơi nước mắt với tinh thần lạc quan, vui vẻ và yêu đời trong tâm tư gửi vào bức thư tới mẹ của “Cô gái mở đường” Võ Thị Tần trước ngày hy sinh.
“Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con mẹ ạ.
Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất kiên cường này. Mẹ ơi! Thời gian địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay mẹ gửi dạo nọ đã gần hết rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy”.
Trong mưa bom, bão đạn, sự sống và cái chết chỉ được tính bằng từng phút, từng giây, chiến tranh dai dẳng và cam go nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của con người, đặc biệt là những cô gái tuổi 18, đôi mươi. Chị Võ Thị Tần cùng những người đồng đội của mình ở cao điểm vẫn hát, vẫn nhí nhảnh, lạc quan, yêu đời, chị có nhiều tâm tư, nguyện vọng được gửi gắm đến người yêu, người thương, đặc biệt là người mẹ vẫn trông ngóng con từng đêm.
Bức thư gửi mẹ của nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần trước khi hy sinh |
Những nét chữ nguệch ngoạc được viết trên một tờ giấy không có dòng kẻ nhưng rất thẳng hàng không chỉ là bộc bạch, tình cảm của một người con gửi mẹ, một người chị gửi em mà đó còn là tinh thần yêu nước mãnh liệt, đại diện cho một thế hệ nữ thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất.
Là một người trẻ, một đoàn viên thanh niên của đất nước, tôi thực sự tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Đứng trước mộ của các nữ thanh niên xung phong, tôi tự hứa với bản thân sẽ không ngừng nỗ lực, giữ gìn truyền thống và tiếp tục xây dựng nước nhà ngày một giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông.
ĐChia tay Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi hướng tới Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng. Trên xe, cả đoàn cùng nhau cất vang những câu hát: “Ôi! Anh Lý Tự Trọng, người anh hùng bất khuất luôn luôn hiên ngang đối mặt quân thù/ Con đường của thanh niên chỉ có con đường cách mạng/ Lời anh sáng ngời vang mãi đến ngàn đời sau…” trong “Bài ca Lý Tự Trọng” với những cảm xúc đầy tự hào.
Đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng và trao các suất học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh |
Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng là một thanh niên yêu nước, nổi tiếng với câu nói “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”. Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Ông lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.
17 tuổi, cái tuổi mà chúng tôi hôm nay vẫn đang cắp sách tới trường để bước vào năm cuối tại THPT với biết bao ước mơ, hoài bão thì thì 93 năm trước, người thanh niên ấy đã làm nên một tượng đài thanh niên bất tử với lý tưởng cống hiến cao đẹp. Tấm gương ấy đã giúp các đoàn viên, thanh niên của Báo Tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi thêm thấm nhuần tinh thần và lý tưởng cách mạng của thế hệ cha anh.
Đoàn công tác tới thăm, động viên và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Với Nguyễn Đức Minh, cậu phóng viên trẻ đã 2 lần tham gia chuyến hành trình về nguồn tại miền Trung của Báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhưng đây là lần đầu tiên được tới Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng. Mỗi “địa chỉ đỏ” được đặt chân đến đều mang lại cho chàng trai này và các thành viên trong đoàn chúng tôi sự xúc động khó nói lên lời.
"Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện noi gương anh, sẽ viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới", Đức Minh bày tỏ.
Tại Hà Tĩnh, đoàn công tác cũng tới nhà thăm hỏi và trò chuyện với 2 thân nhân Anh hùng Lý Tự Trọng và Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu (103 tuổi) tại xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Sau đó, đoàn công tác dừng chân tại Quảng Bình, tới thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy (ở thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch), có 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Quyên (ở thôn 7, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch), có chồng và một người con trai được phong danh hiệu Anh hùng liệt sỹ và đoàn di chuyển tới thôn Đông Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Điểm.
Tại các điểm đến, chúng tôi đều chia sẻ sâu sắc với nỗi đau thời gian của các Mẹ Việt Nam anh hùng; đồng thời động viên các Mẹ luôn giữ gìn sức khỏe, lạc quan tinh thần để sống vui khỏe bên con cháu.
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn công tác của chúng tôi dừng chân tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ở một nơi vốn tưởng chừng chỉ dành cho những người đã mất thì nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho bao thế hệ tương lai của nước nhà.
Tại đây, không chỉ chứng kiến hình ảnh chục ngàn bia mộ trắng, nghi ngút khói hương với dòng người nối dài dâng hương tại các nghĩa trang, chúng tôi còn được lắng nghe nhiều câu chuyện của các gia đình tới thăm, trò chuyện với những người thân yêu đã ngã xuống vì dân tộc qua các tấm bia mộ.
Cầm chiếc khăn trên tay nhẹ nhàng lau tấm bia và bày biện món đồ lễ, thắp những nén nhang thơm, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (sống tại Hà Nội) và gia đình lặng người, xúc động trước mộ của ông nội – người anh hùng năm xưa ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị.
Gia đình chị Huyền thắp hương tại phần mộ ông nội |
Đã thành truyền thống của gia đình, cứ đến dịp 27/7 hàng năm, chị Huyền lại cùng người thân trong nhà từ mọi miền đất nước về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 để thăm mộ ông nội của chị. Với riêng gia đình nhỏ của chị, không chỉ dừng lại ở Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, cả nhà còn tự lái xe tới thăm và viếng Ngã ba Đồng Lộc, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
“Các con, các cháu trong nhà chúng tôi đều rất hào hứng và mong mỏi được tham gia chuyến đi này. Với chúng tôi, điều mong muốn nhất là thế hệ tương lai của nước nhà sẽ không bao giờ quên đi những cống hiến, hy sinh và ngã xuống vì độc lập của thế hệ cha ông. Đó là truyền thống tốt đẹp và hành trang quý giá để chúng ta trưởng thành”, chị Huyền xúc động chia sẻ.
Trong hành trình về nguồn đáng nhớ này, địa danh tiếp theo mà chúng tôi dừng lại là Thành cổ Quảng Trị, nơi “nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ”. Ở vùng đất thiêng này, từng nhành cây, ngọn cỏ, nắm đất như thì thầm với dòng người vào viếng, nhắc nhở chúng tôi về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm để bảo vệ thành cổ của những người lính trẻ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có lẽ, không có nơi nào trên dải đất Việt này, đất được giữ bằng một cái giá đắt như Thành cổ Quảng Trị. Ở đây, mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương.
Khi bước chân vào Thành cổ, chúng tôi ai nấy cũng đều “đi nhẹ, nói khẽ”, bởi dường như, ai cũng thấu hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh kia là biết bao chiến sĩ đã nằm lại, trở thành một phần trầm tích sâu dày, mạch nguồn cho cỏ non Thành cổ mãi xanh. Nhiều người trong đoàn đã bật khóc khi nghe lại những câu chuyện bi tráng trong 81 ngày đêm đỏ lửa ở nơi này…
Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được tại Thành cổ Quảng Trị đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương |
Đoàn chúng tôi cùng đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã thực hiện nghi trang trọng thả đèn hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn. Tại nơi đây, ngày 16/9/1972, để bảo toàn lực lượng cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định rút toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành cổ về phía bờ Bắc sông Thạch Hãn. Lúc này, sông Thạch Hãn đang vào mùa lũ lớn. Vì vậy, hàng ngàn chiến sĩ cùng thương binh của ta khi qua dòng sông này đã không còn đủ sức chống lại với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành dòng sông máu, là nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các thành viên của đoàn công tác của TP Hà Nội xúc động lắng nghe thuyết minh viên kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt tại Quảng Trị |
Xúc động trước sự hy sinh cao cả của những Anh hùng liệt sỹ khi dâng hương tại Di tích Thành cổ Quảng Trị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã diễn ra rất nhiều cuộc đấu tranh để giành độc lập dân tộc, nhưng không đâu trên dải đất này, sự tàn khốc của chiến tranh, hậu quả của chiến tranh lại nặng nề và dai dẳng về cả về vật chất, tinh thần đối với người dân như mảnh đất Quảng Trị, biến nơi này trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.
Khát vọng hòa bình không chỉ là của Nhân dân Quảng Trị, mà còn là khát vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam, một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm".
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, những hoạt động tri ân của người dân Thủ đô và cả nước đối với các AHLS, thân nhân, người có công với cách mạng thể hiện sinh động văn hóa vì hòa bình - bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, của người Thủ đô văn minh, văn hiến.
Bên cạnh việc tri ân các Anh hùng liệt sỹ, đoàn công tác của Báo cũng trao tặng nhiều suất quà tới các gia đình chính sách, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên dọc hành trình |
Rời miền Trung trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, nhưng trên hết, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều tin rằng, những người con đã ngã xuống, quên mình vì đất nước, mãi mãi vẫn sống trong lòng đất mẹ, trong lòng Nhân dân.
Và chúng tôi, thế hệ trẻ của đất nước sẽ nguyện giữ vững tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xây dựng và bảo vệ nền hòa bình vô giá của dân tộc.
Bài viết và trình bày: Thành Trung |