e magazine
17/07/2024 15:54
Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

17/07/2024 15:54

Trên những cung đường của chuyến hành trình tri ân 2024, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung. Trước chuyến đi, tôi đã rất mong chờ được đến với Hà Tĩnh, vùng quê yên bình, dịu dàng với sông La xanh thẳm và núi Hồng Lĩnh chót vót. Nhưng hơn cả, tôi muốn về bên các chị, 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng đang say ngủ dưới tầng tầng lớp lớp thông xanh tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. 56 năm được ấp ôm trong lòng đất mẹ, các chị chẳng thêm một tuổi nào. Tre già măng mọc, bao thế hệ người Việt Nam đã tìm về với các chị trong suốt những năm qua. Những nụ cười thanh xuân ấy đã mãi tạc vào thế kỷ, khắc ghi tinh thần người phụ nữ Việt "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" đến muôn đời.
Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Trên những cung đường của chuyến hành trình tri ân 2024, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung. Trước chuyến đi, tôi đã rất mong chờ được đến với Hà Tĩnh, vùng quê yên bình, dịu dàng với sông La xanh thẳm và núi Hồng Lĩnh chót vót.

Nhưng hơn cả, tôi muốn về bên các chị, 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng đang say ngủ dưới tầng tầng lớp lớp thông xanh tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. 56 năm được ấp ôm trong lòng đất mẹ, các chị chẳng thêm một tuổi nào. Tre già măng mọc, bao thế hệ người Việt Nam đã tìm về với các chị trong suốt những năm qua. Những nụ cười thanh xuân ấy đã mãi tạc vào thế kỷ, khắc ghi hình ảnh người phụ nữ Việt "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" đến muôn đời.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Nằm tại địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 (Hà Tĩnh) trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn. Địa hình trọng điểm Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi trọc và chỉ có một con đường độc đạo chính giữa. Mọi hành trình vào Nam, ra Bắc thời ấy đều bắt buộc phải đi qua ngã ba này.

Gần 60 năm trước, Mỹ-Ngụy hiểu rõ tầm quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc, chúng liên tục cày xới từng centimet đất nơi đây với hơn 50.000 quả bom các loại trong suốt chiến dịch. Chúng còn hủy diệt cây cỏ bằng vũ khí hóa học độc hại, khiến cả vùng Đồng Lộc trơ trọi, xám xịt không có nổi một màu xanh. Mỗi mét vuông nơi đây đã hứng chịu ít nhất 3 quả bom tấn mà giặc Mỹ tàn nhẫn trút xuống nhằm chặn đứng huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam của quân ta.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Ngã ba Đồng Lộc ngày nay nhìn từ trên cao

Suốt 300 ngày, hơn 16.000 chiến sĩ thuộc các lực lượng bộ đội pháo binh và thanh niên xung phong phá bom, mở đường đã kiên cường bám trụ, tranh đấu giành từng tấc đất, quét sạch đất đá ngổn ngang để đảm bảo tuyến giao thông trọng yếu được nối liền thông suốt. “Đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”... là những lời thề máu, trở thành ngọn hải đăng soi sáng cho lý tưởng, mục tiêu sống và chiến đấu của hàng vạn chiến sĩ nơi Đồng Lộc.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô trang nghiêm dâng hoa lên Đài Tưởng niệm TNXP tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Ngày ấy, dẫu biết ra đi có lẽ chẳng có ngày về, hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam vẫn quyết tâm tình nguyện ra trận. Họ là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân... Sau mỗi loạt bom của kẻ thù dội xuống, hàng loạt nam, nữ thanh niên xung phong lại băng băng lao vào màn khói độc để dò mìn, dò bom chưa nổ, dò hố bom sâu để cắm cột cảnh báo, đồng thời nhanh chóng san lấp đường cho những chuyến xe được thông tuyến.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Nụ cười vẫn luôn nở trên môi các anh, chị dẫu biết hiểm nguy trực chờ phía trước.

Ở tuổi thanh xuân, các anh, chị ngày ấy mái tóc còn xanh, đôi mắt sáng ngời và những tiếng ca còn trong trẻo lắm. Nhưng thời thế chiến loạn đã thổi bùng trong họ ngọn lửa tuổi trẻ bỏng cháy căm hờn, sống và chiến đấu bằng cả linh hồn và thể xác cho đất Việt. Khi trên cao, kẻ thù vẫn đang không ngừng gieo mầm chết, thì phía dưới, các anh các chị vẫn kiên cường làm nhiệm vụ.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Một lần, hai lần,... rồi rất nhiều lần trở về di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi chẳng thể ngăn nổi giọt nước mắt nghẹn ngào mỗi khi nghe thuyết minh viên kể lại những câu chuyện của 10 cô gái TNXP ở vùng đất thiêng này.

Năm ấy, nơi giao điểm Ngã ba Đồng Lộc, có 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552. Các chị đều là những người con quả cảm của tỉnh Hà Tĩnh, chỉ vừa 17 đến 24 tuổi. Công việc chính của họ là đào đất, bê đá, san lấp hố bom, làm đường tránh. Nhiều lúc, các chị còn tình nguyện mặc áo trắng, cầm tay nhau làm cọc tiêu để các đoàn xe đi vào mặt trận được an toàn. Công việc chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Chân dung mười cô gái TNXP anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc - ảnh đã được phục dựng

Dẫu hiểm nguy, vất vả, Tiểu đội 4 do A trưởng Võ Thị Tần chỉ huy luôn rất lạc quan và vui vẻ. Hình ảnh các chị tay xách, nách mang những quân trang, dụng cụ, nhanh nhẹn vượt qua trận địa đầy khói bụi để duy trì huyết mạch giao thông đã in sâu trong ký ức của đồng đội. Những cô gái Tiểu đội 4 tuy không cùng máu mủ, thân quen nhưng đùm bọc, yêu thương lẫn nhau như chị em trong nhà.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Chị Võ Thị Hà, nữ TNXP trẻ nhất chỉ mới 17 tuổi, được các chị lớn trong Tiểu đội 4 vô cùng cưng chiều. Có việc gì nặng, chị Hà Thị Xanh lại làm thay cho Út Hà, có đồ ăn mỗi khi gia đình gửi lên, các chị đều để phần ngon nhất cho chị Hà. Sống với nhau giữa khói lửa chiến tranh, tình thương đơn thuần mà các cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc dành cho nhau vẫn son sắt, thủy chung mà chẳng cần lý do. Có lẽ, đã xác định trước nhiệm vụ trắc trở chẳng biết ngày mai, các chị luôn sống hết mình trong từng phút giây, cho đi những giá trị tốt đẹp nhất như đóa hoa tỏa hương cho đời.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng thành kính bày tỏ lòng tri ân trước bia mộ mười cô gái anh hùng.

Đọc những dòng thư các chị gửi về quê nhà, tôi thấy cả bầu trời tuổi trẻ gói gọn trong nét mực ngây thơ. Chỉ với gia đình, các chị mới trở về đúng là những cô gái trẻ, đôi khi còn làm nũng mẹ cha, ríu rít tâm sự đủ chuyện trên chiến trường.

Trong thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ ngày 19/7/1968 viết: “... Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó đốt pháo sáng thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con.”

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Lá thư A trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ chỉ vài ngày trước khi chị hy sinh vẫn đong đầy nhiệt huyết và niềm tin tuổi trẻ.

Một A trưởng Tần ngày thường cứng cỏi, luôn làm chỗ dựa cho các em lại hồn nhiên, vui vẻ như em thơ khi nói chuyện với mẹ già. Xuyên suốt những bức thư viết vội nơi chiến trường, niềm hy vọng trong trẻo về hai chữ “hòa bình” vẫn luôn hiện hữu trong từng câu chữ.

Tôi lặng lẽ nhìn hố bom khoét sâu vào lòng đất trước khu Tưởng niệm 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc mà lòng thắt lại. Giá mà những lá thư đong đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của các chị vẫn tiếp tục được gửi về gia đình, giá mà các chị được thấy ngày đất nước tự do...

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Bên rìa hố bom định mệnh ngày ấy

Buổi trưa định mệnh ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Chẳng kịp ăn bữa trưa, nhận nhiệm vụ xong, các chị lập tức đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Bom vẫn rơi rung chuyển cả không gian, ba lần bị đất đá vùi lấp, Tiểu đội 4 lại tiếp tục rũ mình đứng lên trong bụi mù để tiếp tục nhiệm vụ.

Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc. Chẳng kịp trở về hầm chính, các chị đành núp tạm vào hầm tránh bom để chờ đợt oanh tạc qua đi, riêng Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc ẩn mình ở một hầm cá nhân cách không xa. Một quả bom đã rơi trúng cửa hầm nơi trú ẩn, trút hàng tấn đất đá lên đầu các cô gái.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc.

Tiếng nổ long trời ngớt. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua không thấy các chị lao ra san lấp hố bom như mọi khi. Đồng đội hốt hoảng chạy lao từ dưới chân đồi Trọ Voi tỏa đi tìm. Nhưng khi lên tới nơi, họ chẳng thấy bóng dáng ai trong Tiểu đội 4 nữa. Chẳng màng bom rơi trên đầu, những chiến sĩ Đại đội 552 thét gào tên của những cô em gái trong tuyệt vọng. Xẻng, cuốc và cả những đôi bàn tay đào đất đến nhỏ máu để tìm các chị. Nước mắt đồng đội hòa vào đất khô cằn Đồng Lộc, ai cũng cầu trời cho phép màu xảy ra.

Tôi tình cờ gặp ông Trần Văn Triện (xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), cựu TNXP thuộc Đại đội 552, nay đã ngoài 80 tuổi. Bao năm qua đi, ông vẫn không thể quên khoảnh khắc tuyệt vọng bới từng khoảng đất để tìm mười cô gái. Trò chuyện với tôi, ông Triện xúc động nói: “Bom vừa dứt, không thấy giọng chị Tần, chị Cúc gọi đội đứng lên như mọi khi, tôi đã linh cảm có chuyện không lành. Quăng vội cây súng cho người bạn, tôi xách xẻng cuốc chạy ngay lên nơi Tiểu đội 4 trực chốt thì thấy cả khu vực xám xịt bình địa, chẳng có dấu hiệu của con người. Trong tâm trí, tôi biết, chúng tôi đã mất các chị rồi, nhưng chẳng ai chấp nhận sự thật mà vẫn cố gắng "còn nước còn tát", nhanh chóng xác định vị trí hầm trú ẩn để đào cứu các chị lên. Vậy mà...” Nói đến đây, người cựu TNXP nghẹn ngào khiến tôi cũng chẳng thể kìm nổi nước mắt.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưaĐồng đội cật lực tìm trong suốt nhiều giờ liền, chỉ tìm được chín cô gái, còn thiếu Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Ông Triện kể, đồng đội tìm chị Cúc, “miệng gào tay bới”, gần như lật tung cả khu hầm trú ẩn mà chẳng thấy chị đâu. Ai cũng bần thần nhìn mười chiếc quan tài còn trống một mà quặn ruột xót gan.

Trong lúc đau thương tìm thi thể người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi”, từng câu chữ như kêu thấu tận trời xanh, để đến nay vẫn làm bao người rơi nước mắt mỗi khi đọc.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Bài thơ khóc thương linh hồn các nữ chiến sĩ trẻ đã đi vào lịch sử của nhà thơ Yến Thanh.

Phải đến ngày thứ ba, đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc. Mười đầu ngón tay của chị đã bầm tím, trầy xước. Có lẽ khi bị đất vùi sâu dưới đáy hầm, chị đã dùng mười đầu ngón tay cố bới đất tìm đường sống để tiếp tục nhiệm vụ cao cả.

Các chị ra đi, tóc xanh rờn dính đầy đất cát, những khuôn mặt trẻ trung lấm lem bùn đất. Cựu TNXP Trần Văn Triện nói: “Lúc ấy, cả Đại đội chỉ mong có thùng nước sạch, vài trái bồ kết để nấu nước tắm, gội cho tóc của các chị sạch sẽ trước khi về với đất mẹ nhưng Đồng Lộc khi ấy chẳng có nước. Họ cứ thế được an táng khi mái tóc, quần áo còn lấm lem, chẳng xinh đẹp rạng rỡ như bao ngày khiến chúng tôi vô cùng day dứt".

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưaÔng Trần Văn Triện kể với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô về những ngày tháng cam go tại Ngã ba Đồng Lộc

Ông Triện cho biết, một sự việc kỳ lạ đã xảy ra tại nhà chị Võ Thị Hà trước đó vài ngày. Trong một lần về thăm nhà ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), chị Hà từng mang về một con gà mái từ đơn vị cho mẹ nuôi lấy trứng. Hai ngày trước ngày định mệnh 24/7/1968, con gà mái đột nhiên vươn cổ cất tiếng gáy một hồi dài như gà trống. Mẹ chị có linh cảm không lành, bà ứa nước mắt nói: “Cái Hà chắc chắn gặp chuyện rồi”. Linh cảm của người mẹ đã đúng, cô con gái nhỏ chưa đầy mười tám tuổi của mẹ đã hy sinh anh dũng.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Những cô gái cựu TNXP ngày ấy giờ đã thành mẹ, thành bà. Họ tìm về nơi chiến trường xưa, ôn lại chuyện cũ và an ủi nhau nỗi buồn mất mát đồng đội chưa hề nguôi ngoai.

Mười cô gái ra đi, tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu, những lời hứa về hạnh phúc lứa đôi của các chị từ đây bị đứt đoạn. Nghe đến chuyện tình của chị Võ Thị Tần và người bạn ấu thơ Nguyễn Đức Hồng, tôi hiểu trái tim của các chị vẫn khao khát nhịp đập tình yêu. Nhưng các chị đã dẹp tình riêng vì nghĩa lớn, A trưởng Võ Thị Tần gửi lại người mình yêu lọn tóc thề như lời hẹn ước hạnh phúc khi khải hoàn. Để rồi sau này, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hồng vẫn gìn giữ vẹn nguyên lọn tóc người thương, đặt dưới khung ảnh thờ chị Tần mà ông đã rước về thờ chung tại nhà, ngày ngày hương khói trang nghiêm cho đến tận lúc rời xa nhân thế.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Đồng Lộc ngày nay đã xanh rờn cỏ cây, chẳng còn xám xịt bom đạn mà đang vươn mình đi lên từng ngày.

Đứng trước mười ngôi mộ trắng đều tăm tắp, tôi kính cẩn cúi đầu thật sâu để giấu đi hai hàng nước mắt ướt nhòa. Từng dòng người đến Ngã ba Đồng Lộc ngày nay, người mang gương, lược, người lại mang dầu gội, nước hoa và đặc biệt là những chùm bồ kết trĩu nặng đến dâng lên các chị. Ai cũng tâm nguyện mong gửi được những món đồ “con gái” xinh xinh, tỏ lòng thành kính và niềm an ủi đến mười cô gái trẻ.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Ngày nay, thế hệ trẻ không quên sự cống hiến hết mình của các chị. Họ đã trở về, phục dựng những tấm ảnh chân dung dành cho các chị, trả lại vẻ đẹp đôi mươi và bày tỏ lòng thành kính dâng lên anh linh mười cô gái anh hùng.

Mười nén nhang vấn vít khói mờ ảo, mười đóa cúc trắng và mười cuộc đời thanh xuân rực rỡ vẫn mãi còn đây, tạc vào núi non Đồng Lộc một câu chuyện huyền thoại về lòng quả cảm và tinh thần, nhiệt huyết mạnh mẽ của người thanh niên Việt Nam.

Các chị ơi, xin đừng khóc! Hãy cười vui vì đồi Trọ Voi giờ đã phủ bóng cây che, hố bom xưa giờ thành rừng xanh tươi tốt. Tất cả là nhờ tuổi xuân của các chị và hàng nghìn nam nữ TNXP ngày ấy đã chôn sâu vào lòng đất mẹ, trở thành linh khí nuôi dưỡng cho Đồng Lộc ngày nay được nở hoa.

Về Đồng Lộc nghe gió kể chuyện xưa

Tượng đài tái hiện khung cảnh 10 cô gái TNXP thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường đưa xe ra tiền tuyến là biểu tượng chiến thắng lịch sử, tôn vinh những hy sinh to lớn mà các anh, chị đã cống hiến cho đất nước.

Chúng tôi ra về khi nắng đã dần tắt, hương thơm của hương, của hoa hòa lẫn trong tiếng gió reo nơi rừng thông bạt ngàn như vẫn thì thầm kể câu chuyện về những cuộc đời anh hùng. Bước chậm rãi, nhẹ nhàng rời xa mảnh đất từng là ranh giới của sự sống và cái chết, lòng chúng tôi như được hun đúc thêm quyết tâm và lòng tự hào. Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống mới lại tiếp tục nảy sinh trên "tọa độ chết" năm xưa. Giờ đây, khi thời gian có thể xóa nhòa tên sông, tên núi, nhưng lịch sử của Ngã ba Đồng Lộc sẽ mãi mãi là ký ức thiêng liêng trong lòng mỗi người.

Cuộc sống hôm nay đã hồi sinh, đang ngời lên sắc mới. Thế hệ chúng tôi được sống trong hòa bình, luôn hướng về Đồng Lộc như một "địa chỉ đỏ" để tri ân và biết ơn cha anh đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho dân tộc. Đứng trên đồi Trọ Voi lộng gió, nơi ghi dấu tên tuổi của 10 nữ anh hùng, chúng tôi thêm hiểu về giá trị của độc lập, tự do, hòa bình, để từ đó thêm biết ơn, tự hào, đồng thời có trách nhiệm rèn luyện ý chí, nghị lực sống để góp phần cống hiến cho đất nước ngày càng phồn vinh.

Bài viết và Thiết kế: Tùng Linh

Ảnh: Phạm Mạnh - Thành Trung

Tùng Linh