Hiệp định Giơnevơ: Nâng tầm ý nghĩa và tầm vóc lịch sử

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ 1954 đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Hiệp định Genève 1954 - Khúc ca về khát vọng hòa bình Chính thức ký mới Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào Giới thiệu tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Mốc son của lịch sử dân tộc

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Giơnevơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Giơnevơ đã được ký vào ngày 21/7/1954.

Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Giơnevơ (Thụy Sỹ) và trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.
Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Giơnevơ (Thụy Sỹ) và trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta (ảnh tư liệu).

Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước...

Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ - ne - vơ thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, trang 1).

Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Giơnevơ, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Giơnevơ thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để Nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, Hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Hiệp định Giơnevơ là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 và tiến công Chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Pa - ri 1973, Hiệp định Giơnevơ 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Hội nghị Giơnevơ đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.

Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, chúng ta biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chúng ta luôn ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Cam pu chia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, dành cho Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Do đó, Hiệp định Giơnevơ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954 đến năm 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập.

Chiến thắng về ngoại giao quân sự

Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơnevơ là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ngày 19/7, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “70 năm Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” (21/7/1954 - 21/7/2024).

Thông qua các trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan hội thảo lần này sẽ thống nhất nhận thức về vai trò và ý nghĩa của Hiệp định, trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học về vận dụng kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay.

Hội thảo cũng là cơ hội để ôn lại, tổng kết, đánh giá những bài học quý báu, còn nguyên giá trị của Hội nghị Giơnevơ và Hiệp định Giơnevơ 1954 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ông Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của hội nghị Genève 1954; cho rằng quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Giơnevơ là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.

Từ Hiệp định Giơnevơ, trong thời kỳ đổi mới và phát triển, Đảng ta đã đề ra chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với an ninh quốc phòng và đối ngoại; coi đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại cùng với tăng cường an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tạo lập môi trường hòa bình để phát triển nahnh, bền vững đất nước.

Hội thảo cũng đã nghe nghiều tham luận tập trung làm rõ ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơnevơ và vận dụng những bài học của Hiệp định Giơnevơ trong hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Nhìn lại 7 thập kỷ kể từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Sức mạnh tổng hợp, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương. Qua đó, đóng góp tích cực cho công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao Nhân dân.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"; tiếp tục phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước, sự gắn kết nhịp nhàng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân cùng đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại an ninh và đối ngoại các lĩnh vực khác.

Hoa Thành
Phiên bản di động