e magazine
16/07/2024 11:07
Tiếng vọng từ Thành cổ Quảng Trị

16/07/2024 11:07

Tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa, vừa qua, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện chương trình tri ân ý nghĩa tại miền Trung.

Thành Cổ Quảng Trị

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Đoàn công tác Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô vừa có chuyến hành trình dài ngày về miền Trung, đến với những địa chỉ đỏ linh thiêng của Tổ quốc.

Trên hành trình này, Đoàn công tác đã viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, dâng hương tại Khu Tưởng niệm Ngã Ba Đồng Lộc, thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Có lẽ, điều ám ảnh từng thành viên trong đoàn nhất là những tấm bia mộ trắng xóa, từng hàng, từng hàng trải dài bất tận. Mỗi tấm bia là một cuộc đời, một câu chuyện về những người lính đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng TrịPhó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng dâng hương các mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).

Lớn lên trong thời bình lặng, người trẻ chúng tôi không thực sự hiểu giá trị của hai chữ “hòa bình”. Những chuyến đi về các nghĩa trang liệt sĩ, những chuyến thăm cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ đã dần dạy cho tôi hiểu về sự hy sinh, tình yêu Tổ quốc. Hơn hết là nền hòa bình lớp trẻ chúng tôi đang đón nhận hôm nay, được dựng xây bởi bao xương máu cha ông đã ngã xuống dọc chiều dài đất nước.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Về với vùng đất thiêng Quảng Trị, tôi tranh thủ thời gian dạo quanh thị xã, nơi từng là vùng bình địa sau cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972). Đất và người nơi đây vẫn thế, dù ôm bao bom đạn chiến tranh, ấp bao xương máu chiến sĩ Việt Nam, vẫn hiền hòa, êm ả và chịu thương chịu khó như bao đời đã từng.

Quảng Trị không chỉ là một địa danh mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và hy sinh bất diệt của con người Việt Nam. Cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ đã diễn ra ở đây với bao trận đánh ác liệt. Tại khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, nhiều người lần đầu đến nơi đây rất ngạc nhiên. Họ hỏi nhau: “Đây có phải nghĩa trang liệt sĩ không? Tại sao không thấy có bia mộ mà?”

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng TrịCác cựu chiến binh, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng tri ân đến đồng đội, thế hệ cha anh đã ngã xuống tại Đài tưởng niệm trung tâm tại khu di tích Thành cổ Quảng Trị

Và rồi, rất nhiều trẻ như chúng tôi đã hiểu được qua những câu chuyện của thuyết minh viên. Thành cổ Quảng Trị ngày nay chính là "bàn thờ Tổ quốc", nơi có bia đá chung, một nấm mồ tập thể của hàng chục nghìn Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống trong cơn mưa bom bão đạn của quân thù. Xương thành đá, máu thành hoa, thịt da các anh chị đã hóa đất lành nuôi dưỡng cỏ cây xanh tươi của vùng đất "cày lên sỏi đá.”

Năm 1954, Hiệp định Genève đã chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị. Từ đó, vùng đất nhỏ bé miền Trung trở thành tuyến lửa của cuộc trường chinh vĩ đại, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, với mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là mũi nhọn chủ yếu. Đến tháng 5/1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị, tạo nên chiến thắng vang dội, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân ta.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cẩn thận chỉnh sửa vòng hoa thật đẹp, dâng lên anh linh các AHLS tại khu di tích Thành cổ Quảng Trị.

Những ngày hè bỏng cháy tháng 6/1972, được tiếp tay bởi chính phủ Mỹ, quân Việt Nam Cộng hòa đã mở cuộc phản công ác liệt nhằm chiếm lại Quảng Trị. Mỹ đã huy động máy bay B-52 và pháo hạm để bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ, tạo nên một trận địa bom đạn kinh hoàng chưa từng có. Chúng quyết tâm đoạt lại Quảng Trị dù có phải cày nát nơi đây.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Bộ đội Việt Nam tại chiến trường Quảng Trị năm 1972

Trong suốt 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên đã giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Thành cổ nhỏ bé với diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới thứ II. Mỗi chiến sĩ của ta trung bình phải chịu đựng 100 quả bom và 200 đạn pháo. Thị xã Quảng Trị bị phá hủy hoàn toàn và Thành cổ cũng bị san phẳng, nhưng ý chí chiến đấu của quân ta vẫn không hề suy giảm.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô dâng hoa, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tại khu di tích Thành Cổ Quảng Trị.

Ngày 16/9/1972, sau khi gây tổn thất nặng nề cho địch, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ. Trong suốt 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị liên tục được nhắc đến trong các bản tin thời sự của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Lắng nghe từng lời thuyết minh của người hướng dẫn viên, cảm xúc của tôi dâng trào. Những chiến sĩ Việt Nam can trường bất khuất ngày ấy cũng chỉ là những chàng trai, cô gái ở tuổi đôi mươi, giống như chúng tôi giờ đây. Câu hỏi xoáy vào tim tôi “Cha anh chúng tôi lấy đâu ra dũng khí, ý chí và cả niềm tin để trở nên sắt đá như vậy?”

Nhưng thù nào bằng nỗi thù nước mất nhà tan, đau nào bằng nỗi đau dân tộc bị nô lệ. Sinh ra trong thời chiến loạn, một đứa trẻ cũng hiểu nỗi căm hờn mà đội lên chiếc mũ calo, xắc vải mà “vụt qua mặt trận”. Hàng hàng lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam tạm xếp lại ước mơ tuổi trẻ để cùng tiến về miền Nam, cùng mơ chung giấc mơ tự do, độc lập.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Năm tháng chiến tranh, hàng trăm nghìn sinh viên thuộc các trường đại học tại Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Nhiều cán bộ, công nhân viên chức cũng tình nguyện rời bỏ công việc để đăng ký “đi B”... Những tâm hồn còn đang trẻ trung, phơi phới thanh xuân rực rỡ đã hồ hởi nắm tay nhau vào chiến trường ác liệt. Màu áo trắng học trò hòa với sắc xanh quân phục trong dòng người Nam tiến đã khắc ghi vào tâm trí của biết bao thế hệ người ở lại. Anh, chị ra đi, nặng mang trên vai hành trang của thế kỷ, để hôm nay chúng tôi được bình yên sống trong tự do, hòa bình.

Các “chiến sĩ sinh viên” còn tranh thủ mang theo bên mình những sách vở, bút mực để tiện việc học tập trong chiến trường. Bước vào màn mưa lửa quân thù, anh, chị vẫn giữ vẹn ước mơ, hoài bão của bản thân, hi vọng về một tương lai hòa bình, ngày họ sẽ làm những công việc yêu thích, cống hiến cho Tổ quốc thân yêu. Nhưng rồi, tuổi hai mươi của họ đã mãi mãi ngủ quên trong lòng đất Quảng Trị, say giấc thiên thu dưới lòng sông Thạch Hãn.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Quảng Trị những ngày hứng chịu mưa lửa năm 1972 không còn một bóng cây xanh. Đất lành bị cày xới nham nhở, đá tan thành cát bụi, cả dòng sông Thạch Hãn xanh trong hiền hòa bị bom làm dậy sóng gầm gào, cuộn nước đục ngầu. Lên chuyến đò vượt sông Thạch Hãn, những chiến sĩ trẻ, thanh niên xung phong vẫn ríu rít chuyện trò, nở nụ cười tươi rói mặc cho chiến tuyến bờ bên kia vẫn ì ầm bom cày đạn xới. Sự lạc quan, vô tư ấy làm bao con tim chúng tôi buốt nhói khi lắng nghe những câu chuyện kể.

Tôi tình cờ được biết đến câu chuyện linh thiêng kỳ lạ về liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình). Dường như trước khi tiến vào chiến trường Quảng Trị, anh Huỳnh đã linh cảm về tương lai của đất nước và số phận của chính mình. Trong mười trang thư thấm đẫm màu thời gian ẩn chứa những dự cảm sâu sắc về ngày ra đi, là tình yêu thương dạt dào anh gửi gắm đến mẹ, là tình cảm vợ chồng sâu nặng, là nghĩa tình gia đình thiêng liêng.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (Thái Bình) đã linh cảm trước được ngày và địa điểm mình sẽ hy sinh. Anh thiết tha gửi gắm trọn cuộc đời thanh xuân vào những dòng thư cuối cùng, nhắn nhủ gia đình hãy đi tìm anh sau ngày chiến thắng khải hoàn.

Và trên hết, là lý tưởng “Tổ quốc cần, sẵn sàng hiến thân mình” không chút đắn đo, do dự. Bức thư như một lời nhắn nhủ từ quá khứ, khuyên răn hậu thế hãy “sống đẹp, sống có ích”, sống với lý tưởng và ước mơ, trở thành nguồn cảm hứng và bài học giáo dục vô giá cho không chỉ hôm qua, hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

Điều đặc biệt là anh Huỳnh không chỉ linh cảm về ngày mình sẽ hy sinh (2/1/1973), mà còn biết trước nơi mình sẽ ngã xuống và địa điểm đồng đội sẽ chôn cất. Ngày anh hy sinh cũng trùng với ngày kỷ niệm một năm đám cưới với người vợ yêu thương Đặng Thị Xơ. Chính nhờ sự linh cảm và bức thư này mà gia đình đã tìm thấy hài cốt của anh sau 30 năm lưu lạc (1972 - 2002), nằm lặng lẽ bên dòng sông Thạch Hãn, nơi anh đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, tìm thấy trong ba lô của anh vào ngày anh hy sinh, đã được gia đình gìn giữ như một báu vật vô giá. Năm 2002, khi kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, gia đình anh đã trao tặng bức thư cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Đến năm 2012, sau khi đã được phục chế và sao bản cẩn thận, Bảo tàng đã trao trả lại kỷ vật quý giá này cho gia đình anh.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Đoàn công tác Thành phố Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tại Đài Chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị (mùa hè năm 1972).

Các anh, các chị ơi... Lời thề năm ấy đã thành toàn rồi, sao các anh, chị mãi không về? Để mấy chục năm rồi, mẹ già vẫn mòn mỏi chờ mỗi ngày? Để những vợ hiền, con thơ nay lưng đã còng, tóc đã bạc vẫn ngóng trông người chồng, người cha?

Nhớ không lời hứa của những nhóm bạn bên Hồ Gươm, rằng các anh sẽ cùng nhau trở về đông đủ để cùng uống một cốc nước chè? Sao giờ đây chỉ có một người cựu chiến binh già lặng lẽ tuôn rơi nước mắt, dạo bước Thành cổ Quảng Trị mà gọi tên bạn bè?

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Ngước nhìn Đài tưởng niệm Trung tâm Thành cổ Quảng Trị, tôi chợt liên tưởng đến một ngọn hải đăng rực sáng muôn phương, soi đường cho lớp lớp thế hệ đi sau như tôi tìm về. Không gian yên bình, nhưng đâu đó vẫn như vọng lại tiếng súng đạn, tiếng hô vang lời thề quyết tử của những người chiến sĩ. Tôi thấy mình thật nhỏ bé và hổ thẹn trước sự hy sinh vĩ đại của các AHLS. Sống trong hòa bình, chúng tôi được quyền đòi hỏi những điều mình muốn, được sống với cách mình yêu và được mơ những giấc mơ bay bổng xa xôi. Giờ tôi đã hiểu, cuộc sống bình dị mà tôi vẫn thường càu nhàu oán thán vì những mệt mỏi công việc, gia đình lại là điều giản dị mà các chiến sĩ năm xưa mơ ước.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Lặng người trước di vật là hành trang của chiến sĩ Giải phóng quân ngày ấy

Đoàn công tác chúng tôi bước thật nhẹ trong không gian Thành cổ lộng gió mát lành. Khẽ bước chân vì dưới mặt đất kia là nơi các anh chị đang say giấc nồng. Mỗi mét vuông đất là một mét vuông nơi máu thịt, tình yêu Tổ quốc và tinh thần bất khuất của các AHLS đã hòa cùng với đất mẹ thân thương. Thành cổ giờ đây chỉ còn lại những tàn tích, nhưng chúng sẽ mãi trường tồn nơi đây như một nhân chứng nghìn năm cho nỗi đau bi thương mà rất đỗi oai hùng của dân tộc.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Hoàng hôn buông xuống, phủ sắc sầu muộn trên mặt sông êm đềm. Chúng tôi nhắc khẽ nhau xin hãy lặng lẽ thôi, vì dưới mặt sông kia là nơi các anh chị đang say ngủ.

Chiều tà dần buông bên dòng Thạch Hãn, chiếc thuyền nhỏ chúng tôi lặng lẽ trôi theo dòng nước, mang theo những đóa hoa tươi, đèn hoa đăng đong đầy tình thương và nỗi lòng tri ân nặng trĩu. Nhẹ tay thả chiếc đèn hoa đăng mang theo vạn lời cầu chúc, tôi chẳng kìm được mà để nước mắt rơi xuống mặt sông xanh biếc, lòng thổn thức tự hỏi “Dưới đáy sông, các anh chị nằm có lạnh không?”.

Bên bến thả hoa sông Thạch Hãn, đoàn công tác chúng tôi im lặng nhìn lên mặt sông hiền hòa. Chẳng ai muốn cất lời vì không muốn phá vỡ đi sự trang nghiêm, sợ lời nguyện cầu chẳng đến được với các anh chị. Những ánh sáng hoa đăng tí hon cứ tụ lại trên mặt sông loang loáng ánh hoàng hôn, vẽ lên khung cảnh vừa nên thơ lại vừa nỉ non, sầu muộn.

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị
Bài thơ bất hủ của cựu chiến binh - nhà thơ Lê Bá Dương đã khiến bao con tim khắc khoải đến đau lòng khi về thăm Quảng Trị

Cảm xúc bên bờ Thạch Hãn cho tôi hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh và mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trước đây, những điều đó chỉ hiện diện trong những trang sách lịch sử, những bài giảng trên lớp, nhưng giờ đây về với Quảng Trị, tất cả như được tái hiện sống động trước mắt, đầy hào hùng và xúc động.

Rời Quảng Trị khi tà dương đã khuất hẳn sau chân trời, tôi khóc vì cảm thấy mình may mắn. May mắn vì được lựa chọn tham gia hành trình tri ân của báo Tuổi trẻ Thủ đô, may mắn vì được sinh ra trong thời bình, may mắn vì được lớn lên trọn vẹn trong vòng tay của cha, của mẹ...

Tiếng vọng từ Thành Cổ Quảng Trị

Giám đốc Sở LĐ - TB & XH Hà Nội Bạch Liên Hương thả hoa đăng cầu nguyện cho anh linh các chiến sĩ được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng

Chuyến hành trình đã dạy tôi thêm nhiều điều, hơn hết thảy là tình yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và ý chí quật cường, dám xông pha của lớp lớp cha anh mình. Thời đại nào cũng vậy, người trẻ chúng tôi cũng đang chiến đấu hàng ngày với những cuộc chiến không tên của bản thân. Nhưng tôi thấm thía rằng, nếu không ý thức được vai trò và trách nhiệm với đất nước, tôi chắc chắn sẽ thất bại. Đoàn kết, nhiệt thành, trung hiếu và hết mình cống hiến là những điều không thể thiếu làm nên phẩm chất người thanh niên Việt Nam.

Lời thề và lý tưởng sống cao cả của những cuộc đời đã hóa thành cỏ hoa, đất lành Quảng Trị thúc đẩy tôi, một phóng viên trẻ, phải luôn vươn lên, cống hiến hết mình, sống có trách nhiệm. Bằng ngòi bút và tình yêu nước đong đầy trong trái tim, tôi sẽ dành tuổi trẻ này, góp chút sức nhỏ bé để cùng vun đắp tương lai Việt Nam qua từng bài viết, để mai này, tôi sẽ không phải hối tiếc khi mình đã sống một đời đáng sống.

Bài viết và thiết kế: Tùng Linh

Ảnh: Thành Trung - Hồng Mạnh

Tùng Linh