Tết xa nhà của những người trẻ
Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì? Gen Z làm gì những ngày cận Tết ? |
Những "Blouse trắng” đón Tết trong bệnh viên
Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đến thời khắc giao thừa, nhưng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bạn L.H Chi (25 tuổi) vẫn miệt mài, cặm cụi chăm lo cho bệnh nhân của mình. Mang trên mình chiếc áo blouse trắng, cô gái trẻ sẵn sàng hy sinh không khí đoàn viên, sum họp của gia đình mình để mang lại cái Tết bình yên cho hàng vạn gia đình khác.
L.H.Chi chăm sóc em nhỏ tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội |
Chi kể, từ những ngày đầu trở thành sinh viên trường Y đến giờ, không một cái Tết nào cô gái trẻ được ở nhà cùng gia đình bởi càng gần những ngày giáp Tết, bệnh nhân chuyển đến càng nhiều. Các trường hợp nhập viện đều là những người bệnh nặng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, cần được theo dõi 24/24h. Vì vậy, Chi cùng những bác sĩ khác đều phải túc trực tại bệnh viện.
Theo chia sẻ của Chi, từ trước Tết, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc sẵn sàng cấp cứu người bệnh trong những ngày nghỉ lễ, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu dịch phục vụ điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, tổ công tác, tổ cấp cứu luôn túc trực 24/24h đề phòng thiên tai, hỏa hoạn.
Với số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao vào những ngày cận Tết, mỗi bữa Chi cùng các anh chị em trong viện chỉ tranh thủ ăn mỳ tôm, bánh chưng cho nhanh để kịp thời hỗ trợ và thăm khám cho người bệnh.
Chi (đứng giữa) cùng các bác sĩ trong 1 ca mổ dịp cận Tết |
Tuy mệt mỏi là thế, nhưng khi nhìn bệnh nhân đau đớn, chống chọi với bệnh tật, đội ngũ y bác sĩ trẻ cũng không thể cầm lòng, lúc ấy họ đã làm việc quên hết mệt mỏi, giành giật sự sống, sức khoẻ cho những ca cấp cứu nặng vào dịp cuối năm và đầu xuân năm mới.
"Những ngày trực Tết tại bệnh viện, tôi chỉ mong rằng tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân có thể được cải thiện để giúp họ sớm về sum họp với gia đình. Các bệnh nhân ở đây đa phần lớn tuổi, nằm ở đây họ nhớ con cháu lắm, làm sao để họ nhanh về với gia đình nhanh nhất cũng là niềm vui của tôi. Hi vọng sẽ càng ít hơn các bệnh nhân phải ăn Tết ở bệnh viện" – tân bác sĩ xúc động nói.
Với Chi cũng như các bác sĩ và nhân viên y tế trên mọi mặt trận, họ không coi việc phải trực tại bệnh viện ngày tết là sự thiệt thòi mà đó chính là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của những người làm trong ngành Y.
Tết xa nhà của người lính trẻ
Nhắc đến những người trẻ sẵn sàng phục vụ Nhân dân một cách vô điều kiện mà tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc riêng tư, không chỉ có đội ngũ y bác sĩ, mà ở đây còn có cả những người lính trẻ. Họ là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã sẵn sàng lên đường tòng quân, bước vào môi trường quân ngũ để bảo vệ đất nước và cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Vì vậy, đối với họ, Tết đến, Xuân về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân càng trở nên da diết...
Đây là năm đầu tiên quân nhân Lê Phạm Tuân (23 tuổi, đóng quân tại K3, Trại giam Phú Sơn 4, Phú Lương, Thái Nguyên) ở lại Trại giam trực Tết. Phạm Tuân cho biết, mặc dù rất nhớ nhà nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Tuân phải ở lại và hứa sẽ làm tròn trách nhiệm để đơn vị được an toàn trong những ngày Tết, đảm bảo “vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”.
Trò chuyện thêm, Phạm Tuân nói, Tết năm nay anh chàng cảm thấy rất vui và háo hức vì được tự tay gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả và đón Tết trong quân ngũ cùng mọi người.
Lê Phạm Tuân (hàng 2, đứng đầu từ trái vào) chụp ảnh cùng các đồng đội tại Trại giam trong kỳ trực Tết |
“Trong những ngày nghỉ Tết, tôi đã được cán bộ các cấp tạo điều kiện gọi điện thoại về nói chuyện và chúc Tết gia đình, người thân. Đặc biệt, tôi được nghe nhiều câu chuyện về các phong tục đón Tết ở các miền quê của đồng chí, đồng đội. Sự quan tâm, sẻ chia của chỉ huy, đồng đội đã tạo cho tôi cảm giác ấm áp, thân tình như được ăn Tết ở gia đình”, chiến sĩ Lê Phạm Tuân bộc bạch.
Đặc biệt, từ ngày 30 Tết, tất cả các cơ quan, đơn vị trong Trại giam đều đã sôi nổi tổ chức tốt hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí cho bộ đội. Các hoạt động được tổ chức đều thu hút 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia, tạo được không khí vui tươi ngày đầu xuân, gắn kết tình đồng chí, đồng đội trong đơn vị. Các hoạt động được xây dựng chặt chẽ và phân công cán bộ phụ trách cụ thể với phương châm "vui tươi, lành mạnh, an toàn".
“Ăn Tết trong quân ngũ luôn có những đồng đội thân thuộc, có những cán bộ như người anh thân thiết, nhiều chương trình hay và hoạt động ý nghĩa được tổ chức, giúp học viên chúng tôi ở lại trực Tết đã phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình”, chàng lính trẻ cho hay.
Có thể nói, với những người linh trẻ xa nhà họ không tủi thân hay mủi lòng, mà họ sẵn sàng gác lại niềm vui riêng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, đó là bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình cho Nhân dân. Với những người lính trẻ, được góp phần nhỏ bé vào mùa Xuân đất nước chính là niềm vui và hạnh phúc.
Niềm vui đón Tết… giữa bầu trời
Tiếp viên hàng không là một ngành nghề mà nhiều cô gái mơ ước. Bởi công việc này, họ sẽ được thoải mái bay lượn trên bầu trời, đặt chân tới những vùng đất mới và quen những con người mới. Tuy nhiên, ít ai biết được, đằng sau ánh hào quang ấy là những ngày Tết hiếm khi trọn vẹn cùng gia đình bởi lịch bay dày đặc cùng trách nghiệm nối những nhịp cầu sum họp trên mọi miền thế giới.
Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bùi Thị Hạnh (23 tuổi) không ngờ cuộc đời cô lại rẽ sang trang khác khi nhận tin trúng tuyển vào làm tiếp viên hàng không của một hãng hàng không tại Việt Nam. Vừa qua, tân cử nhân đã tham gia khoá học: Đào tạo huấn luyện về lĩnh vực An ninh hàng không.
Bùi Thị Hạnh (23 tuổi) kiểm tra an toàn an ninh trước chuyến bay |
Làm việc tại đây, Hạnh cho biết: “Thời điểm này khi mọi người nườm nượp về quê đón Tết cùng gia đình, cũng là thời điểm tôi luôn trong tư thế sẵn sàng bay bất cứ lúc nào”.
Di chuyển ở sân bay, mỗi khi nhìn cảnh mọi người chào đón nhau trở về quê hương để ăn tết, Hạnh không khỏi chạnh lòng. Nhưng trên tất cả, cô gái trẻ cảm thấy vô cùng tự hào về trách nhiệm của bản thân khi là một đầu mối trong chuỗi dây chuyền để đảm bảo mỗi chuyến bay an toàn tuyệt đối và đúng giờ, đưa hành khách trở về nhà đón Tết với gia đình ở khắp năm châu.