Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì?

Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên của gia đình. Nhưng có rất nhiều người, vì những lý do khác nhau, họ đành phải hoãn kế hoạch về quê trong dịp này và chọn cho mình cách chơi Tết riêng.
Hà Nội bắn pháo hoa tại 30 điểm đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 Gen Z làm gì những ngày cận Tết ?

Du học sinh xa quê

Tết là dịp để mọi người sum vầy, khi ai nấy đi xa cũng trở về quây quần bên gia đình, người thân, bên mâm cơm ấm áp. Nhưng đã ba năm nay, Hà Chi (22 tuổi, du học sinh Việt tại Đài Loan) đều không thể về nhà để đón cái Tết đủ đầy.

Trao đổi cùng PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, nữ sinh nói: “Tôi xa quê đi du học đã hơn 3 năm rồi. Năm nào cận Tết, tôi cũng đều muốn trở về nhà, nhưng năm nay cũng giống mọi năm, tôi không thể về cùng gia đình trong dịp Tết”.

Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì?
Hà Chi (ngoài cùng bên phải) đi trải nghiệm văn hoá Đài Loan cùng bạn bè trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024

Theo chia sẻ của Hà Chi, cuộc sống của du học sinh nơi đất khách không hề dễ dàng, cô bạn vừa phải đi học vừa phải đi làm để tự trang trải cuộc sống, lo toan tiền học phí, vì thế mà tiền vé Tết về quê là một vấn đề lớn đối với cô nàng, cũng như phần lớn du học sinh khác.

Xa quê hơn ba năm nên Hà Chi đã dần quen với việc đón Tết ở Đài Loan. Đối với Chi, được quây quần bên các bạn du học sinh cũng vui và ấm áp như đang ở bên một “gia đình nhỏ” khác vậy.

“Tại Đài Loan, tôi may mắn vì có những người bạn xa quê giống tôi và họ cũng không thể về nhà vào mỗi dịp Tết. Vì vậy, chúng tôi thường hẹn nhau đêm 30 cùng tới nhà 1 người bạn trong nhóm để đón giao thừa, cùng nhau tập làm bánh chưng và những món ăn truyền thống trong mâm cỗ cổ truyền của người Việt. Những ngày lễ Tết sẽ đi khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đài Loan, điều này khiến tôi cũng được an ủi phần nào”, Hà Chi nói thêm.

Khoảnh khắc đón năm mới của Hà Chi và bạn bè tại Đài Loan dịp Tết Dương lịch vừa qua:

Có thể nói, dù ở xa trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều điều kiện, nhưng các bạn du học sinh Việt Nam vẫn tìm được những cách riêng để đón Tết ta ở xứ người thật trọn vẹn, ấm áp như đang ở chính quê hương Việt Nam.

Trải nghiệm “cày” xuyên Tết để có thu nhập cao

Khác với các bạn du học sinh không thể về quê đón Tết do đi lại khó khăn thì tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ cũng có xu hướng “gác” lại kỳ nghỉ Tết, ở lại thành phố làm việc với những lý do đặc biệt.

Bạn Hoàng Vũ Khánh Linh (23 tuổi, quê Thái Bình) cho biết: “Tôi là một người thích sự trải nghiệm nên tôi luôn tò mò và muốn thử thách bản thân trải nghiệm mọi điều mà mình chưa biết. Vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây, tôi sẽ lần đầu trải nghiệm đi làm việc xuyên suốt vào dịp Tết”.

Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì?
Bạn Hoàng Vũ Khánh Linh lựa chọn ở lại làm việc trong những kỳ nghỉ Tết để gia tăng thu nhập cho bản thân

Khánh Linh cho biết, tại Circle K nơi cô đang làm việc, nếu đi làm ngày Tết sẽ được trả lương cao hơn x 4 lần so với lương cơ bản ngày thường. Cụ thể, mức lương trung bình cho nhân viên partime (thời vụ) là 21.000 đồng – 25.000 đồng/tiếng, mỗi ca làm việc 8 tiếng, vào mỗi dịp Tết số tiền lương được trả sẽ x4.

Vậy tính ra, nếu đi làm trong kỳ nghỉ Tết, tổng thu nhập sẽ dao động từ 672.000 đồng – 800.000 đồng/8 tiếng làm việc (chưa tính đến thưởng phụ cấp x4 và thưởng Tết cho nhân viên). So với mức lương ngày thường được nhận 168.000 đồng – 200.000 đồng/8 tiếng thì việc lương được x4 thực sự là số tiền mà bất kể bạn trẻ nào cũng mong ước có được.

Trò chuyện thêm, Linh nói, vì sẽ ở lại làm việc xuyên Tết nên cô nàng cũng sắp xếp kế hoạch trở về nhà và nghỉ bù sau quãng thời gian “cày” việc này.

“Chắc chắn tôi sẽ phải nghỉ bù sau những chuỗi ngày tăng ca dịp Tết. Cùng với đó, khi có lương thưởng Tết, tôi sẽ sắm thêm những bộ quần áo mới cho bố mẹ, mua đồ dùng cần thiết cho gia đình và những món đồ tôi yêu thích”, Khánh Linh tâm sự.

Đối với Khánh Linh, việc nghỉ Tết trước hay sau không quan trọng, quan trọng chúng ta vẫn tranh thủ thời gian để quan tâm tới gia đình của mình.

Đi du lịch

Gia đình giục cưới, những câu hỏi kém duyên của họ hàng… là lý do mà chàng trai Phạm Đình Tuấn (27 tuổi, sống tại Hà Nội) quyết định xách ba lô lên đường đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết kèo dài 5 ngày.

Đình Tuấn nói, Tết là một dịp hiếm hoi trong năm để mọi người có thể quây quần với gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, nhiều họ hàng trong gia đình của Đình Tuấn lại luôn "tra hỏi" anh chàng bằng hàng tá câu hỏi cực kỳ riêng tư về chuyện lương thưởng, tình cảm. Nào là “lương tháng bao nhiêu”, “bao giờ lấy vợ”, “công việc thế nào”, "con nhà A thưởng Tết cả trăm triệu, cháu được bao nhiêu"…

Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì?
Phạm Đình Tuấn lựa chọn đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết

Đối mặt với những câu hỏi quan tâm quá giới hạn như vậy, khiến Đình Tuấn không khỏi đau đầu và mệt mỏi vì nếu không trả lời thì bị coi là thiếu nhã nhặn trong giao tiếp, mà trả lời thì anh chàng cảm thấy vô cùng áp lực chứ chẳng vui vẻ gì.

Kể chuyện tới đây, anh chàng bộc bạch: “Tôi nghĩ có nhiều lý do để người trẻ không về quê ăn Tết nhưng trong đó chắc chắn sẽ do áp lực từ phía mọi người xung quanh. Vì vậy, không về quê những ngày này, đơn giản là tôi muốn né tránh những câu hỏi quan tâm nhưng gây áp lực cực kỳ lớn”.

Đặc biệt, trong năm Đình Tuấn khá tất bật với công việc quản lý của mình, nên dịp Tết anh thường lựa chọn việc đi du lịch khám phá, vừa là trải nghiệm, đồng thời cũng giúp chàng trai trẻ có thời gian xả stress sau một năm nhiều lo toan, bộn bề.

Tết đến, xuân về mỗi người dù ở đâu cũng muốn về với mái ấm gia đình. Song, có lẽ vì Tết ngày nay mang đến những nỗi lo nhiều hơn là niềm vui sum vầy, nên mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ dần mất đi cảm giác hào hứng, mong chờ ngày Tết như trước đây.

Dẫu vậy, Tết vẫn là dịp đoàn viên, ý nghĩa của Tết Nguyên Đán vốn dĩ không thay đổi, nhưng thay vì phải gây thêm áp lực cho nhau, mọi người nên bỏ qua những muộn phiền để cùng gia đình chào đón những ngày trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động