Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Những chàng trai, cô gái ở độ tuổi mới đôi mươi đang làm công việc lao động vất vả, cuộc sống dù chưa hết khó khăn nhưng họ vẫn cùng nhau góp sức giúp đỡ mọi người.
Tuổi trẻ Đà Nẵng sôi nổi ngày hội thanh niên tình nguyện năm 2023 6 mô hình nổi bật trong Chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ Thủ đô

Những tấm lòng lương thiện

Trời sẩm tối, 12 chàng trai, cô gái lại gặp nhau ở quán nước vỉa hè trên đường Cao Bá Quát, thành phố Phan - Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vừa cười nói rôm rả, vừa phân chia công việc, người thì rót xăng vào các chai nhỏ, người thì sắp xếp dụng cụ sửa xe máy, chuẩn bị lên đường. Với nụ cười hiền lành, toả nắng luôn nở trên môi, đội trưởng Đỗ Ngọc Khải chia sẻ: “Đội mình là đội tình nguyện Cứu hộ cứu nạn Ninh Thuận, ban ngày anh em đi làm, tối tối, mọi người đi giúp đỡ bà con, ai bị hỏng xe thì sửa giúp họ, ai hết xăng thì hỗ trợ họ về xăng miễn phí, với người gặp tai nạn thì tụi mình gọi cấp cứu, đưa họ tới bệnh viện và tìm người nhà…”

Đội trưởng Đỗ Ngọc Khải
Đội trưởng Đỗ Ngọc Khải được Hội LHTN tỉnh Ninh Thuận tặng bằng khen

Cả Đội có 12 người, mỗi người làm một ngành, nghề khác nhau nhưng đa số họ đều là những công việc lao động vất vả, thu nhập cũng không phải là cao. Thế nhưng bằng sức lực của mình, họ đã giúp hàng nghìn lượt người từ đầu năm đến nay.

Sau giờ làm việc, thay vì nghỉ ngơi, những bạn trẻ này lại rong ruổi các nẻo đường trên địa bàn thành phố Phan Rang- Tháp Chàm để giúp những người chẳng may bị hư hỏng xe hay gặp tai nạn giữa đường. Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay đội thu hút 12 thành viên tham gia. Không có giới hạn tuổi tác, nghề nghiệp, khác nhau về hoàn cảnh nhưng mỗi thành viên trong đội đều có chung tinh thần sẵn sàng vì mọi người. Khi số điện thoại đường dây nóng vang lên, dù ở đâu họ cũng sẵn sàng tiếp ứng, giúp đỡ…

Các thành viên trong đội tình nguyện Cứu hộ cứu nạn Ninh Thuận
Các thành viên trong đội tình nguyện Cứu hộ cứu nạn Ninh Thuận

Công việc thiện nguyện nên mọi kinh phí đều do các thành viên tự trang trải. Để người dân thuận tiện theo dõi, đội thành lập trang fanpage “Cứu hộ, cứu nạn Ninh Thuận” kèm số điện thoại công khai để kịp thời liên hệ khi gặp sự cố. Nếu cùng lúc có nhiều trường hợp gọi tới, đội sẽ chia ra 3-4 nhóm và liên lạc với nhau bằng bộ đàm để hỗ trợ người đi đường kịp thời. Trung bình, mỗi buổi tối, đội hỗ trợ được 10-12 trường hợp xe bị hỏng... Việc làm của đội ngày càng lan tỏa, được nhiều bạn trẻ ủng hộ, tình nguyện tham gia. Đáng mừng hơn đội còn được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các dụng cụ sửa xe, máy bơm, lốp xe... hoặc “ký gửi” những phần thức ăn, nước uống miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

“Chúng mình có một con heo đất, nhiều người cảm ơn nhưng chúng mình không nhận, vì thế họ tuỳ tâm bỏ tiền vào con heo đất đó. Cứ 2 tháng, Đội lại lấy ra để đi tặng quà những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất, con heo đất tích luỹ được hơn 6 triệu, cả đội mỗi người bỏ thêm ra một ít để đủ 8 triệu đồng và đem tặng tiền cho 4 em nhỏ nhà nghèo, không có tiền đóng học”, Khải hồ hởi khoe.

Tuổi thơ cơ cực

Khi được hỏi về động cơ nào thúc đẩy một chàng trai trẻ chỉ là nhân viên tại một showroom ô tô mà lại nhiều năng lượng làm việc thiện đến thế. Khải cười hiền lành cho biết, cứ ra đường ai cần giúp đỡ cậu đều làm hết mình, những ai mà Khải nhìn thấy nhưng không thể giúp thì cậu cảm thấy áy náy, cậu muốn giúp được nhiều người hơn. Vì thế khi Khải ngồi uống nước với bạn bè, cậu đã đưa ra ý tưởng và được nhóm bạn bè ủng hộ và Đội tình nguyện Cứu hộ cứu nạn Ninh Thuận ra đời như thế.

Giúp đỡ được nhiều người là niềm vui của Đỗ Ngọc Khải
Giúp đỡ được nhiều người là niềm vui của Đỗ Ngọc Khải

“Khi mình 6 tuổi, gia đình mình bắt đầu rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lúc đó, mình thấy gia đình khổ quá, má không có tiền đóng học cho mình, vì thế mình nghỉ học. 13 tuổi mình đi học nghề rồi làm đến bây giờ. Hiện nay gia đình đã ổn định.

Việc làm thiện nguyện của mình xuất phát từ tuổi thơ cơ cực như thế. Giúp được ai đó mình cảm thấy vui, hạnh phúc, đặc biệt là những em nhỏ nhà nghèo không có tiền đi học như mình trước đây.

Hồi còn đi học nghề, buổi sáng đến trường, tối đi làm kiếm thêm tiền, trên đường về nếu gặp ai dắt xe, mình thường giúp họ đẩy xe về đến tận nhà. Có lần đêm muộn, đường phố vắng tanh, thấy một chị phụ nữ dắt xe, mình đã giúp chị đẩy xe về tận nhà. Nhà chị ấy cách nhà mình 20km, lúc mình về đến nhà đã khoảng hơn 1h sáng”, Khải kể.

Mong muốn giúp được nhiều người hơn

“Mình nhớ 1 lần mình cùng vài người bạn đang đi trên đường, có 2 vợ chồng đèo nhau trên xe máy, chị vợ mang bầu, lúc đó, một chiếc xe 7 chỗ bị mất lái nên va chạm vào xe anh chị đó, chúng mình đã đến kịp thời gọi taxi đưa anh chị đó đi cấp cứu nên cả mẹ và con không sao. Mình có đăng lên fanpage để tìm người nhà, sau đó người nhà họ đã đến.

Khoảng gần 1 tháng trước, có chiếc xe container đang đậu ngoài đường, 1 người bị say rượu tông thẳng vào xe đó, mình với bạn đang chạy trên đường, mình thấy anh say rượu đó nằm giật giật tại chỗ, mình đã chạy lên thông báo tai nạn với chốt giao thông gần đó, rồi quay lại khiêng anh say rượu bị tai nạn lên xe cấp cứu và theo xe đến bệnh viện. Lúc đó mặt anh say rượu chảy nhiều máu không nhận dạng được, mình chỉ chụp được biển số xe đưa lên fanpage, một lúc sau có người nhà đến bệnh viện…”, Khải nhớ lại.

Các tình nguyện viên luôn có mặt khi người dân cần giúp
Các tình nguyện viên luôn có mặt khi người dân cần giúp

Ở 1 nơi không náo nhiệt về đêm như Thủ đô Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, cứ khoảng 22 giờ là đường phố đã rất vắng vẻ, trong khi việc giúp đỡ mọi người lại thường vào buổi tối nên cũng không tránh khỏi nguy hiểm. Cách đây 2 tuần, vào một buổi tối muộn, một thành viên trong nhóm vừa giúp đỡ một người, trên đường về nhà, chàng trai này đã bị 8 thanh niên chặn và trấn hơn 150 nghìn đồng sau đó còn bị đánh.

“Mình nghĩ việc mình làm là việc thiện, cũng không ai nỡ trấn lột tụi mình, tuy nhiên cũng có một vài trường hợp như thế. Vì vậy chúng mình phân chia nhau, ở những cung đường vắng sẽ để một nhóm vài bạn đi cùng nhau cho yên tâm, còn những nơi an toàn thì chúng mình đi 1 người là được”, Khải chia sẻ.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Ở độ tuổi 20, chàng trai trẻ luôn quan niệm, làm điều tốt xuất phát từ tâm, cứ gặp người khó khăn, giúp được là giúp, không nề hà. Hàng ngày, Đỗ Ngọc Khải vẫn đi làm phụ giúp gia đình, tối về lại hỗ trợ người gặp khó khăn. Mong muốn lớn nhất của Khải bây giờ là làm sao giúp đỡ được nhiều người hơn. “Mình chỉ ước mình có tiền để mua chiếc xe cấp cứu với 1 chiếc xe cứu hoả mini. Xe cấp cứu là để chở người đi cấp cứu miễn phí, còn xe cứu hoả mini thì mình muốn giúp mang nước đến chỗ cháy nhanh nhất trong khi chờ đội cứu hoả chuyên nghiệp đến. Mình thấy cứu hộ chậm vì phải làm đủ thủ tục theo quy định nên chạy qua chỗ cháy hơi lâu. Vì thế nếu có chiến xe cứu hoả mini mình sẽ giúp được người gặp nạn sớm hơn một chút, đám cháy cũng đỡ lan rộng ra...”, Đỗ Ngọc Khải tâm sự.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Với cương vị là Đội trưởng Đội Cứu Hộ Cứu Nạn Ninh Thuận, Khải luôn thực hiện tốt các chủ trương, pháp luật của nhà nước; luôn thể hiện tinh thần xung kích của Tuổi trẻ. Là đội trưởng, bản thân chàng trai trẻ luôn động viên các thành viên trong Đội làm những việc làm xuất phát từ tấm lòng lương thiện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần tương thân, tương ái, các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh ta luôn tích cực lan tỏa lối sống tử tế với những hành động đẹp đáng trân trọng.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động