Sinh viên năm cuối loay hoay chọn nghề
Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên cả nước "Cú liều" của nam sinh viên giành 5 suất học bổng toàn phần tại Mỹ |
Không chỉ là nỗi lo lắng muôn thuở: “Ra trường có xin được việc không?” hay “Thực sự có thể theo được nghề này không?” mà với xã hội phát triển như hiện tại, câu hỏi đặt ra có phần “hóc búa” hơn đối với nhiều sinh viên là “Nên chọn 1 hay làm cả 2 nghề?”
Khi có nhiều hơn 1 sự lựa chọn…
Nguyễn Thu Ngân, 22 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền rơi vào thế khó khi không biết nên chọn giữa truyền thông hay theo đuổi đam mê với nghề bánh. “Mình đang làm cùng lúc 2 công việc. Do rẽ hướng từ báo chí truyền thống sang truyền thông marketing nên không nhất thiết phải có mặt ở công ty mỗi ngày, vì vậy mình tận dụng khoảng thời gian trống đó để làm thêm tại một tiệm bánh dưới hình thức part time”, Ngân chia sẻ.
Hiện tại, dù Ngân cân bằng được cả 2 công việc lẫn chuyện học hành, nhưng để nghiêm túc suy nghĩ kĩ hơn cho công việc tương lai, Ngân thực sự loay hoay khi không biết lựa chọn 1 trong 2 hay làm một lúc cả 2 việc vì nghề nào cũng thấy có tiềm năng, bỏ nghề nào cũng thấy tiếc.
Thu Ngân, sinh viên năm cuối đang có nhiều sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai |
Không biết chọn nghề nào
Dương Hương Ly, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội loay hoay không biết công việc nào phù hợp với mình. Chia sẻ với phóng viên, Ly cho biết đang có dự định xin việc vào một công ty truyền thông với vị trí thực tập sinh part time, song song với công việc hiện tại là nhân viên sale part time. “Mình đã làm sale cho một trung tâm tiếng Anh được 2 năm. Ban đầu thấy hứng thú và dự định theo nghề này lâu dài, tuy nhiên sau một thời gian, mình cảm thấy có nhiều điều không phù hợp với tính cách của mình. Làm thời gian đủ lâu để tạo ra một nguồn thu nhập tốt, mình lo lắng khi bắt đầu lại từ đầu với công việc mới sẽ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân”, Ly chia sẻ.
Ly cho biết thêm, xung quanh đều có những bạn bè rơi vào hoàn cảnh tương tự, hoặc khó khăn hơn là không biết phải làm gì sau khi ra trường vì không thực sự yêu thích công việc nào, hoặc làm việc gì cũng thấy chán.
Hương Ly đang loay hoay tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp. |
Kiên trì, nhìn nhận, lắng nghe bản thân để đưa ra quyết định phù hợp
Với hơn 20 năm kinh nghiệm giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Công Đại, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho biết, các bạn trẻ nên trau dồi cho thế mạnh của mình thật vững chắc.
"Bạn trẻ hiện nay làm song song 2 nghề không phải là quá mới lạ. Tuy nhiên, đối với sinh viên sắp hoặc mới ra trường, kinh nghiệm nghề nghiệp còn non trẻ, các em nên lựa chọn một công việc là thế mạnh, sở trường để bồi đắp và phát triển sâu, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp trong tương lai. Công việc còn lại, các em có thể học hỏi và phát triển thêm vào những lúc rảnh. Không nên ôm đồm nhiều công việc, hãy dành nhiều thời gian và tâm sức để làm việc mình giỏi, khi đã ổn định sự nghiệp và tạo ra thu nhập nhất định, dùng nó để duy trì công việc yêu thích còn lại.", ông Đại đưa ra lời khuyên.
Cũng theo ông Đại, khi làm nhiều công việc một lúc, các em sẽ rất dễ tiếp tục rơi vào tình trạng chênh vênh sau một thời gian thử sức khi không biết mình thực sự giỏi điều gì và thực nên theo công việc nào.
Nói về việc sinh vên hoang mang khi không có công việc nào yêu thích, ông Đại cho rằng hãy thử sức trước tiên với công việc theo chuyên ngành học. Dù sinh viên không thực sự yêu thích nó, nhưng khi va chạm và tiếp xúc nhiều với môi trường lao động, sinh viên có thể tìm ra được đâu là điểm mạnh của bản thân và mình thực sự yêu thích điều gì.
Vị hiệu trưởng này cho rằng, lựa chọn công việc hiện tại hay công việc mới hoàn toàn, không lựa chọn nào là sai lầm, tuy nhiên, sinh viên cần nhìn nhận chính xác đâu là điều bản thân cần nhất ở hiện tại và đâu là lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu đó.
"Chung quy lại, dù làm bất kì nghề nào cũng đều cần sự cố gắng, nỗ lực, nghiêm túc và tử tế. Sự thành công bền vững luôn đến sau một quá trình dài trải nghiệm và trau dồi. Kiên trì và cố gắng chính là chìa khóa", ông Đại chia sẻ thêm.