Sinh viên năm cuối chật vật với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Bên cạnh luận văn tốt nghiệp hay những môn học đặc biệt, một bộ phận không nhỏ sinh viên năm cuối đại học còn lo lắng vì không lấy được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế dù đủ điểm xét tốt nghiệp.
Sẽ khởi động Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ V Ngành học “hot” hiện tại có thể thất nghiệp trong tương lai? Ngành học “hot” hiện tại có thể thất nghiệp trong tương lai?

Mỗi trường mỗi chuẩn

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được xác định theo khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, người có bằng đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu. Các ngoại ngữ đang được áp dụng hiện nay là tiếng Anh, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Nga. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ. Tuy nhiên, tùy từng trường sẽ có những yêu cầu khác nhau.

Cuộc đua với chứng chỉ ngoại ngữ thật sự khốc liệt với không ít sinh viên
Cuộc đua với chứng chỉ ngoại ngữ thật sự khốc liệt với không ít sinh viên

Chẳng hạn, đối với ĐH Quốc gia Hà Nội, chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ của sinh viên áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP). Đối với các chương trình đào tạo chuẩn, ngành chính - ngành phụ, song ngành, chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ của sinh viên phải tương đương trình độ bậc 3 của chứng chỉ VSTEP.

Các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chương trình đào tạo liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài do ĐH Quốc gia Hà Nội cấp bằng; chương trình đào tạo liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài do đối tác nước ngoài và ĐH Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 4 của chứng chỉ VSTEP.

Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên được nhận đồ án tốt nghiệp phải có chứng chỉ TOEIC 500 hoặc tương đương. Học viện Ngoại giao yêu cầu chứng chỉ IELTS 6.0-6.5 với hệ đào tạo chuẩn, 6.5-7.0 với hệ đào tạo chất lượng cao hoặc tương đương. Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu chuẩn đầu ra 5.5 - 6.5 IELTS hoặc tương tương.

Chật vật với ngưỡng cửa ngoại ngữ đầu ra

Suốt những năm ở bậc THPT, Hoàng Quỳnh Trang, sinh viên ngành Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng được mệnh danh là “chiến thần” khối C. Nữ sinh đã từng gặt hái nhiều giải thưởng môn Lịch sử của thành phố Hà Nội nhưng môn Tiếng Anh lại là ác mộng của cô gái này.

Sinh viên năm cuối chật vật với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Hiện tại, để kịp hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp, Quỳnh Trang phải dành ra 3 buổi/tuần để học tiếng Anh với gia sư. “Vì bị mất gốc nên việc học tiếng Anh với mình thực sự rất áp lực. Mình phải tìm gia sư riêng để học vì sợ không thi được chứng chỉ rồi còn kịp ra trường”, nữ sinh viên năm cuối chia sẻ.

Éo le hơn Quỳnh Trang, dù bạn bè đã tốt nghiệp năm 2022 nhưng Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên trường Đại học Xây dựng vẫn phải “ở lại” do chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Sau nhiều lần đi thi nhưng chưa đủ điểm nên Tuấn Anh vẫn lỡ hẹn ra trường.

Hiện nay, tại nhiều trường đại học đang xảy ra tình trạng nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do còn “nợ” lại chứng chỉ ngoại ngữ.

Học ngoại ngữ là quá trình tích luỹ kiến thức

Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường ĐH là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, TOEFL. Điều này đã dẫn đến một áp lực vô hình cho nhiều sinh viên, khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh.

Trong số đó, Lê Phương Anh (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Thương mại) đang chật vật ôn tập tiếng Anh với hy vọng đạt đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Gần cuối kỳ 2 năm thứ 4, Phương Anh đã lựa chọn ôn tại trung tâm trong 2 tuần, thi lấy chứng chỉ APTIS bên ngoài và nộp về trường để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.Theo nữ sinh, việc học ngoài nhanh chóng và dễ dàng hơn, thêm vào đó thời gian học ngắn hơn.

Nhiều sinh viên lựa chọn đăng ký học các chứng chỉ ngoại ngữ bên ngoài (ảnh minh hoạ)
Nhiều sinh viên lựa chọn đăng ký học các chứng chỉ ngoại ngữ bên ngoài (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, việc học này chỉ mang tính chất học “xổi”, theo mẫu để đi thi, kiến thức Phương Anh thu lại không nhiều hơn là bao so với học ở trường, chỉ có điều thời gian được tiết kiệm. Cuối cùng, tổng chi phí để Phương Anh đạt đủ điều kiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 7,5 triệu đồng, bao gồm cả việc học ở trường, ôn tập ở trung tâm và thi bên ngoài.

Vì thế, để không bị tốn kém cũng như phải vất vả để trả nợ môn, các thầy cô cho rằng, học ngoại ngữ là cả một quá trình, các bạn sinh viên cần phải chăm chỉ để tích luỹ kiến thức dần dần. Có như thế, việc học ngoại ngữ mới thực sự có ý nghĩa, vừa có kiến thức thật sự và vừa không phải chạy đôn chạy đáo để lo đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra.

Đình Trung
Phiên bản di động