"Cú liều" của nam sinh viên giành 5 suất học bổng toàn phần tại Mỹ
Tuyển 1.000 chỉ tiêu học bổng diện Hiệp định du học Nga năm 2024 Bí quyết đạt IELTS 8.5 của cô nàng GenZ Chàng trai 9X mở lớp học cộng đồng về lĩnh vực tâm lý |
“Đánh liều” tìm học bổng của Mỹ
Chúng tôi có buổi trò chuyện cùng Nguyễn Văn Đức vào đúng dịp Đức vừa hoàn tất các thủ tục Visa trước khi đi du học. Khuôn mặt điển trai với nụ cười trìu mến của Đức khiến ai nấy cũng cảm nhận rõ sự gần gũi và thân thiện của cậu thanh niên này.
Đức kể: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhỏ tại vùng ven của thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ba mẹ đều tất bật làm đủ mọi công việc chân tay như: làm ruộng, gánh gạch thuê, thợ xây... để có tiền nuôi nấng anh em tôi ăn học".
Thấu hiểu sự nhọc nhằn của ba mẹ, Đức càng có thêm nguồn động lực to lớn để nỗ lực hơn trong học tập. Trải qua 4 năm miệt mài trên giảng đường Đại học, năm 2023, Đức xuất sắc tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Công nghệ Hàng không vũ trụ, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội với vị trí Á khoa.
Nguyễn Văn Đức sinh năm 2000, quê Bắc Giang |
Theo chia sẻ của Đức, sau khi tốt nghiệp đại học, do còn thiếu tự tin, có giai đoạn Đức từng nghĩ bản thân không có đủ khả năng để theo học chương trình tiến sĩ.
“Thậm chí, tôi đã dự kiến học chương trình thạc sĩ tại Việt Nam để có thêm nhiều kinh nghiệm”, tân sinh viên University of Connecticut nói.
Nhưng một cú huých đã khiến Đức thay đổi khi chính cậu luôn băn khoăn rằng: “Không biết các giáo sư quốc tế sẽ đánh giá mình như nào nhỉ ?”
Từ câu hỏi trăn trở đó, Đức “đánh liều” liên hệ tới một số giáo sư xem họ nhận định như nào về khả năng của cậu học trò Nguyễn Văn Đức. Đây được xem như một cách kiểm tra năng lực bản thân, cũng như cách họ nhận định và đưa ra lời khuyên để nam sinh cố gắng phấn đấu trong tương lai.
"Thời điểm đó, một số giáo sư đã động viên tôi nộp hồ sơ vào các trường tại Mỹ. Tôi dành thời gian mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn. Đồng thời, xem xét những môi trường giáo dục tiềm năng, phù hợp với bản thân để chuẩn bị hồ sơ xin học bổng", Đức nhớ lại.
Nguyễn Văn Đức (thứ hai từ trái vào) chụp ảnh cùng thầy giáo và các thành viên Phòng thí nghiệm FPCFD |
Khi nộp hồ sơ học bổng, Đức không chắc chắn cơ hội sẽ xảy đến nhưng vẫn tự trấn an và "đánh liều" đặt niềm tin vào năng lực của bản thân mình.
“Đôi khi kết quả không phản ánh được những nỗ lực mà bạn đã thực hiện, nhưng nếu bạn không nỗ lực thì bạn không thể có kết quả”, Đức nói.
Với sự “đánh liều” và nỗ lực không ngừng của bản thân, Đức xuất sắc nhận được lời mời từ 5 trường R1 (những trường đại học có hoạt động nghiên cứu cao tại Hoa Kỳ) bao gồm: University of Connecticut, State University of New York at Binghamton, Iowa State University of Science and Technology, University of Texas at Dallas và North Dakota State University.
“Thật bất ngờ, cả 5 trường đều chấp nhận và đưa ra đề nghị nhập học trực tiếp vào chương trình Tiến sĩ của họ với sự hỗ trợ tài chính ngay từ vòng xét tuyển sớm. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi quyết định chọn trường University of Connecticut (UConn), trường đại học được xếp hạng là ngôi trường công lập tốt nhất ở New England. Các giáo sư tại đây không chỉ giỏi mà còn rất tận tâm. Tôi yêu thích môi trường trong lành ở UConn, vừa gần biển vừa gần các thành phố lớn (như New York, Boston) nhưng lại đặt ở một trị trấn nhỏ không tấp nập phồn hoa của thành phố. Nơi đây cực kỳ an toàn và phù hợp với tính cách của tôi”, Đức bộc bạch.
Đức chụp ảnh cùng ba mẹ trong ngày tốt nghiệp |
Quyết tâm săn học bổng toàn phần
Ngay từ những ngày đầu bước chân theo học ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Nguyễn Văn Đức đã lên kế hoạch cố gắng học tập để có thể phát triển hơn nữa với ngành học này.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của bản thân mình, chàng trai đến từ Bắc Giang đã chỉ ra những điều cần thiết để các bạn trẻ Việt Nam có thể 'săn' thành công học bổng nghiên cứu sinh toàn phần tại các nước phát triển.
“Tôi thấy rằng, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh các học bổng quốc tế trên thế giới. Một món ăn ngon phải dựa trên tâm huyết và sự chuẩn bị của người nấu. Vì vậy, các bạn cần có cho mình một định hướng rõ ràng trước khi lên kế hoạch nộp đơn xin học bổng quốc tế”, Nguyễn Đức cho hay.
Cụ thể, với mỗi quốc gia, khu vực hay các tổ chức khác nhau đều có những yêu cầu riêng biệt về tiêu chí học bổng. Những yêu cầu này được công khai rộng rãi tới báo chí hoặc trên website chính thức. Ví như, học bổng thúc đẩy nghiên cứu thì sẽ đánh giá cao kinh nghiệm nghiên cứu trước đó; thúc đẩy giá trị văn hóa thì sẽ đánh giá cao các hoạt động xã hội, nghệ thuật... Tùy vào mỗi loại, chúng ta cần thể hiện điểm mạnh của mình trong hồ sơ.
Nguyễn Văn Đức nhận bằng khen tại Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp |
"Tôi đã đọc một số chia sẻ của các giáo sư hay những người trong hội đồng tuyển sinh quốc tế và thấy một điểm chung trong quan điểm chọn lọc hồ sơ giữa họ, đó là: Một ứng viên tiềm năng là một người mà họ tin là sẽ thành công trong tương lai chứ không phải một người chỉ biết làm một thứ mà họ thích", chàng trai trẻ bộc bạch.
Lý giải về điều này, Nguyễn Văn Đức đã đưa ra hai ví dụ như sau:
Thứ nhất, điểm GPA hoàn hảo. Nhiều bạn nghĩ rằng có một GPA cao là có tất cả, nhưng thực tế hội đồng xét chọn dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra quyết định. GPA 3.9-4.0 chỉ thể hiện bạn có khả năng học tập và thi cử như một cái máy, hội đồng không thể chắc chắn bạn có thể thành công với những mục tiêu khác được đặt ra hay không.
Nếu bạn có thành tích đó trong hồ sơ, nó thậm chí là một red flag (báo hiệu nguy hiểm) với hội đồng rằng có điều gì đó đặc biệt ở đây: Một là chất lượng trường hời hợt; hai là bạn gian lận; ba là bạn thực sự là một thiên tài...
Thứ hai, khả năng ngôn ngữ quốc tế. Phần lớn các hội đồng tuyển sinh không đánh giá cao mục này, nó được đưa vào bởi lẽ ngoại ngữ là phương tiện để thí sinh có thể sinh sống và học tập ở quốc gia đó.
Vì vậy, điều cần làm là sinh viên nên xem yêu cầu của từng tổ chức, họ chấp nhận những chứng chỉ gì và từ đó lựa chọn những chứng chỉ phù hợp cho quá trình xin học bổng.
GS. Nguyễn Đình Đức trao giải Nhì Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên cho sinh viên Nguyễn Văn Đức |
"Theo tôi, một chứng chỉ ngoại ngữ tốt là hơn yêu cầu tối thiểu một chút. Ví dụ, hội đồng yêu cầu 6.5 IELTS thì bạn hoàn toàn có thể dành thời gian cho việc khác nếu bạn có 7.0 IELTS, việc đạt tối thiểu 6.5 IELTS cũng không phải điều tệ.
Bạn có thể dành rất nhiều thời gian để đạt tớt điểm cao hơn, nhưng hội đồng xét tuyển sẽ nói với bạn rằng: Chúng tôi sẽ không chi tiền cho bạn chỉ để sang đó "chém gió" như người bản xứ mà không biết làm việc. Bạn pass (vượt qua) với điểm tối thiểu nhưng thành tích khác vẫn có và làm việc chuyên môn hiệu quả, hội đồng sẽ đánh giá bạn là một người biết xây dựng kế hoạch một cách rõ ràng cho bản thân và họ tin bạn sẽ thành công trong tương lai", nam sinh khẳng định.
Trước khi nộp đơn, Đức cũng lưu ý rằng, mọi người nên nhờ sự tham vấn trực tiếp của thầy cô, bạn bè hoặc các anh chị đi trước, những người đã có kinh nghiệm để được hỗ trợ, tư vấn về các loại thủ tục liên quan tới học bổng. Qua đó chỉnh sửa nếu cần thiết và dự đoán khả năng của mình có thể Apply học bổng ở mức nào.
Nguyễn Văn Đức (thứ ba từ trái vào) là một trong 10 gương mặt đại diện được nhận Học bổng Vallet năm 2022 |
Tùy chương trình và tổ chức, mỗi người sẽ được yêu cầu một buổi phỏng vấn khác nhau. Để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, ghi điểm trong mắt thầy cô, sinh viên nên chuẩn bị một số Slides tóm lược ngắn (khoảng 7 Slides) nêu ra được thành tích, sở thích làm việc/nghiên cứu cũng như các lợi ích mà chúng ta có thể đem lại khi gia nhập lab/khoa/trường...
"Đặc biệt, sinh viên hãy xem việc phỏng vấn với giáo sư giống như một buổi nói chuyện, chia sẻ và trao đổi về các nghiên cứu. Từ đó đưa ra định hướng phù hợp, đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học thế giới", cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ chia sẻ.
Đức cho hay, trong tương lai, từ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, cậu bạn mong muốn trở về quê hương và góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển, giàu mạnh.