Sinh viên năm cuối và nỗi băn khoăn "về hay ở"
Học phí và sự sòng phẳng Làm chủ công nghệ - Bứt phá thành công Ngày hội “Mở và Hội nhập” trẻ trung, đa sắc màu |
Ở lại thành phố hay về quê lập nghiệp
Là sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Thị Hằng rất muốn sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm ổn định tại Thủ đô Hà Nội. Ngành học kế toán mà Hằng theo đuổi thường có nhu cầu tuyển dụng cao. Vì vậy, cô gái trẻ có nhiều cơ hội hiện thực hoá ước mơ và chinh phục mục tiêu của mình.
Hằng chia sẻ, ngay từ khi đăng ký ngành học bậc đại học, cô đã tìm hiểu kỹ càng về kế toán. Nhân viên kế toán đóng vai trò quan trọng trong bất cứ một doanh nghiệp, tổ chức nào, dù là ở quy mô nhỏ hay lớn. Cô gái tự tin rằng, công việc mà cô theo học sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng toàn cầu hóa, thương mại quốc tế. Nữ sinh cũng cho rằng Thủ đô là mảnh đất màu mỡ để mình phát triển.
Hằng nói: “Mình sẽ cố gắng nỗ lực để ở lại Hà Nội – nơi gắn bó suốt 4 năm đại học, cũng như có rất nhiều bạn bè. Hà Nội là thành phố lớn mang lại cho mình nhiều cơ hội. Tuy nhiên, trong quá trình học tập và đi làm thêm ở đây, hiện thực cuộc sống không ít lần khiến mình tự đặt câu hỏi cho bản thân đã lựa chọn đúng hay chưa, nên hay không ở lại Thủ đô”.
Các bạn sinh viên Hà Nội được tư vấn tuyển dụng trong ngày tốt nghiệp |
Hiện tại, Hằng đang phải thuê nhà với 2.5 triệu đồng/tháng, tiền chi phí ăn uống, xăng xe cũng như một số nhu cầu cá nhân khác với mức trợ cấp của gia đình và tiền thu nhập từ làm thêm của cô thì phải thật sự tiết kiệm mới đủ. Chưa nói đến áp lực công việc khá mệt mỏi, dù cô chỉ làm thêm.
Năm 2023 này Hoàng Thị Hà, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ tốt nghiệp. Hà đã gửi hồ sơ xin việc đến nhiều công ty. Tuy nhiên, cô gái vẫn chưa ưng ý được công việc nào. Nhiều lần đến các công ty phỏng vấn tuyển dụng, rồi thử việc nhưng kết quả không như mong muốn khiến Hà cảm thấy tuyệt vọng, mông lung về cuộc sống mình hằng mong ước ở Hà Nội.
Nay chặng đường tới đích đã rất gần, Hà quyết tập trung hoàn thành nốt nội dung học tập, tốt nghiệp, dành thời gian để nhìn nhận và đưa phương hướng đúng đắn cho bản thân sau khi ra trường.
Hoàng Thị Hà chia sẻ: “Mình cũng muốn ở lại Hà Nội để lập thân lập nghiệp nhưng thật sự sẽ vô cùng khó khăn. Mình xuất thân từ ở quê lên, bố mẹ không giàu, chỉ vun vén nuôi con học đại học được là cố lắm rồi. Nếu mình ở lại thành phố sẽ tiếp tục phải đi thuê nhà, các sinh hoạt phí cũng tăng lên bởi khi đi làm thì chắc chắn phát sinh nhiều thứ phải chi hơn khi còn đi học. Tiền lương cũng không thể cao vọt bởi mình biết được một phần khả năng của mình… Có thể mình sẽ ở lại một vài năm để trải nghiệm rồi sẽ tính phương án khác như đi nước ngoài làm việc hoặc về quê”.
Đừng vội bỏ cuộc, cứ thử sức, cứ sai...
Nhiều năm gắn bó với các bạn sinh viên, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong, tác giả cuốn sách best-seller: “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất” cho rằng, ở lại thành phố hay về quê lập nghiệp luôn là câu hỏi lớn của nhiều bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh (người thứ hai từ trái sang) cùng các chuyên gia chia sẻ nhiều điều hữu ích cho các bạn sinh viên trước bước ngoặt cuộc đời |
Tuy nhiên, về quê hay ở lại, làm bất cứ công việc gì nếu muốn thành công thì đều phải thỏa mãn ba yếu tố quan trọng: Được làm công việc mình giỏi nhất (sở trường); Công việc mình yêu thích nhất (sở thích); Công việc đem lại cho mình nhiều tiền nhất. Chính mỗi bạn sinh viên phải đưa ra quyết định cho bản thân vì không ai hiểu bạn bằng chính bạn.
Anh Minh Đức – cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, trong thời điểm sắp tốt nghiệp, chắc chắn nhiều bạn sẽ gặp áp lực bởi anh cũng đã trải qua như vậy. Đó là áp lực về các kỳ thi, đồ án, luận văn, hướng đi cho nghề nghiệp, tương lai...
Theo anh Minh Đức, mỗi người hãy lên cho bản thân một kế hoạch cụ thể, nghiên cứu thật kỹ về những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như sở thích của bản thân để tìm ra lĩnh vực phù hợp. “Chúng ta đừng vội bỏ cuộc, hãy cứ thử sức, cứ sai để làm lại, vì chúng ta còn trẻ. Những trải nghiệm sẽ vô cùng quý báu để mỗi người có bản lĩnh vững vàng tự đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân”, anh Minh Đức chia sẻ.