Quốc hội quyết "giải mã" điểm nghẽn thị trường bất động sản

Đoàn giám sát của Quốc hội được yêu cầu phải tìm hiểu được rõ khó khăn, vướng mắc, bất cập của thị trường bất động sản hiện nay, đồng thời xác định rõ phương hướng giải quyết...
Hé mở nội dung cuộc họp rà soát thông tư gây khó cho bất động sản Thủ tướng chỉ đạo họp khẩn sửa thông tư gây khó cho bất động sản Thủ tướng tiếp tục ra chỉ đạo gỡ khó cho bất động sản

Ngày 17/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Trình bày báo cáo công tác triển khai, kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mục đích của giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trên cơ sở đó sẽ xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội quyết
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Về nội dung giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản sẽ tập trung giám sát các nội dung về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; việc triển khai các dự án bất động sản; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; các loại hình bất động sản mới; đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản.

Đoàn cũng sẽ tập trung giám sát về hoạt động hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; công tác tiếp nhận, thụ lý, điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản; tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội sẽ tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; Việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương báo cáo giám sát một cách công phu, bao quát hết các nội dung trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khi lựa chọn chuyên đề giám sát, đây là chuyên đề giám sát có tỉ lệ chọn cao nhất cho thấy mức độ quan tâm của Quốc hội cũng như của cử tri và Nhân dân cả nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang xem xét để thông qua 2 dự án luật có liên quan trực tiếp là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), gắn liền với đó là Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó trách nhiệm đối với cuộc giám sát này rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý rút kinh nghiệm từ các cuộc giám sát trước đây khi quá thiên về diện mà ít chú ý đến trọng tâm, trọng điểm hoặc xác định trọng tâm, trọng điểm chưa rõ. Ông đề nghị nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về các dự án luật này.

Ông Huệ cũng nhấn mạnh các chuyên đề giám sát ngoài diện còn phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định trọng yếu, xác định rủi ro, những vấn đề then chốt bởi nếu không xác định sớm từ đầu thì sẽ “bơi” trong một “rừng số liệu” trong khi thời gian chỉ có hạn. Đây là yêu cầu bắt buộc để các đoàn giám sát, các tổ công tác phải trả lời được, đồng thời phải gắn vào những khó khăn, vướng mắc hiện nay của thị trường nhà ở và vấn đề bất động sản, liên quan đến cả đất đai để tìm câu trả lời.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi, nội dung giám sát để nghiên cứu chọn lọc những vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm, trọng yếu, tiếp cận vấn đề từ mục tiêu giám sát, bối cảnh giám sát, mối liên hệ giữa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, nhất là khó khăn, vướng mắc, bất cập của thị trường bất động sản hiện nay đang được Nhân dân rất quan tâm, xác định những rủi ro, bất cập khác có liên quan, đồng thời xác định rõ phương hướng giải quyết và yêu cầu các cơ quan hữu quan báo cáo làm rõ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, về thời gian giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đồng thời có thể xem xét thời kỳ trước hoặc sau thời gian nêu trên nếu cần mở rộng đối tượng và phạm vi liên quan.

Hậu Lộc
Phiên bản di động