Quảng Ngãi: Thu phí tham quan đảo Lý Sơn có khi “lợi bất cập hại”

Nhiều du khách đến với đảo Lý Sơn xuất phát từ tình yêu biển đảo và thành kính tưởng nhớ đội Hùng binh Hoàng Sa, chứ thực chất Lý Sơn chưa phải là địa điểm du lịch đúng nghĩa thu hút du khách.    
Quảng Ngãi cần nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Thủ tướng chứng kiến dòng vốn đầu tư mới vào Quảng Ngãi Cao tốc 34.000 tỷ đồng tiếp tục sụt lún Tổng Cục đường bộ kiểm tra vị trí hằn lún trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
quang ngai thu phi tham quan dao ly son co khi loi bat cap hai
Một góc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (ảnh: X.T)

Lý Sơn là huyện đảo nằm về phía Đông Bắc bờ biển tỉnh Quảng Ngãi, ở tọa độ 15,23 vĩ độ Bắc và 109,08 độ kinh Đông, cách đất liền 15 hải lý, có ý nghĩa về lịch sử và chủ quyền của quốc gia ven biển. Đây cũng chính là nơi thành lập đội Hùng Binh Hoàng Sa hơn 600 năm trước, hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử.

Theo đó, nhiều du khách đến với đảo Lý Sơn xuất phát từ tình yêu biển đảo và thành kính tưởng nhớ đội Hùng binh Hoàng Sa, chứ thực chất Lý Sơn chưa phải là địa điểm du lịch thu hút du khách.

Tại kỳ họp 15, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII vừa diễn ra, đa số các đại biểu đã thống nhất ban hành Nghị quyết thu phí đối với khách tham quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Lý giải về vấn đề thu phí, đại diện chính quyền huyện Lý Sơn cho rằng, Lý Sơn hiện có 24 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để làm tốt công tác xử lý vệ sinh môi trường và tôn tạo, bảo dưỡng các di tích, thắng cảnh, cần có sự đóng góp của du khách khi đến với Lý Sơn, cũng là để đánh thức tiềm năng, khai thác hiệu quả các giá trị của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

quang ngai thu phi tham quan dao ly son co khi loi bat cap hai
Những năm qua, lượng khách ra đảo tăng đã giúp kinh tế - xã hội huyện Lý Sơn đạt nhiều kết quả (X.T)

Theo Tờ trình số 77/TTr-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi, các đối tượng được miễn phí ra Lý Sơn bao gồm: trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng (theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP), người dân có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống tại Lý Sơn; người đang công tác và làm việc trên địa bàn huyện Lý Sơn (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện). Các đối tượng còn lại nếu đến Lý Sơn ngoài tiền vé tàu từ cảng Sa Kỳ sẽ phải mua thêm vé tham quan với giá 70.000 đồng. Nếu muốn đi sang đảo bé phải mua thêm vé 30.000 đồng (ngoại trừ những trường hợp được giảm 50%).

Ngay sau khi HDND tỉnh Quảng Ngãi thông qua việc thu phí theo hình thức thu trọn gói khi tham quan Lý Sơn, người dân Lý Sơn và du khách đã có những phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đảo Lý Sơn không phải là "mỏ vàng" để Quảng Ngãi khai thác tận thu.

Người dân Lý Sơn không phản đối việc thu phí, nhưng người dân cho rằng thu phí tham quan tại thời điểm này là chưa phù hợp. Bởi Lý Sơn chưa được đầu tư xây dựng được cơ sở hạ tầng, cũng như chuỗi cung ứng dịch vụ có thể đáp ứng được yêu cầu cho du khách.

Đối với hoạt động kinh doanh du lịch, trước hết phải đưa ra các sản phẩm tốt đáp ứng được yêu cầu của khách, sau đó tổ chức quảng bá sản phẩm mời mọc họ tới, rồi tới mới tính đến chuyện lấy tiền dịch vụ.

Lý Sơn không thể so sánh với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là di sản thế giới, hay Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Những địa danh này đã được các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng để khai thác du lịch, dịch vụ một cách rất bài bản từ nhiều năm nay. Trong khi đó, ngành du lịch Lý Sơn hiện chưa có nhiều dịch vụ, chưa được đầu tư một cách đồng bộ, ngoài những điểm tham quan, di tích đã có sẵn.

quang ngai thu phi tham quan dao ly son co khi loi bat cap hai
Một địa điểm tham quan trên đảo Lý Sơn (Ảnh X.T)

Nhiều người đến đảo Lý Sơn cho rằng, ngành du lịch ở Lý Sơn chưa thật sự hấp dẫn để mời gọi du khách quay trở lại, nên việc thu phí về lâu dài có khi lại “lợi bất cập hại”, số lượng du khách ra đảo có nguy cơ sẽ giảm đi đáng kể.

Điều này, đồng nghĩa với việc không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của người dân Lý Sơn, mà còn làm giảm đi tính chất thiêng liêng về chủ quyền quốc gia trên biển.

Người dân cả nước mong muốn ra đảo để cổ vũ động viên, tặng quà quân dân trên đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc mà phải trả phí mới được ra thì có khiên cưỡng?

N.Dương
Phiên bản di động