Phòng ngừa cháy nổ trong trường học ở Cầu Giấy: Nâng ý thức, đề cao trách nhiệm
Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh là một nhân tố tuyên truyền
Đến nay sau 1 tuần xảy ra sự cố cháy hầm để xe ở trường Tiểu học Yên Hoà, mọi hoạt động của nhà trường đã trở lại bình thường, tâm lý của thầy cô và học trò đã ổn định để tiếp tục việc dạy và học.
Khu vực cổng hầm trường Tiểu học Yên Hoà được cảnh báo và lực lượng bảo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra, túc trực |
Để mục sở thị hoạt động dạy và học của nhà trường sau sự cố trên, PV đã có buổi ghi nhận thực tế ngày 20/2. Rào sắt cao hơn 1m với tấm biển to “học sinh không được đi lối này” được đặt phía trên cổng hầm. Toàn bộ xe đạp cũng như phương tiện để dưới hầm được quây gọn trong một khu vực phía trên sân trường để không ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi của học sinh.
Xe đạp của học sinh ở dưới hầm nay đã được đưa lên khu vực trống ở sân trường và rào quây |
Trao đổi với PV, cô Đào Thị Thuý, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Sự cố xảy ra tại hầm để xe nhà trường là điều không ai mong muốn. Song chúng tôi cũng may mắn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong quận, sự ủng hộ của phụ huynh và các em học sinh nên mọi hoạt động trở lại quỹ đạo hằng ngày, không có sự gián đoạn, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học".
Theo chia sẻ của cô Thuý, đám cháy được bảo vệ nhà trường và học sinh phát hiện ngay khi có những dấu hiệu ban đầu. Do đó, tất cả cô và trò nhà trường đã triển khai theo đúng phương án đã có để đảm bảo an toàn tính mạng. Rất may là không có thiệt hại về người, xe cộ của học sinh cũng không bị ảnh hưởng… Nhà trường cũng đã ngay lập tức kiểm tra, rà soát lại hệ thống điện, nước, phương tiện PCCC tại chỗ, xịt rửa, dọn dẹp khu vực xảy ra sự cố; lập biên bản và xin ý kiến cấp trên để triển khai thanh lý hoặc tiêu huỷ số bàn ghế cũ.
Ông Phạm Quang Trung, nhóm trưởng nhóm bảo vệ nhà trường cho biết: "Những ngày này thì khu vực rào chắn ở cửa hầm được treo biển nhắc nhở cũng như đảm bảo tuyệt đối không có học sinh, giáo viên ra vào khu vực này. Qua sự cố tôi nhận thấy, việc phát hiện ngay khi đám cháy mới phát sinh và bình tĩnh, triển khai các phương án như đã định là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra".
Nội dung PCCC được giáo viên lồng ghép trong các tiết học chính khoá cho học sinh ở trường tiểu học Yên Hoà |
Được biết, một năm trường Tiểu học Yên Hoà tổ chức phối hợp với Công an quận Cầu Giấy kiểm tra, rà soát công tác PCCC định kỳ 2 lần; trong đó công tác tuyên truyền, tập huấn nội dung, phương án PCCC cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, Đội PCCC cơ sở được chú trọng. Ngoài ra, nhà trường cũng lồng ghép các nội dung PCCC vào các tiết học ngoại khoá, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp để học sinh có thêm kiến thức thực tế. Đặc biệt, sau sự cố xảy ra tại nhà trường, các em cũng được lồng ghép nội dung này vào trong các môn học chính khoá và thường xuyên được nhắc nhở như “một bài học thực tế” không thể nào quên.
“Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh là một nhân tố quan trọng để tuyên truyền PCCC” – đó là khẳng định của cô Nguyễn Thị Ban, Phó Hiệu trưởng trường THCS Yên Hoà sau sự cố xảy ra ở trường tiểu học trên địa bàn.
Cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, thoáng mát là một trong những thuận lợi để trường THCS Yên Hoà đảm bảo tốt công tác PCCC |
Theo cô Ban, sự việc không mong muốn trên cũng một lần nữa giúp nhà trường đẩy mạnh hơn công tác PCCC. Vì ngay sau đó, nhà trường tổ chức họp Đội PCCC cơ sở, tổ chức rà soát lại 100% hệ thống điện, nước ở các phòng ban, lập biên bản, yêu cầu khắc phục ngay để loại trừ mối nguy tiềm ẩn, nhất là các phòng có yếu tố đặc biệt như phòng thể chất, phòng tin học… Thuận lợi của nhà trường là hệ thống cơ sở vật chất trường học, PCCC khang trang, mới được xây dựng và trang bị nên đáp ứng tốt nhu cầu PCCC tại chỗ; Giáo viên nắm vững kiến thức PCCC, sử dụng phương tiện chữa cháy và chủ động lồng ghép vào các tiết dạy; Học sinh cũng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin để trang bị kiến thức về an toàn phòng chống cháy nổ…
Cô Đoàn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A1, trường THCS Yên Hoà cho biết: Học sinh cấp THCS rất hiếu động và đang trong quá trình hình thành nhân cách, đây vừa là ưu điểm cũng vừa là khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức mới cho các em. Vì thế, việc “giao nhiệm vụ cho học sinh” là giải pháp để chúng tôi truyền đạt kiến thức đến các em một cách hiệu quả nhất. Nội dung PCCC cũng vậy, từ bài học gần nhất xảy ra ở trường Tiểu học Yên Hoà, các em được “giao nhiệm vụ” tìm hiểu về cách đảm bảo an toàn PCCC để nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình và mọi người trong trường.
Giáo viên và thành viên nòng cốt của đội tuyên truyền "nhí" trường THCS Yên Hoà thường xuyên cập nhật kiến thức về PCCC để trở thành những "tuyên truyền viên tích cực" tại nhà trường |
Coi công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, được biết, trường THCS Yên Hoà vừa đề xuất với Công an quận Cầu Giấy tổ chức diễn tập phương án PCCC trường học. Đây là hoạt động thực tiễn, phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy; Đồng thời, trường lập danh sách cử 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên tập huấn lại để cấp chứng chỉ mới về PCCC. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động tìm hiểu pháp luật online và dự kiến sẽ tổ chức sân khấu hoá nội dung PCCC trong thời gian gần nhất.
Phòng ngừa là chính
Liên quan đến nội dung PCCC trường học, trao đổi với PV báo, ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết: Sự cố xảy ra ở trường Tiểu học Yên Hoà nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và dư luận xã hội cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn PCCC trường học được đặt ra cấp thiết.
Thực tế, thời gian qua, Phòng GD&ĐT quận hằng năm đều có kế hoạch phối hợp với Công an quận tập huấn, tuyên truyền, diễn tập phương án PCCC ở trường học. Nội dung này được triển khai đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn và được các nhà trường triển khai rất nghiêm túc. Phòng đã có công văn về nội dung “tăng cường công tác PCCC tại các nhà trường” trong quý III năm 2022 và gần đây nhất là công văn hoả tốc ngày 16/2/2023, ngay sau sự cố ở trường học trên địa bàn gửi đến các trường mầm non, tiểu học, THCS, chủ lớp mầm non độc lập, tư thục về tiếp tục tăng cường công tác này.
Thực hiện nội dung trên, các nhà trường cũng đã chủ động rà soát, lập biên bản những khu vực có nguy cơ cháy nổ cao trong nhà trường và có phương án đảm bảo an toàn PCCC. Một số trường còn tồn tại về phương tiện PCCC chưa được thay mới, tiêu lệnh bị mờ, cơ sở vật chất đưa vào sử dụng đã lâu nên bắt đầu xuống cấp… đều được yêu cầu khắc phục ngay.
Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy có văn bản hoả tốc đến các nhà trường yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác PCCC tại cơ sở giáo dục |
Theo ông Trung, nếu trước kia việc kiểm tra, rà soát, đánh giá, chấm điểm công tác đảm bảo PCCC tập trung vào việc kiểm tra kế hoạch, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, thì nay căn cứ vào thực tế, việc kiểm tra sẽ tập trung vào phương án xử lý tình huống, sự cố của từng nhà trường. Hiệu trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy do nguyên nhân chủ quan.
Để có hướng dẫn cụ thể, thiết thực cho các nhà trường, ngày 21/2, Phòng GD&ĐT quận phối hợp với ngành chức năng bắt đầu thực hiện theo kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Mục đích việc kiểm tra lần này là đưa ra phương án, giúp các cơ sở giáo dục tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo tốt hơn công tác PCCC.
Đáng chú ý, dịp cuối năm 2022, Ban Kiểm tra liên ngành quận Cầu Giấy đã phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản, yêu cầu khắc phục lỗi vi phạm PCCC đối với 6 cơ sở dạy tiếng anh, tư vấn du học và bồi dưỡng văn hoá trên địa bàn. “Đây là những cơ sở “nở rộ” sau dịch COVID-19 và có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ. Sau khi lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, xử lý vi phạm, các cơ sở cũng đã khắc phục được lỗi và hoạt động trở lại” – ông Trung cho biết thêm.