Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ

Vụ cháy tại ngôi nhà trọ nằm sâu trong con ngõ 119 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người chết càng làm cho sinh viên thuê trọ thêm phần bất an, lo lắng.
Sinh viên thích thú trải nghiệm tìm kiếm việc làm ngay tại sân trường Kết hợp "cỗ xe tam mã" giúp sinh viên làm chủ cơ hội việc làm Sinh viên năm cuối loay hoay chọn nghề

Sinh viên thuê trọ với muôn ngàn nỗi lo

Vì lý do học tập, bạn Lê Văn Q (20 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường thức quá nửa đêm để hoàn thành bài vở, đêm nay cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Đang tìm đọc một số bài báo liên quan đến môn học cần xử lý, Q hoảng hốt khi đập vào mắt mình lại là thông tin về vụ cháy dữ dội trên phố Trung Kính.

“Bà hoả” lại ghé trong đêm, khiến cậu bạn giật mình nhìn lại nơi mình đang sinh sống. “Em và 1 bạn nữa cùng thuê chung một phòng trọ tại tầng 4 của căn nhà, bên trên là tầng tum để phơi quần áo. Cả tầng có 3 phòng, phòng trọ của em không có lối thoát nạn thứ hai, giả dụ mà cháy, em cũng chưa lường trước mình sẽ phải làm gì. Tầng 1 là nhà để xe, nên nếu xảy ra cháy thì đúng khó mà thoát được”.

Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ
Lối thoát hiểm duy nhất trong căn nhà trọ của Lê Văn Q.

Cùng chung nỗi lo, em Phạm Thu T (20 tuổi, ở Hà Nam, đang thuê trọ ở Hà Nội) bày tỏ: “Giờ cháy nhiều quá, để chắc cốp em lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tâm thế, thường xuyên nghĩ nếu có cháy thì thoát ra bằng cách nào, mang những thứ gì đi…”.

Còn bạn Nguyễn Khánh Huyền (sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân) lại nói: "Kinh tế chẳng dư giả nên em cũng chỉ đủ điều kiện thuê 1 căn phòng trọ vừa tầm, 3 đứa ở chung với rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Nhà trọ nơi em sinh sống mỗi tầng lầu có một bình chữa cháy bám đầy bụi, em không biết cách sử dụng. Cả nhà cũng chỉ có 1 lối đi duy nhất được làm bằng gỗ, rất nhỏ, cỡ vừa 1 người đi. Vì vậy, nếu có xảy ra cháy thì em cũng không thoát được vì không có lối thoát hiểm”.

Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ
Đồ đạc lỉnh kỉnh và rất dễ bén lửa của sinh viên thuê trọ

Sinh viên còn thiếu kỹ năng phòng cháy chữa cháy

Bạn Lương Minh Phương (sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hiện đang thuê trọ tại quận Cầu Giấy - nơi khá gần với vụ cháy tại ngõ 119 phố Trung Kính rạng sáng 24/5.

Sáng nay, khi còn chưa kịp tỉnh ngủ, cô bạn đã bị mẹ gọi "cháy máy" để hỏi han về tình hình sau khi vị phụ huynh này xem được hàng ngàn thông tin lan truyền trên khắp các diễn đàn mạng xã hội về vụ cháy đêm qua.

Không chỉ có vậy, mẹ của nữ sinh còn dặn con phải "mua ngay một chiếc thang thoát hiểm để phòng ngừa tình trạng không may xảy đến".

Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ
Bình chữa cháy bám bụi, sinh viên không biết cách sử dụng là thực trạng chung của rất nhiều nhà trọ
Sinh viên thuê trọ nơm nớp nỗi lo cháy nổ

Thấu hiểu rõ sự đáng sợ của hỏa hoạn, cùng nhiều thương đau mất mát nếu có cháy xảy ra, nhưng khi được hỏi có kiến thức về kỹ năng phòng tránh và đảm bảo an toàn cháy nổ không thì Phương cũng chỉ biết lắc đầu cười. Nếu không có mẹ nhắc nhở, chắc chắn cô nàng không hề biết cách đầu tiên để thoát thân khi có cháy xảy ra: sử dụng thang thoát hiểm.

“Giờ mà có cháy, chắc em chỉ biết tìm đường chạy cho nhanh, chứ bình chữa cháy cũng… vô nghĩa vì em không biết sử dụng”, Phương nói.

Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ
Căn phòng chật chội, bí bách chưa tới 15m2 khiến Nguyễn Quốc Phú cảm giác vô cùng bất an

Tỏ ra lo lắng trước tình trạng chập, cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là đối với những nhà trọ cho thuê “kín như bưng”, không có lối thoát nạn thứ hai, bạn Nguyễn Quốc Phú (23 tuổi, sống tại Thanh Xuân) bày tỏ: “Lúc tìm nhà, em đặt kinh tế làm yếu tố quan trọng nhất thay vì an toàn phòng cháy chữa cháy. Khi chuyển đến, cứ vậy mà vào ở, chứ chủ nhà không hướng dẫn về cách sử dụng bình chữa cháy".

Sinh viên thuê trọ nơm nớp nỗi lo cháy nổ
Tầng hầm để xe nơi Phú sinh sống luôn trong tình trạng quá tải

Chia sẻ thêm, cậu bạn nói, nhà trọ này vẫn còn nhiều thiết kế chưa phù hợp, có vẻ như chủ trọ cũng chưa trang bị hệ thống báo cháy. Thêm vào đó, không gian chật hẹp nhưng số lượng sinh viên thuê trọ ngày càng tăng, tỉ lệ nghịch với hệ thống đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

“Nếu cháy nhỏ, em được học rằng phải bình tĩnh dùng bình xịt sẽ dập tắt được. Nhưng em cũng không biết sử dụng nên chắc sẽ… chạy trước cho an toàn”, Nguyễn Quốc Phú chia sẻ.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động