Hoà chung bầu không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, các trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát động nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa về chủ đề Tết Việt, nổi bật trong đó là trải nghiệm cho học sinh gói bánh chưng xanh ngay tại sân trường.
|
Mỗi khi tết đến xuân về, trong mâm cỗ người Việt ngày Tết cổ truyền dù ở đâu cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh, một món ăn đặc trưng của dân tộc. |
|
Đối với người Việt, gói bánh chưng ngày Tết là một nét đẹp truyền thống, hình ảnh chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt nhằm thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. |
Với ý nghĩa truyền thống cao đẹp đó, các trường học đã phát động trải nghiệm gói bánh chưng xanh để học sinh được trực tiếp trổ tài làm bánh và hiểu hơn về nét đẹp truyền thống của dân tộc.
|
"Tương truyền rằng bánh chưng lần đầu xuất hiện vào thời vua Hùng do Lang Liêu - Hoàng tử thứ 18 tạo ra sau khi được thần báo mộng. Vì vậy, bánh chưng không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng về tín ngưỡng của người Việt, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa", đây là lời chia sẻ của giáo viên trường Mầm non Hoạ Mi (quận Ba Đình, Hà Nội) với các bạn học sinh tại hoạt động trải nghiệm: Gói bánh chưng ngày Tết trong nhà trường. |
|
Chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết: "Thông qua hoạt động này các bé sẽ được trải nghiệm và tích lũy được thêm nhiều kỹ năng sống. Cùng với đó, các con sẽ hiểu thêm về ý nghĩa của những chiếc “Bánh chưng” và ý nghĩa về tình yêu dân tộc, sự gắn kết giữa con người với con người trong ngày Tết cổ truyền dân tộc". |
|
Học sinh tỉ mỉ quan sát các thao tác cô giáo làm trong quá trình gói bánh để có thể học tập theo |
|
Sau quá trình chú tâm theo dõi, các bạn nhỏ trực tiếp trải nghiệm gói bánh, tự tay đổ gạo, đổ đỗ, gắp thịt cho vào bánh chưng. |
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nhiều ông bố, bà mẹ vì phải ngược xuôi lo toan các công việc nên không tổ chức gói bánh chưng sum vầy và cùng nhau trông nồi bánh chưng chín như những Tết xưa. Do đó, lũ trẻ gần như mất đi cái cảm giác háo hức khi chờ bố mẹ luộc bánh chưng ngày Tết.
Vì vậy, để trẻ có được trải nghiệm và biết về nét đẹp văn hóa gói bánh chưng ngày Tết, ngày 30/1, cô và trò trường Mầm non Mai Dịch chất lượng cao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã công phu chuẩn bị nguyên liệu, thời gian để dạy các bé gói bánh chưng ngay tại không gian trường và lớp học với sự góp mặt của rất nhiều vị khách mời đặc biệt.
|
Ngày hội gói bánh chưng tại trường Mầm non Mai Dịch chất lượng cao |
|
Em Nguyễn Minh Khôi (5 tuổi) bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên em được thực hành và gói được một chiếc bánh nhỏ xinh bố và mẹ đều khen em khéo tay. Em rất vui vì điều đó. Em hi vọng nhà trường sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động ý nghĩa như vậy vào mỗi dịp cận Tết". |
|
Dưới sự phối hợp nhịp nhàng của các khâu và các thành viên, những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp đẽ đã được hoàn thành. |
|
Các bạn nhỏ lắng nghe những chia sẻ của thầy cô về ý nghĩa của chiếc bánh chưng truyền thống |
|
Học sinh hỗ trợ thầy cô đổ gạo vào khuôn bánh chưng |
|
Các em tự tay gói cho mình chiếc bánh chưng sau khi lắng nghe sự hỗ trợ của thầy cô giáo |
|
Không gian gói bánh chưng trong lớp học |
Sau khi hoàn thành, thầy cô sẽ là người mang bánh chưng đi luộc chín. Nhìn những ánh mắt long lanh, háo hức của học sinh chờ đợi nồi bánh chưng là điều mà bất kì thầy cô nào cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc và bình an.
Qua những hoạt động trải nghiệm phong phú đó, ngày Tết với các em học sinh sẽ thiêng liêng và ý nghĩa hơn, học sinh cũng sẽ có thêm cơ hội được khám phá, tìm hiểu về những nét đẹp phong tục ngày Tết, từ đó củng cố ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị quý báu của văn hoá dân tộc.
Quỳnh Giang
Link bài gốc
Copy link