Bài học đắt giá sau vụ học sinh xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang
Học sinh nhốt, xúc phạm cô giáo: Không thể chấp nhận được! Xác minh làm rõ vụ học sinh xúc phạm, tấn công giáo viên |
Dạy học sinh cách rộng lượng và lòng vị tha
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền rộng rãi video ghi lại cảnh một nhóm học sinh dồn một cô giáo vào góc tường rồi chửi bậy, buông lời thách thức, thậm chí dùng dép ném vào đầu cô giáo… Điều này chắc hẳn làm cho số nhiều chúng ta cảm thấy xót xa.
Cô giáo dạy Âm nhạc bị học sinh dồn vào tường, có lời lẽ xúc phạm |
Nhận định về hành động trên, Thạc sĩ Nghiêm Xuân Tân (trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách chuyên môn trường Phổ thông Đa Trí Tuệ - MIS) cho rằng, nếu ở đây có sự rộng lượng và bao dung thì sẽ không có những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Theo Thạc sĩ Nghiêm Xuân Tân, với vụ việc lần này và nhiều sự việc tương tự xảy ra gần đây, phần lớn chúng ta thường hay xem xét và đổ lỗi xem bên nào phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Nhưng theo quan điểm của ông Tân, trên phương diện người làm giáo dục điều chúng ta cần làm rõ và quan tâm hơn cả là gốc rễ của vấn đề.
Cụ thể, cần đề cao vai trò của chữ “tâm” và “nhẫn” để cùng nhau lắng nghe, không nóng giận, cũng như đẩy quan hệ thầy trò đi đến sự thù địch thì sẽ không có sự “manh động” như vậy.
Xét về nguyên nhân, Thạc sĩ Tân cho biết, chúng ta không nên đổ tại giáo dục, không đổ tại mạng xã hội hay bất cứ cái gì khác, mà hãy thử một lần đồng hành cùng học sinh đang ở lứa tuổi trưởng thành. Ở độ tuổi này, hễ không vừa lòng điều gì, lũ trẻ có thể sẵn sàng nổi khùng với ông bà, bố mẹ, chứ không riêng gì thầy cô.
“Do vậy, tôi nghĩ chúng ta cần giáo dục học sinh có lòng biết ơn, tôn trọng, học nhân cách và thầy cô đối xử với học trò bằng lòng bao dung, sự yêu thương thì sẽ bớt những chuyện đáng tiếc”, Thạc sĩ Tân nói.
Trong quá trình giảng dạy, Thạc sĩ Nghiêm Xuân Tân cũng gặp không ít trường hợp học sinh có những hành xử chưa chuẩn mực với giáo viên. Đứng trước những trường hợp đó, Thạc sĩ bày tỏ: “Tôi đặt mình vào vị trí của học trò. Tôi coi học sinh như con, cháu mình. Nếu đứa trẻ tôi đang phạt đây là con mình thì mình sẽ cư xử thế nào... Tất nhiên, tôi không phải hỏi mình thế ngay lúc đó nhưng sự thực là trong thâm tâm, tôi có tình yêu cho trẻ nhỏ nên trước tiên tôi tôn trọng học sinh và tôi nghĩ điều đó giúp tôi giải quyết được các học sinh có vấn đề về kỉ luật”.
Thạc sĩ Nghiêm Xuân Tân cho rằng, không nên đổ tại giáo dục, không đổ tại mạng xã hội hay bất cứ cái gì khác mà hãy dạy trẻ có lòng biết ơn, tôn trọng |
Quay trở lại câu chuyện ở Tuyên Quang, Thạc sĩ nói, qua vụ việc học sinh có hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của giáo viên, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc để gìn giữ truyền thống văn hoá "tôn sư trọng đạo của dân tộc".
Ở góc độ ngược lại, chúng ta, thầy cô giáo và các ban ngành cần nghiêm túc nhìn lại và bổ sung các tiết học phù hợp giúp hỗ trợ học sinh như lớp học về tâm lí, cảm xúc (trí tuệ cảm xúc), rèn lòng biết ơn, tăng cường nhiều hơn các hoạt động ngoại khoá dạy nhân cách học sinh...
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về chủ đề này, cô Nguyễn Thị Phương Thảo (giáo viên phụ trách chuyên môn khối Sử - Địa lý – GDCD của Trường Phổ thông Đa Trí Tuệ - MIS) cho biết, dường như mọi người quên mất để một đứa trẻ phát triển toàn diện cần đến sự kết hợp của cả ba yếu tố: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Gia đình là nền tảng là môi trường giáo dục đầu tiên mà các con tiếp xúc. Người lớn là tấm gương phản chiếu lên những đứa trẻ.
"Vì vậy, trước khi lên tiếng đấu tranh vì bất cứ điều gì mà chúng ta cho rằng là tốt cho đứa trẻ hãy nhớ giáo dục khác với những lĩnh vực khác. Những đứa trẻ còn đang loay hoay trên con đường định hình nhân cách, chỉ cần một cú huých nhẹ sẽ khiến chúng chuyển từ yêu sang ghét, từ kính trọng sang thiếu tôn trọng. Hãy luôn dạy cho bọn trẻ hiểu: rộng lượng và vị tha là con đường", cô Thảo cho hay.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo chụp ảnh cùng học sinh của mình |
Nắm bắt và hiểu tâm lý của học sinh
Đánh giá về hành vi ứng xử của nhóm học sinh lớp 7 tại Tuyên Quang, cô Phùng Diệu Linh (Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Tham vấn Tâm lý và Giáo dục Sunrise) bày tỏ cảm xúc buồn xen lẫn sự hoang mang và bức xúc khi chứng kiến những hành động thiếu tôn trọng giáo viên, tôn trọng nghề giáo. Hành động này của học sinh, theo cô Linh đánh giá là đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực giữa thầy cô và học trò, các giá trị đạo đức về “tôn sư trọng đạo”.
Theo chia sẻ của cô Phùng Diệu Linh, nền giáo dục hiện nay rõ ràng đang có những đổi mới, trong đó phương pháp lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát huy sự chủ động, khả năng tiếp thu và thực hành của học sinh. Tuy nhiên, phương pháp này không cổ xúy cho những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Ngày nay, với việc mở rộng việc dạy và tăng cường kỹ năng sống, học sinh nhận thức rõ hơn về quyền của mình, đây là những khía cạnh tích cực. Mặt khác, học sinh vẫn luôn cần nhận thức rõ về trách nhiệm của mình, cũng như học cách hành xử văn minh, tôn trọng đối với mọi người. Điều này muốn làm tốt cần ứng dụng những chương trình về học tập cảm xúc xã hội hoặc các hoạt động tâm lý học đường để giúp các em có sức khoẻ tinh thần, cảm xúc lành mạnh.
Cô Phùng Diệu Linh nhấn mạnh: "Việc nắm bắt và hiểu tâm lý của học sinh là điều rất quan trọng" |
“Tôi nghĩ, trong quá trình giảng dạy, bất kỳ giáo viên nào cũng đã từng gặp những trường hợp học sinh có hành vi sai phạm. Trước những hành vi này, việc nắm bắt và hiểu tâm lý của học sinh là điều rất quan trọng. Bởi ở mỗi giai đoạn, các em sẽ có những thay đổi về tâm lý, cảm xúc và nhận thức khác nhau. Sau đó, lắng nghe và nhận diện nhu cầu của học sinh để hiểu rõ xem trong tình huống đó, học sinh đang mong muốn, từ đó đồng hành, làm bạn và định hướng các em”, cô Linh cho biết.
Cụ thể, thầy cô hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên. Vì vậy, chúng ta hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.
Giờ học chỉ là một phần cuộc sống của đứa trẻ, đừng làm cho giờ học gò bó và cứng nhắc. Qua mỗi giờ học, học sinh cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Giáo viên không cần che giấu tình cảm của mình với học sinh, nhưng phải tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài học sinh nổi bật. Thầy cô hãy là người phát hiện những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi học sinh để phát triển chúng.
“Tôi mong các thế hệ giáo viên hãy cố gắng sống hết mình với nghề giáo, dạy dỗ những đứa trẻ trưởng thành", cô Linh bày tỏ.