Hà Nội đặt mục tiêu 100% các trường học có phòng y tế riêng
Hơn 196.000 người lao động ở Hà Nội được giải quyết việc làm Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực năm 2024 |
Theo Kế hoạch liên ngành do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, mục tiêu về y tế học đường trong năm học 2024-2025 là tăng cường công tác truyền thông về dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Sở GD-ĐT đặt ra 10 chỉ tiêu về Y tế học đường mà các cơ sở giáo dục, địa phương toàn Thủ đô cần thực hiện. Cụ thể: 100% quận huyện, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học. 100% trường học và các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh; 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng Y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị theo quy định; phấn đấu 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở Y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác Y tế trường học hoặc có nhân viên Y tế trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế; 100% trường học và các cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất trường, lớp, khu tập luyện thể thao, trang thiết bị dạy và học.
100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông, tư vấn các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh theo các chủ đề khác nhau và phù hợp lứa tuổi.
100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm. 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.
Ảnh minh họa |
100% trường học và các cơ sở giáo dục thường xuyên theo dõi sức khỏe phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường. 100% các trường hợp mắc tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học được sơ cấp cứu kịp thời.
100% trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi; phối hợp với Y tế địa phương xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, không để xảy ra ổ dịch lớn. Toàn bộ các trường học thường xuyên khử khuẩn, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời các trường học phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh và phối hợp tổ chức thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung, nhắc lại các loại vắc xin phòng bệnh khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, UBND Thành phố.
100% quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại trường học phù hợp tình hình thực tế tại địa phương như mô hình điểm về truyền thông, tư vấn giáo dục sức khoẻ; mô hình điểm can thiệp về dinh dưỡng, kiểm soát sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học đặc biệt là khu vực nội thành; điều tra, can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh tật, rèn luyện thể lực nâng cao sức khỏe; mô hình điểm phòng chống, giảm thiểu tỷ lệ mắc một số bệnh, tật học đường; mô hình điểm phòng chống tai nạn thương tích; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học... góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, nâng cao sức khỏe học sinh.
Phấn đấu 100% học sinh đang theo học tại các trường học, cơ sở giáo dục tham gia Bảo hiểm Y tế.
100% các trường học, cơ sở giáo dục được kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác Y tế trường học theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.