Những điều đừng bao giờ làm trên đường về quê ăn tết!
Chàng trai tốt nghiệp trường tốp, bỏ thành phố về quê làm nông 9X bỏ việc an nhàn về quê chế biến gạo, thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm Tâm sự buồn của tay cò đất về quê ăn Tết sớm với mẹ |
Ai cũng mong được về quê ăn tết, đoàn tụ với gia đình sau một năm vất vả nơi xứ người. Nhưng làm sao để có hành trình về quê an toàn, nhất là nhu cầu đi lại cuối năm rất lớn, dịch Covid-19 vẫn rất nguy hiểm và không thể chủ quan?
Khởi hành vào “giờ vàng”
Dù bạn trẻ chọn phương tiện về quê ăn tết là phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô riêng), hay phương tiện công cộng (xe buýt, xe khách, tàu hỏa, máy bay) thì những lời khuyên của những người có kinh nghiệm và các chuyên gia y tế sẽ rất quan trọng.
Anh Nguyễn Hùng Thảo, 32 tuổi, trú ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Đức Tây, H.Cái Bè, Tiền Giang, thường năm nào cũng rời TP HCM về quê ăn tết vào ngày 28 tháng chạp bằng xe máy. Những ngày này đường phố TP HCM rất đông đúc vì là ngày nghỉ của các cơ quan, công ty, mọi người đổ xô ra các cửa ngõ thành phố, chở nhiều hành lý về quê. Anh Thảo cho hay kinh nghiệm, hoặc chọn giờ thật sáng sớm hoặc buổi trưa hẳn mới chạy xe, không đi vào các giờ vàng như 7 giờ hay 8 giờ vì lúc này là lúc đường phố rất đông, tắc đường rất dài.
“Bạn nên giữ sức khỏe từ tối hôm trước, đừng ham uống rượu, bia tất niên đêm hôm trước sẽ mệt mỏi, vẫn còn cồn trong máu, lái xe sáng sớm hôm sau sẽ rất nguy hiểm. Đường về quê ăn tết sẽ đông hơn hẳn ngày thường nên bạn hãy chạy xe chậm. Lái xe đường xa nếu bạn mệt quá nên nghỉ ở quán võng ven đường. Đường về miền Tây có đặc điểm là đường hẹp, nhiều xe lớn, nên chạy sát lề, tốc độ thấp. Không chở hành lý cồng kềnh, xe dễ mất lái”.
Không mang khẩu trang
Anh Nguyễn Hải Hưng, 37 tuổi, Phó Giám đốc dịch vụ, Công ty TNHH Toyota Quảng Ninh - Cẩm Phả, cho biết cách đây mấy ngày anh có chuyến đi công tác tại Đà Nẵng và trở về tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng và thấy mọi người tuân thủ 100% đeo khẩu trang, từ phi hành đoàn tới hành khách để phòng tránh dịch Covid-19.
“Khi bước lên máy bay, các tiếp viên hàng không đều giúp hành khách rửa tay bằng cồn sát khuẩn. Mọi người đều có ý thức giữ khoảng cách lúc chờ đợi và lên máy bay, không nói chuyện, ăn uống tại nơi công cộng”, anh Hưng cho biết.
Theo anh Hưng, khi về quê ăn tết bằng phương tiện công cộng, dù là xe khách hay máy bay cũng lưu ý, những việc không nên làm là: bỏ quên khẩu trang, bỏ quên nước rửa tay sát khuẩn, dùng chung chai nước/dụng cụ ăn uống, ngồi ăn uống nơi công cộng, tập trung đông người ngồi nói chuyện.
Quên giữ khoảng cách
Trần Đình Thành, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Học viện Biên phòng, người sẽ di chuyển bằng máy bay từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) về sân bay Phú Bài (Huế), sau đó di chuyển bằng xe khách về quê nhà Quảng Trị cho biết trước tết anh đã lên phương án đi về quê ăn tết an toàn.
“Tôi nghĩ mỗi người cần nghiêm túc những khuyến cáo phòng dịch của Chính phủ, nội quy sân bay và thực hiện khai báo y tế trước khi về đến địa phương. Phải luôn đeo khẩu trang y tế, kính mắt, hay đồ bảo vệ để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Trong quá trình di chuyển, cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người và giữ đúng khoảng cách chống dịch Covid-19, tránh xa những người có dấu hiện ho, sốt và có triệu chứng của dịch Covid19.
Và một điều hết sức quan trọng nữa là việc chuẩn bị 1 chai nước sát khuẩn nhỏ để sử dụng trong quá trình đi để khử trùng vệ sinh cá nhân hay chỗ ngồi ở ghế máy bay, và sử dụng các ứng dụng như Bluezone để biết những khu vực có dịch.
Lúc về đến nhà, mặc dù là lễ tết nhưng tôi nghĩ nên hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, chấp hành đúng quy tắc phòng dịch để đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện bản thân có triệu chứng ho sốt hay vấn đề nào khác, cần đến ngay cơ quan y tế để chuẩn đoán kịp thời”, Thành cho hay.
Tài xế, người điều khiển phương tiện công cộng thì ghi nhớ điều gì?
Cuối năm âm lịch, nhu cầu mua sắm tăng cao, người dân các tỉnh thành đổ về quê ăn tết đông đúc, nhu cầu đi các phương tiện công cộng như xe khách, xe buýt, phà, tàu hỏa, máy bay… rất cao. Trước bối cảnh đó, mới đây, Bộ Y tế thực hiện buổi tọa đàm “An toàn giao thông công cộng trong mùa dịch Covid-19”.
Tại chương trình, ông Trần Văn Thành, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế khuyến cáo người điều khiển phương tiện giao thông công cộng, trước và trong ca làm việc đều phải tuân thủ quy định an toàn phòng chống dịch. Người điều khiển phương tiện giao thông phải theo dõi tình hình sức khỏe của mình, nếu trước ca làm việc phát hiện mình ho, sốt… phải báo cáo.
Người điều khiển xe cũng cần phải chuẩn bị nước uống riêng, khẩu trang, khăn giấy riêng, quần áo dùng riêng. Trong khi làm việc phải bắt buộc phải đeo khẩu trang theo đúng quy định, dùng xong khẩu trang phải bỏ vào thùng rác, giữ gìn vê sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, giữ sức khỏe, nhất là trong lúc miền Bắc đang rất lạnh.
Trên phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách, khuyến khích tăng cường dùng không khí tự nhiên, không dùng điều hòa. Không vận chuyển khách mang theo động vật hoang dã. Nếu đang ca làm việc thấy mình có biểu hiện bị sốt, khó thở, hoặc thấy hành khách có vấn đề thì phải báo cáo.
Kết thúc ca làm việc cần khử khuẩn phương tiện, bỏ túi chứa rác sử dụng trong quá trình vào thùng rác. Không nên mặc quần áo trong quá trình đi làm về nhà mà phải bỏ riêng đồ này vào một túi riêng, giặt sạch.
Với hành khách tham gia giao thông, ông Trần Văn Thành, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cũng khuyên mọi người trên đường về quê ăn tết, sử dụng các phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang trong toàn bộ hành trình, dùng dung dịch sát khuẩn, không chạm tay lên mắt mũi miệng, hạn chế tiếp xúc bề mặt phươg tiện công cộng… Tại nhà ga, bến xe, tàu bay không nói chuyện, không ăn uống, không khạc nhổ…. Phải giữ khoảng cách với những người xung quanh, giữ vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và môi trường…