Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà

Đó là khẳng định của nghệ nhân trẻ Đinh Văn Hậu. Tuy Tuổi đời còn khá trẻ nhưng nghệ nhân sinh năm 1985 đã có tới 20 năm gắn bó với công việc nặn “con giống bột” truyền thống. Giờ đây, anh Hậu đang dồn hết tâm huyết vào việc phát triển và truyền nghề truyền thống cho các thế hệ sau.
Hà Nội: 11 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân Gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II "Đặc sản" mùa SEA Games: Nghệ nhân sơn mài làm linh vật sao la bằng gỗ mít

Sinh ra từ làng

Anh Hậu sinh ra và lớn lên tại làng nghề nặn con giống bột truyền thống (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã được ông ngoại chỉ dạy việc nặn con giống. “Nhìn người lớn làm những con giống đủ sắc màu, ngồi cạnh bắt chước làm theo, từ đó tôi biết làm lúc nào không hay”, anh Hậu chia sẻ.

Nhớ về những ngày đầu làm nghề, anh Hậu chỉ nghĩ đơn giản, đây là công việc của các cụ truyền lại, biết đâu sau này có thể phát triển. Nhưng khi được ông ngoại dẫn dắt, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, chàng thanh niên đã nhận ra, đây là một nghề truyền thống mang giá trị văn hóa rất lớn.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cùng những sản phẩm của mình

Chập chững theo ông ngoại đi nặn tò he từ năm 2001, hành trình làm nghề của vị nghệ nhân không đếm xuể những kỷ niệm. Mỗi ngày đi làm, không chỉ nhận tiền công từ việc bán những con giống, chàng trai Đặng Văn Hậu cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười em thơ, nhận về nhiều trải nghiệm khó quên trong mỗi địa điểm anh tới trưng bày.

“Nghề nặn tò he là một nghề quý giá. Nghề đã nuôi sống cả làng qua những năm tháng khó khăn. Nhưng hơn thế, điều làm những người con Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng”, anh Hậu khẳng định.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Nghệ nhân trẻ luôn luôn khát khao đưa những con giống đi xa hơn

Chính tình yêu nghề đã thôi thúc nghệ nhân Đặng Văn Hậu tìm ra những giải pháp để nghề có thể “sống”, từ đó tryền nghề cho thế hệ sau đi theo và phát triển. Trên hành trình đó, nghệ nhân trẻ đã vượt qua nhiều thách thức để nghề nặn tò he tìm được một “chỗ đứng” vững chắc.

Nghề làm tò he không còn mang tính mùa vụ

Nhiều người trẻ đặt ra băn khoăn, nghề làm tò he chỉ có thể làm vào các mùa lễ hội, đến các triển lãm, hội chợ,… Điều này khiến nó trở thành một công việc thiếu tính ổn định.

Giải đáp tâm tư các bạn trẻ, nghệ nhân Đặng Văn Hậu khẳng định, điều đó đúng, nhưng là đúng với thời điểm nhiều năm trước. “Nghề ngày xưa là làm theo thời vụ. Khi mùa xuân, có lễ hội hay mùa hè, học sinh nghỉ hè thì các nghệ nhân mới nặn các con giống. Còn những ngày nông nhàn thì không có việc.”, anh Hậu cho biết.

Theo nghệ nhân sinh năm 1985, lý do là bởi bột ngày xưa làm xong chủ yếu để trẻ con chơi, sau đó ăn. Loại bột này cũng rất dễ hỏng sau một thời gian. Chính vì vậy, các nghệ nhân không có thể làm trước từ nhà hoặc làm sẵn. Do đó, những mùa lễ hội sẽ không có đồ để bán kịp nhưng những ngày nông nhàn thì lại chơi.

Giải quyết vấn đề đó, anh Hậu đã tìm kiếm cách thức sáng tạo một loại bột có thể giữ được lâu hơn, bền hơn nhằm phục vụ cho những ngày nông nhàn của các nghệ nhân. “Sau nhiều nỗ lực, tôi phát triển được chất bột mới có nhiều cải tiến, giúp con giống có thể lưu giữ được lâu hơn hoặc nặn trước con giống cả tuần, rồi để thời gian dài mà không hề bị biến đổi màu sắc, chất lượng.”, nam nghệ nhân cho biết.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Loại bột được anh Hậu phát triển đã mở ra một giai đoạn mới cho nghề nặn tò he

Nguyên liệu được đảm bảo, anh Hậu hướng tới nâng cao giá trị nghệ thuật của sản phẩm lên để phù hợp với nhiều lứa tủôi khách hàng hơn. Theo nghệ nhân làng Xuân La, việc này, các bạn trẻ có thể làm tốt hơn rất nhiều.

Với sức trẻ, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo lớn, người trẻ có thể thiết kế thêm nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng để phù hợp cho cả những nhà sưu tập, những khách hàng mua đồ để trưng bày, trang trí hoặc làm quà tặng,… Việc này có thể diễn ra quanh năm.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Nhiều em bé hào hứng với hoạt động nặn tò he tại các workshop của nghệ nhân Đặng Văn Hậu

“Chúng ta không bao giờ lo đến kinh tế nếu làm đúng cách và có tâm huyết”

Đó là lời khẳng định của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu gửi tới các bạn trẻ có định hướng theo nghề truyền thống nhưng đắn đo về mức thu nhập nó mang lại. Tiền bạc được coi là một trong những động lực quan trọng giúp người trẻ phấn đấu trong quá trình lập nghiệp.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Người trẻ hoàn toàn yên tâm khi theo nghề truyền thống khi đủ tâm huyết, đam mê, kiên trì

“Làm nghề tò he cũng có thể xây được nhà, sắm được ô tô, nuôi được gia đình. Có thể nó không quá khá giả. Nghề gì cũng vậy, nếu chúng ta yêu nghề, tâm huyết với nghề thì chúng ta sẽ tìm cách để nó có thể phát triển được. Nghề còn sống tức là mình còn sống.”, nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ.

Nối dài sự sống của những con giống, anh Hậu luôn tìm kiếm những bạn trẻ để truyền nghề. Trên hành trình đó, nam nghệ nhân tâm sự “Nhiều người biết nặn tò he. Nhưng không phải ai nặn cũng đẹp. Thực tế, việc tìm kiếm những người trẻ chịu dành công sức, thời gian dài theo nghề rất khó”.

Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà
Lớp học tại quê nhà của nghệ nhân Đặng Văn Hậu

Ngoài thời gian sản xuất, anh Hậu cũng mở lớp dạy nghề cho trẻ em trong vùng. Đối tượng lớp học này là học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Quá trình đào tạo, tôi phải ngồi kèm từng ly từng tý. Các bạn ấy dù giỏi nhưng phải mất nhiều năm mới có thể thành thục được. Nhiều bạn đã bỏ dở giữa chừng.

Với những bạn trẻ có niềm đam mê với nghề này, nghệ nhân sinh năm 1985 khẳng định: “Phải bỏ vào đó tâm huyết, thời gian, công sức thì các bạn mới có thể gặt hái được thành công. Quả ngọt này có thể đến muộn nhưng sẽ không làm các bạn thất vọng!”.

Khánh An
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động