Founder’s Friday EP 5: Cân bằng - Bí quyết “giữ lửa”

Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng

Được mọi người nhắc đến một cách đầy trìu mến với danh xưng “doanh nghiệp tử tế, hạnh phúc”, Tòhe đã lan tỏa sự hồn nhiên, trong sáng và niềm vui đến những em nhỏ thiệt thòi qua việc tạo ra một sân đầy nghệ thuật sáng tạo.
Chuyện về người đi gieo hạt ước mơ Cộng đồng trách nhiệm trong giám sát bữa ăn học đường

17 năm với hành trình lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng là chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân sự Tòhe. Founder’s Friday đã có dịp trò chuyện cùng anh Nguyễn Đinh Nguyên - Founder của Tòhe với những góc nhìn sâu sắc về hành trình và bí quyết then chốt giúp “giữ lửa” doanh nghiệp xã hội nổi bật này.

Hành trình khởi nghiệp Tòhe đã diễn ra như thế nào, thưa anh?

Tòhe được thành lập vào năm 2006. Thời điểm ấy khái niệm “doanh nghiệp xã hội” chưa phổ biến và Tòhe ra đời chỉ đơn giản là một dự án cộng đồng. Lần tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật tại Thụy An, Ba Vì cùng những người bạn đồng sáng lập Tòhe để tổ chức các hoạt động nghệ thuật và vẽ tranh cho các em nhỏ vào cuối tuần đã giúp cả nhóm hiểu thêm về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cũng như tinh thần và những mong ước giản dị của các em. Khoảng thời gian này, mình cũng đã thu thập được khoảng 4.000 bức tranh của các em nhỏ qua những chuyến thiện nguyện, triển lãm tranh và các cuộc thi hội họa.

Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng
Anh Nguyễn Đinh Nguyên - Founder Tòhe tại Founder’s Friday

Trong chuyến thăm bảo tàng Picasso tại Barcelona, có một câu nói nổi tiếng của danh họa người Tây Ban Nha khiến mình vô cùng tâm đắc: “Tôi mất 4 năm để có thể vẽ được như Raphael, nhưng phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. Để có được kỹ thuật siêu việt của bậc thầy Phục hưng đối với Picasso không khó, nhưng để có được một cái nhìn hồn nhiên, chân thật của trẻ thơ thì cần một quá trình dài lâu.

Trẻ em nhìn mọi việc bằng sự cảm thụ, “thấy” vạn vật trong trí tưởng tượng của mình và khắc họa trên trang giấy một cách vô tư, tự nhiên. Đó là hành vi sáng tạo đúng nghĩa nhất khi các bé được quyền tự do thể hiện xúc cảm và trí tưởng tượng trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa với đặc thù vốn trừu tượng. Với người lớn, đôi khi để tìm lại tinh thần ấy không hề dễ dàng bởi trí tưởng tượng thường bị lấn át bởi lý trí qua những trải nghiệm trên hành trình trưởng thành.

Khi hiểu thấu câu nói của Picasso, mình chợt nhận ra điều mà danh họa luôn tìm kiếm tình cờ anh lại đang có rất nhiều - những bức vẽ chứa đựng tinh thần tự do, bất quy tắc, trong sáng được tạo ra từ “những họa sĩ nhí thực thụ”. Ý tưởng thành lập Tòhe được ra đời một cách tự nhiên như thế.

Trở về Việt Nam, mình thử nghiệm in tranh lên sản phẩm quà tặng, lợi nhuận từ việc bán những sản phẩm này được trích một phần cho các bạn nhỏ. Dù vậy, việc đưa tranh vẽ của các em nhỏ tiếp cận đến thị trường đại chúng là thách thức cực khó đối với đội ngũ Tòhe. Hầu hết mọi người nhìn tranh của trẻ em và thường cho rằng những bức tranh ấy chưa thực sự đẹp bởi chỉ đơn thuần là những nét vẽ “nguệch ngoạc” và “ngốc nghếch”, rất ít người nhận định ấy là một vẻ đẹp. Bởi vậy, khi đưa sản phẩm ra thị trường chỉ một lượng nhỏ người quan tâm và ưa chuộng phong cách đó. Hành trình thương mại hóa sản phẩm của Tòhe theo đó trở nên đầy thách thức.

Bí quyết “giữ lửa” cho doanh nghiệp sau 17 năm khởi nghiệp của anh là gì?

Hành trình khởi nghiệp Tòhe của mình luôn có đội ngũ đồng hành tuyệt vời. Có những lúc mình cảm thấy “mất lửa”, không còn động lực tiếp tục, chênh vênh không biết con đường Tòhe đang đi liệu có đúng đắn không? Những hoạt động Tòhe tạo ra liệu có thực sự cần thiết? Liệu có nên tiếp tục duy trì Tòhe không khi mô hình kinh doanh hiện tại không đem lại lợi nhuận và chẳng khác nào “cỗ máy đốt tiền”? Thời điểm áp lực và bế tắc nhất, mình tâm sự với nhân viên của mình về những trăn trở, những câu hỏi mình chưa có lời giải đáp bấy lâu nay. “Tòhe thực sự đáng để làm” chính là câu trả lời cho của những người đồng đội tại Tòhe, trở thành nguồn động lực giúp mình tiếp tục quyết tâm phát triển Tòhe theo định hướng mới.

Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng

Tòhe may mắn khi có đội ngũ nhân sự làm việc rất lâu. Có những bạn đồng hành từ những ngày đầu, cũng rất nhiều bạn gắn bó với Tòhe khoảng 9 - 10 năm. Những con người đến đây đều thấy Tòhe là một điều gì đó rất đẹp đẽ và đáng để duy trì. Đó cũng là một trong những động lực khiến mình thấy mình có lý do để tiếp tục chiến đấu.

Mình tin rằng “văn hóa” là yếu tố quan trọng nhất, là mạch nguồn tinh thần vô hình gắn kết mọi người, khiến họ yêu quý và mong muốn gắn bó với công ty. Với Tòhe, “hồn nhiên” là tôn chỉ được chúng mình luôn thực hiện.

Mình luôn mong muốn có thể tạo môi trường làm việc vui vẻ, trong sáng. Những người đến với Tòhe có thể tìm được “mảnh đất” để sống thật với bản thân - điều không dễ tìm kiếm trong bối cảnh kinh doanh thông thường. Tòhe thường xuyên tổ chức hoạt động “đi lớp” tại văn phòng, workshop, sự kiện hợp tác với các thương hiệu hoặc tại các trung tâm dành riêng cho trẻ em kém may mắn. Việc trực tiếp giao lưu và giảng dạy khiến nhân sự Tòhe học hỏi được nhiều điều từ chính các em nhỏ.

Có thể ở ngoài kia, những bạn nhỏ không may bị khiếm khuyết, có hoàn cảnh khó khăn thường được coi là nhóm yếu thế hơn, tuy vậy với góc nhìn của Tòhe, các bạn ấy lại “dạy” người lớn chúng ta nhiều điều. Những suy nghĩ và hành động vô tư, hồn nhiên của các em nhỏ khiến chúng ta chiêm nghiệm, học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân để sống tốt hơn mỗi ngày, thêm động lực giúp đỡ và trao đi giá trị tích cực đến cộng đồng.

Tại Tòhe, từ đội ngũ sáng lập đến nhân viên đều không ngần ngại thể hiện những yếu điểm của mình. Mọi người thẳng thắn đối diện và chấp nhận sự thật rằng không ai hoàn hảo, mình luôn có những hạn chế, điểm yếu nhất định. Môi trường ở đây luôn đón nhận những điều ấy khi mọi người có thể là bất cứ ai, không bị phán xét và đánh giá. Ai cũng có những phẩm chất rất khác biệt, nhưng về cơ bản dù khác nhau đến đâu thì đều được đón nhận và chấp nhận tại Tòhe. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hướng tới sự tự do cá nhân. Đó là lý do khi đã làm việc ở Tòhe, nhân sự thường khó có thể tìm được doanh nghiệp nào tương tự bởi văn hóa khác biệt nơi đây.

Theo anh, người sáng lập đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình hình thành văn hóa doanh nghiệp?

Nhân sự sẽ nhìn vào người lãnh đạo để học tập và soi chiếu. Với mình, việc quan tâm đến cộng đồng là phải trên một tinh thần chân thành. Khi mình tích cực hoạt động cộng đồng, mình thực sự thấy vui, có động lực với việc ấy và mong muốn làm “thật tâm”.

Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng

Mình rất thích “tinh thần hồn nhiên” và “thật tâm”, muốn sống với tinh thần ấy. Cảm nhận và thấu hiểu tấm lòng chân thành, tư duy cùng phong cách sống, làm việc của người sáng lập, nhân viên chắc chắn sẽ tạo dựng trong mình niềm tin đối với chính doanh nghiệp đó. Chuyện tin tưởng nhau đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành văn hóa tổ chức, đưa tổ chức vươn xa và phát triển bền vững hơn trước những biến động của thị trường kinh tế thế giới.

Quan điểm của anh về “cân bằng cuộc sống” là gì?

Ngày nay, nhiều bạn trẻ thường rơi vào trạng thái tâm lý “mất cân bằng cuộc sống”, đối với mình, đây là chuyện rất bình thường và là đặc tính thế hệ. Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về trạng thái cân bằng cũng như sẽ có những cách thức khác nhau để đạt được trạng thái ấy.

Sự cân bằng cần được đặt trong bối cảnh nhất định với những đối tượng cụ thể. Với mỗi giai đoạn trong cuộc đời, mình luôn có những cách khác nhau để cân bằng cuộc sống sao cho phù hợp với điều kiện khi ấy. Đến thời điểm hiện tại, việc cân bằng giữa các yếu tố công việc và gia đình là vô cùng cần thiết. Mình cũng ý thức việc này thường xuyên hơn và luôn cố gắng từng ngày để làm việc theo hướng hài hòa giữa các yếu tố ấy một cách thường trực, phân bổ thời gian hợp lý đề hướng sự tập trung của mình vào những điều quan trọng.

Mỗi chúng ta cũng nên “tỉnh táo” khi nhìn nhận và thẳng thắn đối diện với nhu cầu của bản thân vì không có công thức nào để đạt sự cân bằng tuyệt đối. Mỗi cá nhân độc lập với những nhu cầu hoàn toàn khác biệt trong bối cảnh tình huống không giống nhau.

Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng

Mình nghĩ rằng việc cân bằng sẽ diễn ra rất tự nhiên và luôn có chu trình lặp lại trạng thái này. Mọi việc có xu hướng tự cân bằng, đôi khi chúng ta chỉ cần tinh tế, nhạy bén quan sát và ý thức điều đó. Tuy vậy, việc dừng lại quan sát cũng rất tự nhiên.

Sau khoảng thời gian làm việc với 100% năng lượng và năng suất, sẽ có một khoảng chúng ta buộc phải dừng lại nghỉ ngơi để chiêm nghiệm nhiều hơn và có thêm thời gian nhìn nhận thực tế. Việc dừng lại quan sát mọi thứ đều rất tự nhiên. Nếu chưa xảy ra điều ấy thì chưa cần thiết và mình cần cố gắng nhiều hơn.

Mọi người ai cũng đang đi theo quỹ đạo vận động của riêng mình. Có thể ngoài kia ai đó đang lo lắng về sự thay đổi của thế giới, về sự mất cân bằng trong đời sống hàng ngày nhưng mình có niềm tin vào việc mọi thứ đang rất tốt, đang đi đúng tiến trình và tự khắc sẽ cân bằng một cách tự nhiên.

Thành Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động