Mạng xã hội cần những nhà sáng tạo nội dung có trách nhiệm
Một câu chuyện "mua" nước mắt?
Khởi đầu là một dòng trạng thái đăng bởi tài khoản facebook V. M.L chia sẻ về một vụ việc đáng buồn mà anh vừa trải qua cùng người yêu. Qua status, anh chàng thuật lại câu chuyện đi ăn phở cùng bạn gái. Khi tới nhà hàng, do là người khuyết tật nên người yêu có vào quán nhờ nhân viên đưa anh cùng chiếc xe lăn lên bậc tam cấp. Tuy nhiên, phản ứng của nhân viên khá thô lỗ khi đáp trả rằng: “Quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”.
Sau khi nhận được câu trả lời “phũ phàng”, cặp đôi đã quay xe đi ăn nơi khác. Sau khi đến một quán phở gà quen, Lâm và bạn gái như mọi lần vào ăn. Tuy nhiên theo lời anh chàng, chiếc xe lăn của anh có hơi chiếm chỗ và đã chen vào chỗ bà chủ ngồi. Theo anh kể, bà đã có phản ứng gay gắt đứng phắt dậy và nói khó nghe: “Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”…
L chia sẻ trên status, thời điểm đó, anh và bạn gái cảm thấy nghẹn cổ, khó nuốt sau khi nghe những lời miệt thị thô lỗ từ chủ quán. |
Anh L là chủ một kênh TikTok có hơn 249.000 lượt theo dõi. Trên trang cá nhân, L. thường xuyên chia sẻ video về cuộc sống hàng ngày, truyền cảm hứng và nghị lực sống đến cộng đồng. Sau khi nội dung này được đăng tải, bài đăng của L đã thu hút hàng chục nghìn lượt like, share và bình luận. Đầu tiên, cộng đồng mạng bày tỏ sự xót xa và đồng cảm với L, chỉ trích chủ và nhân viên hai quán phở thiếu tôn trọng với người khuyết tật. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, nhiều cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ vì concept (bố cục) và content (nội dung) của bài đăng “na ná” với một bài đăng khác trên mạng xã hội với mục đích marketing, quảng cáo sản phẩm.
Bài đăng của L rất giống với một bài đăng nội dung quảng cáo từng xuất hiện trên mạng xã hội trước đó |
Cộng đồng mạng đã tiến hành “check VAR” tính xác thực của nội dung trên. Nhiều bạn trẻ còn tìm đến quán phở được nhắc đến trong bài đăng của anh L thông qua clip TikTok mới nhất của anh. Qua trò chuyện và tìm hiểu, chủ quán phở “tá hỏa” khi biết thông tin L đăng tải trên trang cá nhân về câu chuyện tại quán. Bà khẳng định: “Tôi bán hàng không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật”.
Hình ảnh trích xuất từ camera quán phở cho thấy L và bạn gái đến dùng bữa tại quán |
Bà T.T.T. (73 tuổi, chủ quán phở) xác nhận vào trưa 11/1, bà chuẩn bị đổi ca thì có 1 cô gái đẩy anh L ngồi xe lăn đến quán và gọi 2 bát phở. Khi ăn, bà chủ cho biết, cặp đôi vẫn tươi cười và trò chuyện thoải mái với bà, không hề phàn nàn hoặc phản ánh gì.
"Tôi nói con có xe lăn thì ngồi bên kia cho rộng, uống 1 cốc nước thôi. Anh không nói gì, còn nhân viên của tôi nói vào được. Tôi hỏi nếu vào thì ngồi chỗ nào thì họ chỉ chỗ này. Mà lúc đó tôi đang để cái cân ở đây để cân hàng nên nói: "Chật thế này làm sao mà ngồi được. Bây giờ vắng thì thông cảm, chứ sáng khách đông thì ngồi thế này tôi không bán được, chỉ có bê qua quán cà phê gần đó ăn thôi"- bà T thuật lại sự việc.
Bà T cho biết, sau đó có nhắc nhân viên đẩy bàn lùi xuống để anh L. cùng bạn gái ngồi ăn. "Tôi không có ý đuổi. Chú hay ăn buổi tối của con dâu nhà tôi, tôi vẫn vui vẻ. Lúc về tôi còn bảo dẹp cái này cho chú ấy đi ra. Tôi già rồi, nếu tôi đối xử khách không tốt thì khách không đông như thế này" - bà chủ quán nói.
Theo hình ảnh, L và bạn gái ngồi ăn rất bình thường, vui vẻ. Cả hai còn quay video cập nhật trạng thái, đăng tải lên nền tảng TikTok. |
Không chỉ là lời xác nhận của chủ quán, nhiều nhân chứng và bằng chứng là video trích xuất camera an ninh của quán cũng cho thấy câu chuyện ngược lại so với những gì L đã nêu trên mạng xã hội. Qua hình ảnh camera ghi lại, không có chuyện chủ quán đứng dậy mắng nhân viên. Nhân viên quán phở thậm chí còn kéo gọn đồ để anh L di chuyển tiện hơn.
Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội đã vào cuộc để làm rõ vụ việc trên. Bà Vũ Hồng Hạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho biết: “Về vụ việc hiện tại của anh L, thanh tra Sở hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành xác minh thông tin và đưa ra hướng xử lý phù hợp”.
Thông tin sớm nhất sẽ được cập nhật trên chuyên trang Tuổi trẻ & Pháp luật.
Cần sự tỉnh táo của cộng đồng mạng
Trong thế giới hiện đại với sự bùng nổ thông tin, TikTok và các nền tảng xã hội khác đã nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất, đặc biệt là đối với giới trẻ, nhờ vào những video ngắn mang đến nội dung mới lạ và hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề về "nội dung bẩn" trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận từ lâu. Việc xuất hiện nhiều nội dung tiêu cực, không phù hợp, thậm chí là nhạy cảm và thiếu văn hóa từ các TikToker và YouTuber đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua.
Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng và mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích trong giải trí, học tập và kinh doanh. Tuy nhiên, tính chất đào thải cao của mạng xã hội đã khiến một số người sáng tạo nội dung "bẩn" để thu hút lượt theo dõi, bất chấp những hậu quả tiêu cực.
Không gian mạng ngày nay vẫn "ngập tràn" nội dung rác phản cảm |
Theo Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc đăng tải video có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu like, câu view có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, người đăng tải cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, bao gồm việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, trong trường hợp đăng tải nội dung nhạy cảm và xúc phạm, có thể áp dụng các biện pháp hình sự như quy định tại Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Nội dung bẩn" không chỉ là vấn đề của cộng đồng mạng, mà còn là một "virus" tác động tiêu cực đối với xã hội, đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận từ cộng đồng mạng, cơ quan quản lý, và các nền tảng mạng xã hội. Để kiểm soát "virus nội dung bẩn," người dùng cần chấp nhận trách nhiệm và sử dụng tính năng "Báo cáo" khi phát hiện nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, và người dùng mạng xã hội.
TikToker Nờ Ô Nô từng gây phẫn nộ sau loạt clip "giúp đỡ người nghèo" với những ngôn từ thô lỗ, xấc xược. |
Theo ý kiến của chuyên gia, không thể chấp nhận cách làm content “bẩn” để câu view. Nếu các nội dung được đăng tải một cách tùy tiện mà không có sự kiểm duyệt, thanh lọc kỹ càng sẽ gây ra tình trạng lan tỏa thông tin sai sự thật, bóp méo, hạ bệ danh tiếng cá nhân, tổ chức tập thể...
Sự thật đúng - sai về về status của V.M.L như thế nào sẽ phải chờ kết luận thanh tra chính thức của cơ quan chức năng. Song, từ những sự việc tương tự, người sử dụng mạng xã hội cần nhìn nhận khách quan và kiểm chứng tính xác thực của thông tin một cách cẩn thận. Mỗi người dùng mạng xã hội đều cần phát huy vai trò và trách nhiệm để xây dựng một không gian số tích cực, lành mạnh; Chia sẻ thông tin có trách nhiệm và giữ cho mạng xã hội trở thành một “đầu cầu” thông tin chính xác, nhanh chóng sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng.