Hãy đồng hành cùng con, đừng áp đặt

Xã hội càng hiện đại càng khiến khoảng cách cho sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái xa hơn. Không ít phụ huynh mất định hướng, không theo kịp sự phát triển của tâm sinh lý của con trẻ.
Nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa tại “Hội sách thiếu nhi - Hè vui khám phá”

Xúc động câu chuyện người đàn ông tay bị cuốn vào máy cắt lúa, vợ bị tật bẩm sinh khao khát kiếm tiền cho con “cái chữ”

Áp đặt là tạo khoảng cách cho con

TS. Nguyễn Chí Hiếu (Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford) cho rằng: “Ở nhiều gia đình ngày nay, con trẻ sẽ lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ, suốt cuộc đời con sẽ đi theo đúng kế hoạch mà gia đình đã định sẵn ngay từ ban đầu.

Cha mẹ có thể sao y cách học tập của một khuôn mẫu nào đó và bắt con phải làm theo. Từ đó, họ sẽ cảm thấy choáng ngợp và hoang mang không biết đâu là cánh cửa để giúp con tiếp cận lộ trình giáo dục đúng đắn”.

Xã hội càng hiện đại, khoảng cách thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa (ảnh minh hoạ)
Xã hội càng hiện đại, khoảng cách thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa (ảnh minh hoạ)

“Chúng ta dành rất nhiều thời gian để cố gắng cho con đạt được những điều này điều kia, vào trường này trường khác và chúng ta cứ nghĩ rằng cái đó là cái tốt”, cô Đàm Bích Thủy - Nguyên chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

Chị Vũ Thanh Hà hiện đang có con ở lứa tuổi teen chia sẻ: “Sự đầu tư sẽ tỉ lệ thuận với sự kỳ vọng của bố mẹ và tất cả những kỳ vọng ấy đã đặt hết lên vai của các con. Thậm chí ngay cả những ước mơ dang dở của chúng ta không làm được cũng đè nặng lên vai của các con”.

Nhiều cha mẹ có con nhỏ đang mất phương hướng khi đồng hành cùng con trên chặng đường học tập cho biết, bố mẹ nào cũng muốn các con vào môi trường tốt có sự phấn đấu lên thang điểm cao.

Bố mẹ nào cũng chạy đua, tất cả mọi người cố gắng tạo nên một đứa trẻ phải hoàn chỉnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không có cái sự thành công của người này giống người khác. Vậy chúng ta hãy dừng lại và tự hỏi có lý do gì chúng ta bắt buộc con mình đi giống con đường của bạn bên cạnh?.

Tháo gỡ nút thắt

Hiểu được vấn đề nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn đang loay hoay trong việc đi tìm lời giải cho những “nút thắt”, tìm hướng đi phù hợp và hoàn thiện hơn cho con đường học tập của con và sự đồng hành theo cùng của cha mẹ.

Với góc nhìn của một người đã trải qua giai đoạn này, chị Vũ Thanh Hà ở quận Cầu Giấy cho biết: “Cản trở lớn nhất là từ chính bản thân mình, mình bị ảnh hưởng bởi xung quanh rất nhiều. Chúng ta là trung bình cộng của 5 người mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất, vì thế, mình hãy lựa chọn những người bạn và môi trường đồng quan điểm giáo dục với mình”.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Làm trong môi trường giáo dục nhiều năm, cô Đàm Bích Thủy cho rằng: “Thực ra cái quan trọng nhất đối với một sinh viên là làm sao để cho các em tìm được một người thầy.

Đó không cần phải là người thầy giỏi nhất nhưng là người có đủ thời gian để ngồi xuống lắng nghe và trao đổi, cho sinh viên sự tin cậy để các em chia sẻ những ước vọng không dám nói với bố mẹ.

Thực tế đã chứng minh, giá trị gia đình là giá trị nền tảng và giá trị bên trong của một đứa trẻ là giá trị cốt lõi làm cho con có thể trưởng thành và lớn lên. Đôi khi, cha mẹ nghe con không phải để đánh giá mà lắng nghe chỉ để biết thì bản thân sẽ mang một tâm thế khác”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cái mình cần bồi đắp cho các con chính là tình cảm gia đình, đồng hành cùng với con, tạo cơ hội tham gia nhiều trải nghiệm học tập thực tế. Chính những cái trải nghiệm đó cho bạn tinh thần ham học hỏi, tạo ra giá trị kết nối cho mình với con.

Đồng hành giáo dục với con thực sự là một cuộc đua marathon, nếu mình chia nhỏ được những bước đi và nhịp thở thì các con sẽ đi bền và không bị áp lực.

Chúng ta sẽ không nhìn ra được áp lực của con nếu chúng ta không dành đủ thời gian cho đứa trẻ đó. Cha mẹ hãy dành thời gian quan sát và trò chuyện với con để biết khi nào chạm đến giới hạn của đứa trẻ, từ đó chúng ta biết cách dừng lại một chút để “thở”.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động