Hàng loạt trường nghề vượt chỉ tiêu tuyển sinh
Bỏ đại học vì đam mê nghề
Lê Thị Huyền (thôn Diên Lộc, xã Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh) là học sinh giỏi suốt 3 năm THPT, tốt nghiệp với số điểm rất cao (26 điểm), nhưng cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn lại chọn học nghề, đăng ký ngành cơ điện tử. Huyền tâm sự: "Học nghề hay đại học với em không quan trọng, quan trọng là em được học đúng ngành em thích và ra trường có thể có cơ hội tìm kiếm một việc làm tốt".
Ông Lê Văn Cường - bố của Lê Thị Huyền cho biết, ông khá tự hào trước quyết định của con gái. Ông Cường nói: "Tôi cảm thấy vui mừng vì cháu đã trưởng thành hơn, biết lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân chứ không chạy theo bằng cấp. Chỉ cần cháu thích, cháu quyết tâm thì cháu học gì gia đình cũng luôn ủng hộ".
"Năm 2020, mục tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước là 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng đạt 580.000 người, còn lại là trình độ sơ cấp và các chương trình khác. Mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng đến thời điểm này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển được hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái". Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp |
Ông Cường cũng nhận thấy, việc con gái theo học trường nghề sẽ rút ngắn thời gian theo học, đồng thời việc cháu được nhận học bổng cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền kha khá cho gia đình ông. Vợ chồng ông làm nông nghiệp nên kinh tế khá khó khăn.
Nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm
Những năm gần đây, việc lựa chọn học nghề hay học đại học không còn là trăn trở của nhiều học sinh. Học sinh học nghề ra trường có việc làm ngay, cơ hội việc làm ngoài nước cũng rộng mở - đó là những yếu tố thu hút học sinh vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội lớn cho trường nghề tuyển sinh.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, năm học 2020-2021, trường đã tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, chỉ tiêu của nhà trường là 1.000 học sinh nhưng đã tuyển vượt hơn 100 em. Tỷ lệ học sinh đăng ký có chất lượng đầu vào cao. Trong số học sinh đăng ký học nghề tại trường có 1/3 là học sinh (hơn 300 em) có điểm đầu vào ở mức khá cao, từ 15-26 điểm, đặc biệt 8 em có điểm từ thi tốt nghiệp THPT 24-26 điểm.
"Trường đang thực hiện tư vấn để các em lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng, sự yêu thích của bản thân. Chúng tôi đang hướng các em tới các ngành học chất lượng cao như: Điện tử, cơ khí, cơ điện tử. Học những ngành này học sinh có thể được ký cam kết giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp" - ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, ngay từ đầu năm học, trường đã hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, theo đó thực hiện ký cam kết 3 bên giữa nhà trường - doanh nghiệp - học sinh. Học sinh theo học ngành chất lượng cao được các công ty hỗ trợ việc làm, thậm chí sẽ được đi học tiếp, làm việc tiếp ở nước ngoài.
Không riêng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, năm học 2020 -2021 cũng là năm thành công trong công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ngay trong đợt đầu nhập học, trường đã đón nhận hơn 700 học sinh.
Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, nhiều học sinh theo học các ngành học công nghệ cao của trường được học nghề theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc tế.
Hiện nay, trường đang đào tạo 3 ngành công nghệ cao và đã kết hợp với Vingroup đào tạo ngành công nghệ ôtô. Thời gian đào tạo được chia đều ra tại cả doanh nghiệp và tại trường. Học sinh tốt nghiệp sẽ được làm việc tại doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho rằng: "Nhờ làm tốt công tác truyền thông, nhận thức người dân, cộng đồng đã có những thay đổi. Từ đó, tỷ lệ lao động tham gia học nghề ngày một tăng. Điều này đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng tay nghề cao hơn cho thị trường lao động trong nước và quốc tế".