Hải Dương: Đón gần 24 vạn lượt khách dịp Tết Quý Mão 2023

Trong 5 ngày (mùng 1 - 5 ) Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, một số di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Hải Dương đón khoảng 23,7 vạn lượt khách tới tham quan, chiêm bái và giải trí.
Hải Dương: Đầu năm đến thăm đền Bia để xin lộc, cầu sức khỏe Hải Dương: Hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất Kinh Môn

Chiều 26/1, thông tin từ đại diện Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và các huyện, thị xã, thành phố, xã Chi Lăng Nam cho biết, lượng khách tăng mạnh so với các năm trước.

Hải Dương: Đón gần 24 vạn lượt khách dịp Tết Quý Mão 2023
Các du khách đi lễ đầu năm tại đền Bia (Cẩm Giàng, Hải Dương).

Tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hơn 100.000 lượt khách; các di tích khác ở Chí Linh như đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, đền Sinh, đền Hoá, đền Cao An Lạc đón khoảng 48.000 lượt khách, đều tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022.

Các di tích trọng điểm ở thị xã Kinh Môn đón khoảng 60.000 lượt khách, tăng hơn 50%; các di tích ở huyện Cẩm Giàng cũng đón khoảng 25.000 lượt khách, tăng 50%; Khu du lịch đảo Cò (Thanh Miện) đón khoảng 4.000 lượt khách, tăng khoảng 30%…

Bên cạnh đó, lễ hội xuân Quý Mão 2023 tại các điểm di tích đã được chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, tại khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương sẽ tổ chức Lễ khai hội xuân Quý Mão 2023 vào ngày 8 tháng Giêng; Lễ cầu an vào ngày 11 tháng Giêng; Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ người Việt lần thứ VI vào các ngày 21 và 22 tháng Giêng; Lễ tưởng niệm 772 năm ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu vào ngày 1/4 và lễ tưởng niệm 319 năm ngày mất của Thánh tổ Thuỷ Nguyệt vào ngày 6/3 Âm lịch tại di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương.

Hải Dương: Đón gần 24 vạn lượt khách dịp Tết Quý Mão 2023
Tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hơn 100.000 lượt khách.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 4 - 13/2 (tức 14 - 23 tháng Giêng Âm lịch). Tại đây, sẽ có hàng loạt nghi lễ và hoạt động văn hóa như thi gói bánh chưng, giã bánh dày, lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại, Lễ rước nước, Liên hoan pháo đất, thi đấu vật, cờ tướng, Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả... Ngoài ra, tại khu di tích Kiếp Bạc sẽ tổ chức dâng hương khai hội mùa xuân, lễ tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Hàng năm, đền Tranh có hai kỳ lễ hội chính. Kỳ thứ nhất từ ngày 10 - 20/2 âm lịch, trong đó ngày 14/2 là ngày chính hội, có lễ rước nước và lễ tạ Thánh ở ngã ba sông. Đây là nghi lễ rất linh thiêng và trang trọng của nhân dân đối với Thủy Thần trấn giữ sông Tranh. Kỳ thứ hai diễn ra từ ngày 20 - 25/8 âm lịch, trong đó 22/8 là ngày trọng hội. Các trò chơi trong lễ hội chủ yếu là pháo đất, kéo co, chọi gà, bắt vịt, cầu kiều, cờ tướng, bóng chuyền hơi, đấu vật…

Hoàng Duy
Phiên bản di động