Hải Dương: Đầu năm đến thăm đền Bia để xin lộc, cầu sức khỏe
`Hải Dương: Hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất Kinh Môn Hải Dương: Xử phạt 154 triệu đồng một doanh nghiệp vi phạm môi trường |
Những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời tiết thuận lợi cho việc tham quan, vãn cảnh, nhiều di tích quốc gia đặc biệt ở Hải Dương thu hút lượng lớn du khách đến chiêm bái, cầu an, trong đó có đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).
Đền Bia là một trong 3 di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt gồm: Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, thờ vị “Thánh thuốc Nam” là Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Mọi người dân đến đền Bia để xin lộc đầu năm, gieo thẻ để lấy may mắn cho năm mới Qúy Mão 2023 gặt hái được nhiều thành công, thuận buồn, xuôi gió. |
Ngày mùng 5 Tết, theo ghi nhận của phóng viên, hàng nghìn du khách thập phương đã đến đền Bia để dâng hương, xin lộc và cầu an cho năm mới 2023. Các con đường dẫn vào đền Bia, dòng người nối đuôi nhau nườm nượp như nêm cối.
Dòng người đông đúc ngay từ sáng sớm, ngoài người trung tuổi thì các bạn trẻ thanh thiếu niên cũng đến đền Bia để cầu may, cầu hạnh phúc trong công việc và tình yêu. |
Đền được xây dựng để thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh nên có tên là đền Bia.
Theo người dân địa phương, tấm bia này do tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699) là người cùng làng với Tuệ Tĩnh soạn khắc vào năm 1699 khi ông đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam, đọc mặt sau tấm bia trên mộ thấy có ghi chữ : "Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với", Nguyễn Danh Nho đã vô cùng xúc động trước tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của Tuệ Tĩnh nên đã cho dập mẫu tấm bia mang về nước, thuê thợ làm lại và chở về quê.
Một góc của khuôn viên bên trong ngôi đền thiêng liêng tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. |
Khi đó cả vùng quê ông bị ngập nước, xuôi thuyền đến địa phận đền hiện nay thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được, ít lâu sau nước cạn, Nhân dân tìm thấy bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc Nam) nên đã dựng miếu thờ bia.
Đền Bia được trùng tu vào năm 1936, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, mặt tiền quay hướng bắc, xung quanh cây cối xanh tươi và nằm giữa cánh đồng thuộc hai xã Cẩm Văn và Cẩm Vũ của huyện Cẩm Giàng, đền có vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu.
Dù là ngôi đền nhỏ giữa tỉnh Hải Dương nhưng vào mỗi dịp Tết đến xuân về là ngôi đền Bia lại đông đúc người tới gieo quẻ bói, xin chữ và xin lộc may mắn cho năm mới làm việc hanh thông. |
Toà tiền tế trùng tu năm 1993 phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn khá đẹp gồm 5 gian với diện tích 120 m2, trung từ và hậu cung nhỏ nhưng còn chắc chắn và đồng bộ từ kiến trúc đến các đồ thờ tự, nhà kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì con chồng đấu sen, bức cốn chạm long cuốn thuỷ và hoa lá, chính giữa treo bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi 4 chữ: "Thánh cung vạn tuế" nghĩa là: "Đức thánh muôn tuổi". Hai cột treo đôi câu đối ca ngợi Tuệ Tĩnh:
"Hoàng giáp phương danh đằng bắc địa
Thánh sư dược diệu trấn Nam bang".
Di tích còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh, đặc biệt là tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh.
Theo người dân địa phương, lễ hội đền Bia được bắt đầu từ năm 1830, đó là vào đời vua Minh Mạng thứ 11, tương truyền có thánh ứng vào ngày mùng 1 tháng 4 (Âm lịch) và lễ hội diễn ra từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 4 tháng 4. Trong 4 ngày đó, Nhân dân gọi là Hội thánh ứng lần thứ nhất và chính là ngày giỗ của thiền sư Tuệ Tĩnh. Lễ hội do lý trưởng, hội đồng tộc biểu và các vị chức sắc của làng và các giáp đứng ra tổ chức.
Chị Lan (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi và gia đình dậy từ rất sớm để đến đền Bia xin lộc đầu năm. Mỗi năm Tết đến xuân về là các thành viên trong gia đình tôi lại tới ngôi đền này để cầu sức khỏe, may mắn, bình an và thuận buồn xuôi gió trong công việc". |
Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước đền Bia về uống với hy vọng mọi bệnh sẽ khỏi. Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), mỗi ngày có tới hàng nghìn người đến đền Bia, nên vua đã hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín và mất vệ sinh, và sai người đem tấm bia về cất tại kho ở Hải Dương. Sau này, có một người làng Văn Thai làm chức thủ kho đã bí mật lấy lại bia đem về đền thờ.
Tại đền Bia, du khách có thể xin chữ, gieo quẻ bói đầu năm để lấy may mắn, sự nghiệp hanh thông trong năm mới. |
Theo Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng, từ sau giao thừa đến mùng 3 Tết, lượng du khách đến du xuân, chiêm bái, cầu an tại đền Bia đạt hơn 7.000 người, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Hình ảnh ông đồ viết chữ thư Pháp tại ngôi đền thờ danh y Tuệ Tĩnh. |
Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, hiện nay, tại một số làng thuộc các xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng) có trên 30 lương y hành nghề cắt thuốc, chẩn trị, chữa bệnh bằng thuốc Nam. Đặc biệt, tại quê hương của cụ Tuệ Tĩnh, một số gia đình còn lưu giữ được bí quyết chữa các bệnh về thận, rắn cắn, hen suyễn, bệnh dại… từ nhiều đời nay.
Du khách xin quẻ đầu năm, xem trong giấy nói gì về vận mệnh tương lai của mình trong năm mới như thế nào. |
Bên cạnh đó, trong khu vực đền Bia còn có vườn thuốc Nam được chia làm 9 ô, trồng 9 nhóm thuốc. Các nhóm cây thuốc chữa bệnh gồm: viêm gan, sốt xuất huyết, mụn nhọt, cảm sốt, chữa ho…
Hoặc nhờ người luận quẻ để diễn giải cụ thể hơn.. |
Xung quanh đền, Ban quản lý di tích cũng tận dụng các khu đất trống trồng cây thuốc, để vừa tạo nguồn thuốc vừa tạo cảnh quan.
Cũng theo ông Hà Quang Thành, từ năm 2016, tại lễ hội truyền thống đền Bia (1/4 Âm lịch), người dân và du khách khi đến được tư vấn, khám bệnh, bắt mạch, bốc thuốc miễn phí (thuốc chữa đau nhức, xương khớp, tiêu hóa, thanh nhiệt, giải độc…) do một số doanh nghiệp dược thực hiện.
Trước đó, trong quá trình lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, ngoài việc khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực 1, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm đến quy hoạch khu vực 2 với diện tích trên 20ha để phát triển vùng dược liệu tại đền Bia. Đây được coi là trung tâm bảo tồn vùng thuốc Nam, nhằm phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.