Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất Kinh Môn
Kinh Môn (Hải Dương) là vùng đất chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử lâu đời, gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân đất Việt. Lịch sử và con người nơi đây đã tạo nên những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, riêng có ở vùng đất văn hiến xứ Đông.
Ở Kinh Môn, mỗi di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện lịch sử. Các lễ hội cũng mang những sắc màu, ý nghĩa riêng. Tiêu biểu trong số đó có di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với nhiều điểm đến như: Đền Cao, động Kính Chủ, chùa và hệ thống hang động ở núi Nhẫm Dương…
Dãy núi An Phụ nằm ở phường An Sinh dài khoảng 17km, kéo từ Tây sang Đông. Đỉnh núi được chia làm hai ngọn, ngọn phía Nam có đền Cao An Phụ thờ An Sinh Vương Trần Liễu.
Đền Cao An Phụ được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh gồm có gian tiền tế, trung từ và hậu cung. Tại gian tiền tế có nhiều hệ thống hoành phi câu đối nói về công tích của An Sinh Vương Trần Liễu, mảnh đất Kinh Môn An Phụ, tình cảm sâu nặng gia đình... Đặc biệt trong hậu cung có thờ tượng ngài và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô cũng là 2 con gái của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Thả bộ dọc theo con đường bê tông hun hút lên tận tam quan ngoại, hai bên là những hàng thông xanh rờn đang ngày đêm vi vu gió thổi, khiến lòng nhẹ nhàng hơn. Con đường tuyệt đẹp đó còn mở ra một bức tranh muôn màu khi du khách nhìn sang bên phải là thung lũng của xã An Sinh. Xã nằm gọn trong thung lũng được bao bọc bởi dãy núi An Phụ và dãy núi đá Kính Chủ.
Đến tham quan, dù không phải lần đầu nhưng anh Phùng Nguyện (ở Hưng Yên) vẫn không khỏi ấn tượng về nét đẹp trầm mặc nơi đây. "Tôi đến đây thấy bình yên, tâm an, cảm giác rất thân thuộc. Bên cạnh đó, nhìn tổng thể nơi đây như một bức tranh thủy mặc với chất liệu là những bức tường rêu phong, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng với những xóm làng xa xa nằm dưới chân núi", anh Phùng Nguyện cho biết.
Giữa hai ngọn núi trên đỉnh An Phụ có chùa Tường Vân (hay còn gọi là chùa Cao), xung quanh còn vẹn nguyên những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Phía trước chùa là giếng nước quanh năm trong vắt.
Khi đứng giữa đỉnh An Phụ, du khách có thể cảm nhận trời đất như đang giao hòa, cảnh vật sông núi trùng điệp uốn lượn bao quanh làng mạc đan xen những cánh đồng trù phú.
Lễ hội đền Cao An Phụ hàng năm được tổ chức từ ngày 29/3 đến ngày mùng 1/4 Âm lịch - ngày chính hội và cũng là ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu. Tại lễ hội sẽ có lễ tế và lễ rước tượng. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi như cờ tướng, chọi gà, hát chèo, diễn xướng hầu thánh…
Rời núi An Phụ, du khách sang phường Phạm Thái - nơi có động Kính Chủ. Trong động có nhiều hang nhánh như hang Luồn, hang Tiên Sư, hang Trâu… Động Kính Chủ từng được coi là Nam thiên đệ lục động (động đẹp thứ sáu của trời Nam). Khu vực này có ngôi chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông, thiền sư Nguyễn Minh Không, Huyền Quang tôn giả… Ngoài ra, động Kính Chủ còn là nơi mà nhiều danh nhân, vua chúa các triều đại từng đến, ấn tượng trước cảnh non nước tươi đẹp đã để lại những dòng suy tư về đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó đã được thợ đá tạc lại trong các tấm bia trên vách động. Hiện nay, trên vách động còn 47 tấm bia ghi lại những tình cảm của vua chúa, trí giả, sư sãi, quan lại các cấp khi đến thăm động.
Từ Phạm Thái sang phường Duy Tân, du khách đến với di chỉ khảo cổ học Nhẫm Dương và những dãy núi đá, núi đất cùng các hệ thống hang động, đền, chùa. Bên cạnh đó, hệ thống núi Nhẫm Dương có 26 hang động lớn nhỏ, với nhiều hiện vật khảo cổ đặc biệt.
Tại đây có chùa Nhẫm Dương, tên chữ là Thánh Quang tự, là một ngôi chùa lớn, được khởi dựng từ thời Trần. Chùa được tôn tạo và khá sầm uất vào thời Lê, thời Nguyễn. Thế kỷ XVII, chùa là nơi tu tập, hoằng pháp và đào tạo tăng tài của phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt khởi đầu. Phái Tào Động là một trong hai thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam đương thời gồm Tào Động và Lâm Tế.
Căn cứ vào các tư liệu văn bia tại đây thì chùa Nhẫm Dương đã được tu bổ, tôn tạo một lần vào thời Lê và nhiều lần vào thời Nguyễn. Năm 1952, chùa bị thực dân Pháp tàn phá nặng nề. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Nhân dân dựng lại bằng tranh tre, nứa, lá để làm nơi thờ Phật. Sau năm 1975, nhà sư cùng tín đồ phật tử xây lại chùa bằng gạch chỉ và lợp ngói.
Đến năm 1996, bằng nguồn vốn của Nhân dân và tín đồ phật tử thập phương cung tiến, chùa Nhẫm Dương được trùng tu trên nền móng cũ khá lớn và khánh thành năm 2002. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Công (工), gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương và 3 gian thượng điện, tổng thể diện tích 400m2, chất liệu bê tông cốt thép, các bộ vì kiểu con chồng đấu sen, mái dán ngói mũi hài.
Lễ hội chùa Nhẫm Dương diễn ra trong 3 ngày, mùng 5, 6 và 7 tháng 3 m lịch nhằm kỷ niệm ngày viên tịch của Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động, Thiền sư Thuỷ Nguyệt pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam...
Tiếp sau cuộc hành trình tham quan cảnh đẹp của những danh thắng, núi non, di tích lịch sử… du khách có thể tìm đến các làng quê yên bình của Kinh Môn để trải nghiệm trên những cánh đồng trù phú với nhiều nông sản, đặc sản: Cam, ổi, sắn dây, hành, tỏi, rươi, dê… để mua và mang về làm quà.
Trước đó, ngày 22/12/2016, Nhà nước đã xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 25/12/2017.
Bên cạnh đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Khi hoàn thành, nơi đây sẽ hình thành hệ thống giao thông nội bộ kết nối các điểm di tích thành tổng thể thống nhất, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tin rằng, với những tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các sản vật đặc trưng, đó sẽ là một trong những điều kiện, động lực thúc đẩy cho lĩnh vực du lịch phát triển hơn nữa ở vùng đất Kinh Môn.
Bài, ảnh: Hoàng Duy