Giới trẻ đau đầu với bài toán mua sắm mùa Tết
Giới trẻ “dậy sóng Tây Hồ” với các bước nhảy hiện đại Người trẻ "nghiện" đi làm bằng phương tiện công cộng Giới trẻ cần gìn giữ bản sắc dân tộc qua trang phục truyền thống |
Phát mệt vì Tết đến
Anh Lê Thanh Tùng (31 tuổi, Hà Đông) hiện đang là hướng dẫn viên du lịch (tourguide) cho các đoàn khách nước ngoài tới thăm Việt Nam. Ngoài công việc chính, anh và vợ còn mở thêm một tiệm bánh mochi online để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Tùng chia sẻ: “Gia đình tôi có con nhỏ, bố mẹ đều đã lớn tuổi nên cần nghỉ ngơi. Kinh tế trong nhà phụ thuộc vào hai vợ chồng là chủ yếu. Năm vừa qua tài chính có phần khó khăn nên tôi không nề hà cơ hội để kiếm tiền. Khi biết có những công việc bán thời gian hoặc việc thời vụ, tôi luôn sẵn sàng nhận thêm để tăng thu nhập”.
Anh Lê Thanh Tùng là hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách nước ngoài đến thăm Việt Nam |
Tuy công việc bộn bề, nhưng vợ chồng anh Tùng vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn thu cho gia đình luôn ổn định. Anh và chị đang canh cánh nỗi lo tiền bạc đủ đầy trong những ngày cuối năm khi sắp có quá nhiều khoản bắt buộc phải chi, từ quà Tết cho đến lì xì cho người nhà, bạn bè...
Ngoài nỗ lực tăng thu nhập, anh Tùng và vợ cũng phải cân đối chi tiêu phù hợp để lên kế hoạch mua sắm cho mùa Tết 2024. Anh chị đã chấp nhận hy sinh những nhu cầu như quần áo mới, đồ phụ kiện cá nhân của bản thân để đảm bảo nguồn tài chính ổn định sắm Tết.
Những hộp bánh mochi là nghề tay trái của vợ chồng anh Lê Thanh Tùng |
“Giá cả thị trường ngày càng tăng khiến tiền nhập nguyên liệu làm bánh cũng tăng theo. May mắn là công việc làm tourguide của tôi cũng có đồng ra đồng vào để thêm bớt duy trì cho tiệm bánh nhỏ. Tôi hi vọng mùa Tết 2024 doanh số bán bánh sẽ tăng, đồng thời cũng nhận thêm vài nhóm khách du lịch để kiếm thêm tiền chuẩn bị cho dịp năm mới. Còn hiện tại, vợ tôi đang rất “đau đầu” xem xét sổ sách thường xuyên nhằm lên kế hoạch mua sắm, tiêu dùng ngày Tết. Bản thân tôi khi xem danh sách những thứ cần làm, cần mua cho dịp Tết cũng không khỏi “choáng váng” bởi con số và số lượng cần đáp ứng là quá nhiều. Tết đến mà sao ngày càng mệt quá” – Anh Tùng cho biết.
Những gia đình trẻ như anh Lê Thanh Tùng đều gặp chung vấn đề về cân đối nguồn tiền và thay đổi xu hướng chi tiêu dịp Tết. Các ông bố, bà mẹ trẻ đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra bảng kế hoạch chi tiêu và mua sắm căn cơ, tiết kiệm phù hợp với tình trạng tài chính của gia đình. Trong đó phổ biến là chi phí mua quà Tết và thực phẩm sẽ tốn kém nhất. Ngoài ra, khoản mua sắm quần áo, tiền lì xì, trang trí nhà cửa... cứ cộng dồn chất chồng. Khoản nọ đan khoản kia, nhiều bạn trẻ đã “khóc thét” khi lần đầu đối mặt với cơn bão “cơm, áo, gạo, tiền” khi dịp Nguyên đán cận kề.
Giá cả thị trường ngày Tết luôn nhỉnh hơn so với bình thường khiến việc mua sắm của người dân trở nên "đau đầu |
Lê Thảo Anh (25 tuổi, Thanh Xuân) mới ra trường và đi làm được hơn 1 năm. Mùa Tết năm nay, cô bạn đã phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” với tôn chỉ “cần thiết mới chi, không tiêu dùng phi lý” cho công cuộc mua sắm. Trong nửa cuối năm 2023, Thảo Anh đã tự học để cắt tóc cho bản thân tại nhà, hạn chế tối đa việc ăn uống bên ngoài và các bữa tiệc linh đình cùng hội bạn bè, người thân... Nỗ lực đó đã giúp cô bạn để dành hơn 30 triệu đồng sau 6 tháng tằn tiện chi tiêu.
Thảo Anh hồ hởi chia sẻ: “Với 30 triệu tiết kiệm được cùng thưởng Tết sắp tới, hầu hết mình sẽ phụ giúp mẹ mua sắm dịp Tết 2024. Mình chỉ chi cho bản thân một khoản nhỏ vừa đủ để sửa lại mái tóc, chụp một bộ ảnh Tết và sắm thêm vài chiếc áo mới để năm mới tươm tất hơn”.
Bạn Lê Thảo Anh đã có phương pháp tiết kiệm "khổ trước sướng sau" rất hiệu quả |
Thảo Anh cho biết, bản thân cô luôn xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc cẩn thận trước khi mua một món đồ gì đó dù là nhỏ nhất. Cô tự đặt câu hỏi về việc sẽ sử dụng món đồ như thế nào, tần suất sử dụng, giá trị và tính bền vững của sản phẩm... Đối với Thảo Anh, việc cân đối chi tiêu cần được áp dụng từ những nhu cầu nhỏ nhất trong cuộc sống.
“Công việc chính đã gần như chiếm toàn thời gian và trí tuệ nên mình vẫn chưa thể tìm cách làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập. Vậy nên chính sách tiết kiệm được mình áp dụng tối đa trong suốt một thời gian dài. Nhiều bạn bè khuyên rằng lối sống này “không đáng” để mình phải chịu thiệt thòi lâu như vậy. Nhưng đến thời điểm cuối năm này, mình rất vui vì thấy quyết định năm vừa qua của mình đã “nở hoa”. Dịp Tết sắp tới mình sẽ bớt đi nỗi lo tài chính khi đã có một khoản để dành tương đối, kèm theo đó là những đơn hàng mình đã để dành sau mỗi dịp siêu sale săn được. Tết năm nay của mình sẽ ấm no và hi vọng rằng những năm tới cũng sẽ như vậy” - Thảo Anh nói.
1001 cách chi mà không phí
Để chuẩn bị “tâm hồn đẹp” và những chiếc ví rủng rỉnh cho mùa Tết sắp tới, giới trẻ nên áp dụng các biện pháp như săn sale sớm theo đợt, mua đồ secondhand, mua chung theo nhóm,... Ngoài ra, việc tính toán kỹ lưỡng tính cần thiết cho từng sản phẩm cũng là bài toán quan trọng cần được chú ý.
Dưới đây là một số gợi ý cho “cuộc đua” mua sắm Tết 2024.
Lên sẵn danh sách mua sắm: Bạn trẻ có thể thực hiện điều này từ sớm bằng cách so sánh giá trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), tạp hóa, và chợ để chọn nơi có giá tốt nhất. Việc này giúp các bạn tận dụng hiệu quả các chương trình ưu đãi, voucher giảm giá và thời điểm flash sale.
Danh sách chi tiêu dự kiến của một gia đình trẻ cho mùa Tết |
Mua đồ second-hand và mua chung: Chia sẻ chi phí vận chuyển và nhận giá sỉ là chiến lược thông minh khi mua hàng. Nhiều bạn trẻ đã chuyển từ việc mua quần áo mới sang việc "săn" đồ second-hand để tiết kiệm hơn.
Tận dụng ưu đãi hoàn tiền và tích điểm: Chuyển từ mua sắm ở chợ sang mua online để tận dụng ưu đãi hoàn tiền, tích điểm và các chương trình khuyến mãi. Giới trẻ còn có thể lập bảng excel để theo dõi các chương trình ưu đãi.
Để tiết kiệm, nhiều bạn trẻ rất ưa chuộng mua sắm các mặt hàng secondhand |
Thanh toán bằng thẻ tín dụng: Mua sắm online và thanh toán bằng thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích. Cả hai được tích điểm từ ngân hàng, có thể đổi thành tiền hoặc giảm trực tiếp vào hóa đơn mua sắm.
Tận dụng ưu đãi hoàn tiền online: Thường xuyên tận dụng mã giảm giá và ưu đãi hoàn tiền khi thanh toán bằng ví điện tử như MoMo, ZaloPay, hay ViettelMoney.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Xuân Giáp Thìn, các Gen X, Y, Z và cả thế hệ Alpha vẫn có thể kiếm thêm cơ hội công việc thời vụ để tăng thu nhập. Chắc chắn, nếu áp dụng lối tiêu dùng tiết kiệm và nỗ lực không ngừng nghỉ với công việc, giới trẻ sẽ có được một mùa Tết sung túc, đủ đầy bên gia đình, người thân và bạn bè.