Giới trẻ cần gìn giữ bản sắc dân tộc qua trang phục truyền thống
Tấm bảng khuyến cáo du khách không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang xuất hiện tại Bản Cát Cát |
Loại bỏ trang phục ngoại lai trên Bản Cát Cát
Gần đây, du khách đến với Bản Cát Cát (Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đều bày tỏ sự ấn tượng với tấm bảng khuyến cáo trang phục khi du lịch Sa Pa.
Theo nội dung ghi trên tấm bảng được treo bên ngoài nhà dân ở bản Cát Cát:
"Khuyến cáo: Xin quý khách vui lòng không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa người H'Mông. Trân trọng cảm ơn!".
Dòng thông điệp gửi gắm tại Bản Cát Cát khiến người ta nhớ lại thời điểm đầu năm 2023, khi ấy, khắp các diễn đàn mạng xã hội là bóng dáng của những bộ trang phục ngoại lai. Thời điểm đó, việc diện trang phục Tây Tạng, Mông Cổ đã trở thành trào lưu với một bộ phận giới trẻ khi tới các điểm du lịch ở Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa… của Việt Nam.
Hình ảnh "lác đác" của trang phục Mông Cổ xuất hiện trên Bản Cát Cát ngày 23/12 |
Lúc bấy giờ, nhiều cửa hàng cho thuê trang phục ngoại lai bỗng mọc lên như nấm và được đánh giá là đắt hàng như “tôm tươi”. Những bộ cổ phục này được các tiểu thương nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn, các thiết kế được may lại theo nguyên mẫu đồ truyền thống của người Mông Cổ, Thái Lan, Tây Tạng… nhưng chất liệu và gia công rẻ nhằm phục vụ kinh doanh cho khách du lịch thuê chụp ảnh. Mức giá cho thuê dao động từ 150.000 tới 400.000 đồng/bộ, tuỳ theo yêu cầu về dịch vụ trang điểm, làm tóc... giống những phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng của du khách.
Trước sự đua nhau bắt trend check-in với bộ đồ ngoại lai, ngày 22/3, tài khoản facebook Khoai Lang Thang (32 tuổi, tên thật Đinh Võ Hoài Phương) - một travel blogger nổi tiếng, đã có đôi dòng chia sẻ lên mạng xã hội về việc khách nước ngoài thắc mắc: "Nho Quế có phải là địa danh của Việt Nam không?" khi thấy tràn lan những bức ảnh khách du lịch mặc trang phục Mông Cổ, Tây Tạng tại đây.
Dòng thông điệp gửi gắm từ tài khoản facebook Khoai Lang Thang |
Cùng với đó, Khoai Lang Thang gửi gắm dòng thông điệp: “Nếu các bạn đến sông Nho Quế (Hà Giang) hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, nên hạn chế mặc đồ của những nước khác nha".
Ngay sau khi đăng tải, dòng trạng thái của chàng trai Việt đã nhận được đông đảo sự ủng hộ cùng nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Khoai Lang Thang. Phần lớn mọi người bày tỏ, khách du lịch nên tôn trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Khách du lịch tới tham quan Bản Cát Cát đã chuyển sang lựa chọn những trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam thay vì những bộ cổ phục của Mông Cổ. |
Từ đây, mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam dần thấu hiểu được sự quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá Việt qua trang phục truyền thống. Bởi vậy, ngay khi tấm bảng khuyến cáo trang phục tại Sa Pa được công khai đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dân trên khắp cả nước nói chung và du khách tới tham quan Bản Cát Cát nói riêng.
Có mặt tại đây vào 25/12, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô được các hộ kinh doanh cho thuê trang phục chụp ảnh cho biết, từ khi Ban Quản lý khu du lịch Cát Cát khuyến cáo về việc thay đổi định hướng cho khách du lịch mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông và các trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, du khách tới đây đã giảm thiểu việc tìm thuê trang phục ngoại lai rất nhiều so với thời điểm đầu năm.
Du khách tranh thủ lưu lại những kỷ niệm đẹp trong bộ trang phục của dân tộc H'Mông khi tham quan tại Bản Cát Cát |
Chị N. (người trông coi ngựa cho du khách chụp ảnh) nói: “Tôi không cho những người mặc trang phục ngoại lai chụp ảnh cùng với ngựa, vì đó là quy định của Bản Cát Cát. Nếu người ta vẫn lén quay chụp cùng ngựa trong trang phục Mông Cổ hay Tây Tạng, con ngựa đó sẽ bị thịt”.
Em Nguyễn Đức Thiện (16 tuổi, sinh sống tại Bản Cát Cát) bộc bạch: “Bây giờ Bản Cát Cát đang dần triệt để trang phục Mông Cổ, Tây Tạng. Em thấy đây là cách thức rất hay, giúp gìn giữ bản sắc giá trị của dân tộc Việt Nam”.
Theo chia sẻ của Đức Thiện, các cửa hàng trang phục bên dưới Bản Cát Cát đã không còn cho thuê trang phục Mông Cổ, Tây Tạng, thay vào đó họ đẩy mạnh các trang phục truyền thống dân tộc Mông, Tày, Nùng… của Việt Nam. Tuy nhiên, cậu bé cho biết, phía trên lối dẫn vào bản, lác đác các cơ sở nhỏ lẻ vẫn còn cho thuê những trang phục này. Song, du khách đã dần ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hoá Việt, nên khi tới đây họ hạn chế tối đa thuê trang phục ngoại lai để chụp ảnh.
Khoác lên mình bộ trang phục mang màu cờ sắc áo của 54 dân tộc Việt Nam là niềm tự hào của biết bao thế hệ người con Việt Nam. |
Hòa nhập nhưng không hòa tan
Đất nước ta đã và đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập, mọi người, đặc biệt là giới trẻ cũng kịp thời làm quen và tiếp nhận nhiều luồng văn hóa của các nước trên thế giới. Song, cơn sóng “hội nhập” dường như đang được lan truyền rộng khắp, khiến cho nhiều người không kịp “gạn đục, khơi trong”, do vậy dần đánh mất đi nét đẹp vốn có của mình. Đứng trước thực trạng đó, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp ngồi lại lắng nghe những chia sẻ vô cùng ấn tượng của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng (Nguyên là Giảng viên khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Mất đi văn hoá là mất đi tất cả, vì văn hoá là cái duy nhất còn lại sau khi mọi thứ mất đi. Vì vậy, với tôi, việc sử dụng trang phục Tây Tạng, Mông Cổ trên đất Việt là một vấn đề hết sức quan trọng và đáng để lưu tâm”.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ nói, bộ trang phục khoác lên người sẽ nói lên cốt cách, tâm hồn, giá trị và bản sắc văn hoá của 1 dân tộc, tộc người. Nếu đánh mất cái đó là mất đi hệ thống giá trị văn hoá của dân tộc, mất đi tiêu chí đánh giá bản sắc văn hoá dân tộc.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng - Nguyên là Giảng viên khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Từ thực tế có thể thấy, việc mặc trang phục cổ truyền chụp ảnh tại các địa danh trên đất Việt không phải là vấn đề mới vì nó vốn đã tồn tại từ lâu. Nhiều người lựa chọn cho mình trang phục của người Mông, người Tày, hay những trang phục truyền thống nằm trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, điều này phản ánh rất tích cực và mang lại thông điệp ý nghĩa trong việc gìn giữ giá trị văn hoá cổ truyền. Tuy nhiên, song song với đó có một bộ phận những người lại chạy theo trang phục của người Mông Cổ, Tây Tạng… đây là điều cần quán triệt mạnh mẽ.
“Tôi đã từng trao đổi với một số người làm văn hoá và họ nói rằng chính họ cũng mặc trang phục của người Nga, cổ phục của Mông Cổ… Tuy nhiên, diện những trang phục này khi đứng trên sân khấu sẽ khác với tham gia các hoạt động văn hoá du lịch ở Sa Pa”, Tiến sĩ nói.
Vẫn còn số ít người trẻ chụp ảnh với bộ đồ Mông Cổ tại Bản Cát Cát |
Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, chúng ta không chỉ nên dừng lại ở việc treo biển khuyến cáo, mà cần có sự nghiêm khắc nhắc nhở để mọi người cùng có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Thậm chí, cần phải có pháp lệnh và sự tham gia vào cuộc của các cơ quan quản lý về văn hoá đối với Nhà nước.
“Trang phục cho chúng ta rất nhiều thông điệp: vị thế xã hội, nguồn gốc xuất thân, giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ… và không phải ngẫu nhiên người ta lại ghép 2 từ “màu cờ và sắc áo” đứng cạnh nhau, vì đó chính là quốc huy, quốc hiệu, biểu tượng của văn hoá. Vì vậy nếu mặc trang phục không phải của dân tộc Việt Nam để tham dự các hoạt động về văn hoá du lịch ở Việt Nam thì đấy là điều không nên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.
Cô gái duyên dáng trong trang phục truyền thống của người H'Mông |
Qua sự việc trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ ra một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, vận động người dân địa phương nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ văn hóa dân tộc.
Theo Tiến sĩ, biện pháp tiên quyết chính là truyền thông, giúp mỗi người dân, du khách khi tham gia các hoạt động tham quan du lịch thấu hiểu tầm quan trọng của giá trị văn hoá truyền thống. Từ đó, họ có ý thức bảo tồn, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có rất nhiều trang phục truyền thống đẹp và đặc sắc, trang phục của dân tộc H'Mông là một trong những trang phục như vậy. Vẽ rực rỡ của trang phục H'Mông đã được nhà văn Tô Hoài phản ánh sâu sắc qua câu văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ: “Những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xòe như bướm sặc sỡ...".
Hình ảnh người phụ nữ dân tộc H'Mông đang miệt mài vẽ sáp ong để tạo nên sự linh hoạt, khác biệt, không hề lẫn lộn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác. |
Trang phục của dân tộc Mông đẹp và nồng nàn quyến rũ như vậy, tại sao chúng ta không nhân rộng và làm cho bộ trang phục đó càng thêm đẹp trong mắt không chỉ người Việt Nam mà còn cả bạn bè quốc tế.
"Việt Nam là quốc gia hội nhập, vì vậy, chúng ta không thể không tiếp nhận những lễ hội từ bên ngoài vào, cũng như không thể không tiếp nhận trang phục ngoại lai. Nhưng, tiếp nhận như thế nào để chúng ta vẫn giữ được nhân phẩm, giá trị cốt lõi của dân tộc, để hoà nhập nhưng không hoà tan, đó là điều quan trọng" - bà Hồng nói.
Một số lưu ý tại Bản Cát Cát mà du khách cần ghi nhớ |
Ví dụ, bạn có thể mặc trang phục của người Nhật nhưng hãy mặc trong Trà Thất để thưởng thức trà của Nhật Bản hay để thưởng thức nghệ thuật cắm tranh, gấp hoa của người Nhật, đừng mặc Kimono đến những nơi sinh hoạt mang tính truyền thống của người Việt Nam.
“Ở Hà Nội có 1 công viên gọi là Vườn Nhật (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), du khách đến đó có thể mặc trang phục của người Nhật. Ở trong công viên đó, trang phục đấy rất phù hợp, đẹp và lung linh, nhưng khi ra khỏi công viên, sang bên kia đường với bộ trang phục Kimono là đã không ổn rồi, vì nó phải phù hợp với ngữ cảnh, khung cảnh giao tiếp”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng kết lời.