Giá nhà Việt Nam tăng, chuyên gia nói đắt đến mức "trúng số mới mua nổi"
"Kìm giá" thị trường nhà, đất cuối năm |
Một vị chuyên gia nhận định, trong vòng 10 năm nữa việc sở hữu được nhà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ khó khăn không kém Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc này. |
Điểm tương đồng bất động sản Việt Nam với thị trường Trung Quốc
Giá nhà nói riêng và giá bất động sản nói chung là vấn đề không mới nhưng luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, giá bất động sản không có dấu hiệu giảm trong quý 3, thậm chí tiếp tục tăng ở một số phân khúc.
Cụ thể như riêng tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư trong quý 3 tăng khoảng 0,24% so với quý trước. Đối với nhà ở riêng lẻ giá ở Hà Nội tăng khoảng 0,03%. Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý 2.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tỏ ra lo ngại khi giá nhà ở TP.HCM cứ tiếp tục tăng cao. Hiện giá chung cư cao cấp ở thành phố này thấp nhất cũng 60-70 triệu đồng/m2.
Nếu cứ tiếp tục đẩy giá như thế này thì chỉ khoảng nửa năm nữa, TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân cũng "biến mất" trước đó thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu, vị chuyên gia lo ngại.
Trong khi đó, lãnh đạo HoREA cho biết, hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1-2 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Tình trạng này cũng tương tự tại Hà Nội. Nhiều dự án ven đô Hà Nội, mức giá cũng đẩy lên 50-60 triệu đồng/m2.
Trước thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia đã đề cập đến tương quan giữa sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc. Thậm chí có những lo ngại, sau 10 năm nữa, người Việt muốn sở hữu nhà tại các đô thị hàng đầu như TP.HCM và Hà Nội cũng sẽ khó khăn như người Trung Quốc muốn có nhà tại Bắc Kinh, Thượng Hải.
Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho rằng, điều này có khả năng xảy ra.
Theo vị này, cứ nhìn vào chu kỳ tăng giá của bất động sản trong 10 đến 15 năm gần đây là có thể thấy rõ xu hướng này. Trong suốt 10 năm qua, có nhiều nhận định rằng thị trường địa ốc Trung Quốc đang hình thành bong bóng và sẽ phát nổ sớm hay muộn.
Tuy nhiên, thực tế theo ông Nguyễn Quốc Anh, thị trường này vẫn phát triển ổn định, giá nhà Thượng Hải liên tục tăng qua các năm, đắt đến mức "trúng xổ số mới mua nổi", điều tương tự cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam. Trong vòng 10 năm nữa việc sở hữu được nhà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ khó khăn không kém Thượng Hải, Bắc Kinh lúc này.
Ông Quốc Anh cho biết thêm, xét trên tầm khu vực, giá nhà Việt Nam vẫn được xem là thấp so với mức 8.000 - 29.000 USD/m2 của Singapore, Hong Kong, Thượng Hải. Việt Nam lại ngày càng thu hút đầu tư và là thị trường được nhiều nhà đầu tư quốc tế hướng đến nên biên độ tăng giá bất động sản có thể sẽ rất mạnh trong các năm tới đây.
"Quan trọng nhất vẫn là việc biến động giá nhà ở phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, nếu cầu tăng mà cung giảm thì giá sẽ tăng. Cung tăng mà cầu giảm thì giá sẽ giảm. Xét về việc quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhất là ở khu vực nội đô, trong khi dân số ngày càng đông, nhu cầu sử dụng đất cũng sẽ tăng theo thời gian. Người tăng, đất không tăng nên giá nhà khó đứng yên", ông Quốc Anh nhận định.
Không sớm giải quyết nút thắt, giá nhà còn tăng mạnh
Bất động sản Việt Nam Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức khác từ việc thu hẹp nguồn cung. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, nguồn cung thị trường giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp họ nói họ không sợ Covid-19 mà chủ yếu chờ đợi pháp luật.
"Tối lấy ví dụ, ngay tại thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã thể hiện rất thiếu đồng bộ với các Luật có liên quan. Hệ quả là quy trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển khá phức tạp và chưa động viên được động lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, việc sửa Luật đất đai bị lùi lại khá nhiều, khoảng trống thị trường rất lớn", ông Võ nhận định.
"Vấn đề lớn nhất vẫn là sửa luật thôi. Nếu sửa luật đúng nội dung và trúng giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ giải thoát được ách tắc, phát triển tốt. Phải mau chóng tập trung vào làm việc này. Nếu vấn đề nguồn cung không được xử lý thì vài năm tới giá sẽ tăng lắm. Mà đâu cần vài năm tới, vừa qua thị trường bất động sản vẫn tăng giá bất chấp Covid-19", ông Võ nói thêm.
Vậy lời khuyên nào cho người mua nhà trong năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh nói: Nhìn chung hoạt động của thị trường trong năm 2021 phải phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới. Như đã trao đổi trước đó, ngay trong bối cảnh vắc xin thành công thì để sản xuất và đến được tay người dân cũng sẽ mất khoảng thời gian dài. Thị trường khó tăng mạnh trở lại ngay trong năm 2021, vậy nên nửa đầu năm sau không phải là thời của bất động sản đầu cơ.
"Nhà đầu tư có thể xuống tiền mua bất động sản ngay trong giai đoạn này để đón làn sóng hồi phục năm 2022, nhưng hãy đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính; theo dõi kỹ biến động của từng loại hình để đưa ra lựa chọn. Rất có thể trong năm 2021, trái ngược với xu hướng thị trường năm 2020, nhà đầu tư Hà Nội sẽ hướng đến loại hình căn hộ và TPHCM lại tập trung vào sản phẩm nhà liền thổ và đất nền", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Theo số liệu được một đơn vị nghiên cứu bất động sản vừa công bố, giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2002 có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2. Sang đến năm 2020, giá nhà bình quân khu vực này đã lên tới 360 triệu đồng/m2. Như vậy, giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm. Trong khi giá nhà quận trung tâm tăng tới vài chục lần thì giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần giai đoạn này.