Gen Z tự chủ tài chính như thế nào?

Nhiều người trẻ, đặc biệt là gen Z đang đặt mục tiêu tự chủ về tài chính thay vì phụ thuộc vào gia đình hay các mối quan hệ lợi ích.
Công việc part-time đang "được lòng" Gen Z Người trẻ “thờ ơ” với việc hẹn hò Chuyện đi làm của những công dân gen Z

Không muốn dựa dẫm

Từ khi rời xa quê và bước chân vào cánh cổng đại học, Trần Ngọc Huyền (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã không còn dựa vào khoản chu cấp của bố mẹ. Cô gái trẻ bắt đầu đi dạy gia sư môn Toán và làm thêm một số công việc liên quan đến chụp mẫu ảnh. Chăm chỉ từ khi còn trẻ giúp Ngọc Huyền thay đổi được thói quen chi tiêu và tích lũy cho mình một khoản đáng kể từ khá sớm.

Cũng nhờ việc độc lập từ sớm, cô gái 26 tuổi quyết định dọn ra ở một mình thay vì ở cùng các bạn ngay sau khi tốt nghiệp đại học mà không đắn đo điều gì về chuyện tiền bạc. Dù không tiết lộ cụ thể thu nhập hàng tháng nhưng Ngọc Huyền khẳng định đó là mức tiền có thể giúp cô sống thoải mái mà không cần sự trợ giúp của gia đình hay người yêu.

Để có mức thu nhập tốt như bây giờ, Ngọc Huyền vẫn duy trì việc dạy gia sư môn toán cho 4 học trò 2 buổi tối mỗi tuần. Cô gái trẻ cũng nhận các công việc freelance liên quan đến ngành học của mình và thừa nhận rằng cuộc sống luôn bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Đó cũng chính là lý do khiến Ngọc Huyền đang cảm thấy thực sự hài lòng với cuộc sống tự chủ tài chính của mình.

Gen Z tự chủ tài chính như thế nào?
Ngọc Huyền đặt mục tiêu tự chủ về tài chính thay vì phụ thuộc vào gia đình hay các mối quan hệ lợi ích.
"Mình thấy việc tiêu tiền của bản thân là thoải mái nhất. Nếu mãi dựa dẫm vào người khác, bản thân sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi chỗ dựa ấy không còn”, Ngọc Huyền nói.

Một nguyên nhân khác khiến Ngọc Huyền muốn độc lập từ sớm là có thể tự quyết định các vấn đề cá nhân, trong đó có chuyện kết hôn, nơi mà những câu hỏi thường xuyên liên quan đến vấn đề cá nhân của gia đình và họ hàng khiến cô gái trẻ cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

“Mình nghĩ rằng việc độc lập tài chính và tránh dựa dẫm vào người khác là điều mà không chỉ mình mà nhiều người khác cũng đang hướng tới. Khi được tự chủ cuộc sống của mình, tinh thần sẽ thoải mái nên năng suất làm việc cũng hiểu quả hơn rất nhiều. Thêm nữa, mình cũng tránh được nhiều ánh mắt, sự dèm pha và những câu hỏi vô duyên đến đáng sợ”, Ngọc Huyền bày tỏ.

Dù vậy, cô gái trẻ cũng đã gặp phải những khó khăn khi thực hiện việc tự chủ của mình khi tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động, công việc ngưng trệ, Ngọc Huyền phải tự "cứu" mình bằng số tiền đã tích lũy. Vì vậy, để có một cuộc sống như mình mong ước, cô gái trẻ càng quyết tâm kiếm thêm tiền, thử thách mình với việc đầu tư để đảm bảo cho những tình huống bất trắc.

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng

Giống như Ngọc Huyền, chuyển ra ở riêng và tự chủ về tài chính là điều mà Lan Anh (23 tuổi, designer tự do) lựa chọn ngay khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học.

Thời gian đầu, cuộc sống của cô gái 23 tuổi là những chuỗi ngày thú vị ngay cả khi công việc và cuộc sống đều trở nên "thoải mái" hơn. Tưởng chừng như mọi thứ sẽ vẫn ổn định nhưng làn sóng cạnh tranh trong công việc ngày một tăng lên đã khiến Lan Anh thường xuyên gặp khó khăn trong chuyện tiền bạc và phải “cầu cứu” sự giúp đỡ của gia đình.

"Mình chỉ làm mỗi công việc designer nên chỉ có một nguồn thu nhập, khi không có việc thì mình phải dùng đến số tiền tích lũy. Đợt biến động kinh tế vừa rồi, mình khá lo lắng khi phải cân nhắc mua hay không mua gì khi thu nhập, mức sống giảm đột ngột. Giờ đây, mình nghĩ rằng bản thân cần thay đổi, tìm kiếm công việc hay cách đầu tư mới để không bị thụ động trong nguồn thu", Lan Anh nói.

Hay như đối với Công Quyền (26 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), cái giá phải trả cho mong ước độc lập tài chính đó là cảm giác vất vả, mệt mỏi và cô độc dù còn rất trẻ.

Gen Z tự chủ tài chính như thế nào?
Theo Công Quyền, việc sống tự chủ, độc lập có mang lại sự hài lòng, hạnh phúc hay không sẽ phải tùy thuộc vào cách thể hiện và vận dụng của mỗi người trong từng tình huống

Để kiếm tiền nhiều, mỗi ngày chàng trai trẻ phải nghĩ ngợi nhiều hơn và nghỉ ngơi ít đi một chút. Khi có vấn đề phát sinh, việc tự tìm cách giải quyết đôi khi khiến Công Quyền cảm thấy khủng hoảng, áp lực và tủi thân vì không biết tìm ai đủ hiểu vấn đề để giúp đỡ.

"Mình sống với quan điểm là không muốn mắc nợ ai và cũng không muốn để ai mắc nợ mình. Việc tự chịu áp lực là điều mà tự bản thân mình luôn đón nhận trong nhiều năm qua. Mình nghĩ đó là lý do mà chuyện tình cảm cá nhân hay tình thân với gia đình cũng thiếu gắn kết", Công Quyền bày tỏ.

Tuy nhiên, cá nhân chàng trai 26 tuổi vẫn ủng hộ lối sống độc lập về tài chính. Theo Quyền, việc sống tự chủ, độc lập có mang lại sự hài lòng, hạnh phúc hay không sẽ phải tùy thuộc vào cách thể hiện và vận dụng của mỗi người trong từng tình huống.

“Mình không phải người giỏi cân bằng cuộc sống và công việc nhưng mình vẫn thấy nhiều người làm được, không những vậy còn làm rất tốt. Có lẽ song song với bài học độc lập, tự do tài chính, những người trẻ như mình cần học thêm cả cách cân bằng điều đó với cảm xúc của mình",Công Quyền chia sẻ.

Phạm Thành
Phiên bản di động