Khi xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự thay đổi, giao thoa giữa các nền văn hóa, có nhiều ý kiến cho rằng gen Z đang là thế hệ “ảo tưởng” và đòi hỏi quá cao khi đi làm. Tuy nhiên, ranh giới giữa tiêu chuẩn truyền thống và phong cách hiện đại rất mong manh có thể là nguyên nhân của những hiểu lầm khó tháo gỡ giữa nhà tuyển dụng và thế hệ Z…
Sau khi đi du học trở về, Nguyễn Phương Anh (sinh năm 2001, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chọn làm việc cho một start-up công nghệ với khối lượng công việc khá lớn cùng yêu cầu tính linh hoạt, đa nhiệm cao.
Là lao động thuộc thế hệ Z, Phương Anh cho rằng không quá khó hiểu khi thế hệ của cô luôn tự đặt ra tiêu chuẩn cao về môi trường làm việc khi họ có tư duy “sống cho bản thân”.
“Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ, mọi người đều có thể nhìn thấy mỗi ngày lại có thêm nhiều bạn trẻ kiếm được thu nhập từ các công việc mới gắn liền với Internet - điều mà các thế hệ trước chưa hề có. Cơ hội nhiều cộng với chưa quá áp lực về mặt tài chính, gia đình theo mình sẽ là lý do mà nhiều bạn trẻ không ngại nhảy việc liên tục hoặc làm nhiều việc một lúc”, Phương Anh nói.
Bản thân Phương Anh không quá chú trọng tìm kiếm môi trường làm việc phải thật lý tưởng, miễn sao nơi đó “đủ chuyên nghiệp, ai làm việc nấy và đạt hiệu quả cao”. Theo cô, những người trẻ cùng thế hệ với mình thường hướng tới giá trị thực như tiền bạc, lợi ích khi đánh giá việc làm.
“Công việc hiện tại cho mình thời gian làm việc linh hoạt, không phải đến văn phòng nhưng đòi hỏi chịu trách nhiệm ở nhiều vị trí khác nhau. Dù bản thân khá cảm tính và cái tôi cao, mình xác định giờ là thời điểm học hỏi, trau dồi chứ chưa đặt nặng chuyện thu nhập. Vậy nên, khi phải ôm nhiều đầu việc không nằm trong chuyên môn, mình không thấy ngại nhưng vẫn nhấn mạnh mức lương cần tương xứng với công sức”, Phương Anh nói.
Với Phương Anh, cô sẽ chọn rời đi và thay đổi công việc khi thấy mình đã học hỏi được hết ở môi trường cũ hoặc khi nhận được những lời đề nghị với mức đãi ngộ tốt hơn, xứng đáng với năng lực tại thời điểm đó.
Thế hệ Z được cho là "đòi hỏi" hơn khi đi làm |
Thế hệ Z được nhận diện là có nhiều kỳ vọng khi đi làm. Theo một khảo sát mới đây từ chuyên trang khảo sát Alphabet, mức lương trung bình mà gen Z tại Việt Nam mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau khi ra trường là 9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 60% sinh viên khá giỏi đặt mục tiêu trở thành quản lý trong vòng 2 - 3 năm.
Ngoài ra, giới trẻ hiện đại cũng mong muốn mở rộng mối quan hệ, trải nghiệm thú vị, đa dạng, cân bằng công việc - cuộc sống. Tuy vậy, theo khảo sát, không ít người trong số họ đã ra trường và đi làm trong vòng 1 - 2 năm qua có dấu hiệu “vỡ mộng” khi kỳ vọng của họ chênh lệch lớn so với thực tế và năng lực của bản thân.
“Quyền lợi tốt, chốn công sở thân thiện, sếp biết bảo vệ, công nhận nhân viên là những điều bình thường và chính đáng bất cứ ai chứ không chỉ gen Z chúng mình mong muốn khi đi làm”, Trần Phương (26 tuổi, nhân viên truyền thông) cho biết.
Cá nhân Trần Phương nhận định việc về thế hệ lớn tuổi hơn phàn nàn lớp sau “yếu năng lực nhưng lười chịu khổ, đòi lương cao” là câu chuyện 8X, 9X cũng gặp phải, không phải đến gen Z mới xuất hiện.
Trần Phương cho rằng người trẻ hiện đại đang có điều kiện cuộc sống tốt, nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn và không còn mang nặng tư tưởng cống hiến, làm việc bạt mạng. Điều này khác với lớp anh chị đi trước, khi mục tiêu đôi khi chỉ dừng ở chỗ có công ăn việc làm. Nhưng việc người trẻ ngại chịu cực khổ hay không còn tùy thuộc vào giá trị công việc mang lại cho họ.
“Khi còn non kinh nghiệm, mình từng chọn 6 tháng làm thực tập ở một công ty nước ngoài với mức hỗ trợ chỉ 1 triệu đồng/tháng. Đổi lại, mình tích lũy được nhiều điều quý giá, chung nhóm với những đồng nghiệp có chung “sóng não” từ tính cách đến tư duy.
Còn bây giờ, mình muốn gắn bó với một công việc trong vòng 2 - 3 năm nên chắc chắn mình sẽ đặt ra tiêu chuẩn nhất định như sếp phải có năng lực dẫn dắt, mức lương tối thiểu công ty có thể trả, môi trường làm việc không độc hại”, Trần Phương nói.
Theo cô gái 26 tuổi, có nhiều gen Z năng động, sớm có thu nhập ở mức khá ngay từ khi còn đi học và cũng có những bạn còn chưa va vấp nhưng đã đòi hỏi cao trong khi khả năng giới hạn, tự thu hẹp cơ hội.
Gen Z sẵn sàng làm việc "hết công suất" nếu có được những quyền lợi phù hợp với mình |
“Với mình, mỗi người nên có kế hoạch phát triển bản thân trong giai đoạn đi làm nhất định để xác định mình đang cần gì, thiếu gì và những thứ công ty đem lại có phù hợp không. Bên cạnh đó, gen Z cũng cần học cách xử lý lịch sự khi từ chối công việc để tránh mất thời gian của bên khác”, Trần Phương chia sẻ.
Tương tự, khi ứng tuyển việc làm, Minh Đạt (27 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường win-win (cùng phát triển, cùng có lợi) bởi theo chàng trai trẻ, ý tưởng “bào mòn nhân viên” đã cũ và qua từ rất lâu.
“Mình mong sếp có tâm, có tầm, tâm lý và có thể học hỏi được nhiều. Môi trường cởi mở, lắng nghe ý kiến của nhân viên, theo kịp với quốc tế và thích nghi kịp thời chứ không giữ khư khư tư duy cũ. Mình thích làm việc với đồng nghiệp cùng trang lứa vì sợ khoảng cách thế hệ nếu trong phòng, ban toàn cô chú, anh chị lớn tuổi”, Minh Đạt nói.
Theo Minh Đạt, những điều trên không phải đòi hỏi quá đáng. Bởi lẽ, gen Z có lợi thế là trẻ, tiếp thu nhanh và dễ thích nghi. Họ không đợi đến lúc đi làm mới học mà trang bị rất nhiều kỹ năng rồi mới tham gia thị trường lao động. Sự lựa chọn nghề nghiệp của gen Z cũng khác, nhiều người như Đạt bắt đầu đi làm sớm hơn để khi ra trường có thể đạt được vị trí mình muốn. Điều đó cũng nâng mức cạnh tranh và áp lực lên tầm cao mới.
Để có được quyền lợi win-win, nhân viên trẻ cũng phải thể hiện sự tôn trọng công ty trong suốt quá trình làm việc cho đến khi thực sự muốn rời đi. |
Điểm chung của gen Z là có sự bứt phá, sáng tạo và phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống nên đôi khi có thể làm khó người tuyển dụng. Ngược lại, thế hệ mình cũng có phần nông nổi, thích gì làm đó, không có lề lối, không thích gò bó, suy nghĩ chưa sâu sát, thiếu kinh nghiệm do tuổi đời còn trẻ.
Tuy nhiên, mình thấy môi trường tốt để phát triển năng lực là rất cần thiết. Nhiều công ty đưa ra đãi ngộ kém, mức lương nghèo nàn rồi bắt nhân viên trẻ phải làm việc hết mình, cống hiến thì không công bằng”, Minh Đạt nói.
Ngoài ra, Minh Đạt cho rằng nếu muốn quyền lợi win-win, nhân viên trẻ cũng phải thể hiện sự tôn trọng công ty trong suốt quá trình làm việc cho đến khi thực sự muốn rời đi.
“Mình không chọn rời đi nếu có đề nghị tốt hơn. Bởi khi đã xác định thử việc, mình đã muốn gắn bó với công ty đó. Mình chấp nhận mức lương chưa đáp ứng kỳ vọng nhưng sẽ mang lại giá trị nào đó mình muốn đạt được”, Minh Đạt chia sẻ.
Bài viết và trình bày: Thành Trung |