Gen Z chuẩn bị “đối phó” với “10 vạn câu hỏi vì sao” mùa Tết
Xu hướng chơi cây Tết theo phong cách "bền vững" của Gen Z Những câu hỏi khiến hội “gái ế khóc thét” khi Tết đến |
Muôn vàn câu hỏi "kém duyên"
Bạn Trịnh Mai Trang (28 tuổi, Hải Dương) hiện đang giữ chức vụ Phó trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Ngoài công việc chính, Trang còn “rẽ ngang” bán hàng online, nhận làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tăng thu nhập. Tài chính của cô bạn luôn đạt mức dư giả và thường xuyên gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nhiều việc trong nhà. Tuy con đường sự nghiệp sáng láng với nguồn tiền ổn định, Mai Trang vẫn không thoát khỏi cảnh bị “vây chặt” bởi những lời “chất vấn” đầy từ người thân và họ hàng.
Giới trẻ về nhà ăn Tết ngoài mang theo tư trang, hành lý còn phải chuẩn bị cho mình một "tâm hồn đẹp" và sự kiên nhẫn để đối phó với loạt câu hỏi ngày Tết. |
“Mình thường xuyên nhận được những câu hỏi về đời sống tình cảm và tình trạng hôn nhân” – Mai Trang chia sẻ: “Các cô, bác trong gia đình luôn tỏ ra “soi xét” thái quá về việc mình vẫn còn độc thân, thậm chí cho rằng mình “có vấn đề tâm lý” khi ở độ tuổi này vẫn chưa kết hôn hoặc dẫn người yêu về ra mắt gia đình”.
Mai Trang tâm sự, cô bạn đã cố gắng hết mình trong công việc và mong muốn đạt được những thành tựu cao hơn nữa trên con đường sự nghiệp. Trang cảm thấy có phần hụt hẫng khi những thành công mà mình có không nhận được sự quan tâm, công nhận của những vị khách “kém duyên” mà còn bị gạt đi.
“Ở quê mình, các cô, bác họ hàng và người thân đều cho rằng con gái không cần sự nghiệp phát triển hay kiếm được nhiều tiền. Đối với họ, con gái đến tuổi phải lấy chồng, sinh con và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mình cảm thấy rất bất công và có phần bức xúc trước sự bảo thủ của họ. Nhưng không thể làm gì để tránh được sự quan tâm có phần... thái quá của họ hàng mỗi khi nghỉ Tết. Dẫu bố mẹ luôn hiểu và bênh vực mình, nhưng trải qua nhiều năm, những câu hỏi “kém duyên” mùa Tết họ hàng dành cho mình vẫn luôn như thế mà chẳng có gì thay đổi”.
"Đã lấy chồng chưa?" ,"Đã lấy chồng chưa?", "Đã lấy chồng chưa?" |
Giống như trường hợp của Mai Trang, bạn Nguyễn Anh Minh (29 tuổi, Nam Định) thậm chí còn vướng vào những tình huống có phần “éo le” đến mức dở khóc dở cười. Theo chia sẻ của Anh Minh, anh chàng là người đồng tính nam, đã come-out (công khai) với bố mẹ và bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, nhiều người họ hàng xa vẫn chưa biết điều này hoặc thậm chí không chấp nhận. Và cứ như thế, mỗi mùa Tết đến là lúc Anh Minh phải “gồng mình” đối phó với công cuộc “ép góc” nhiệt tình đến từ đội chơi mang tên “họ hàng xa”.
“Mỗi khi nghỉ Tết, mình phải chuẩn bị tâm lý vững vàng trước màn “hỏi cung” của người thân trong gia đình. Chủ đề hỏi xoay vòng từ “Lương tháng bao nhiêu sao không dư?”, “Đã mua nhà, mua xe chưa?” ... cho đến những chủ đề riêng tư như “Khi nào cưới vợ?”, “Tại sao năm nay không đưa bạn gái về ra mắt?"... Nếu bản thân không khéo léo ứng xử trả lời sẽ rất dễ làm phật lòng người thân. Mình luôn phải kiềm chế cảm xúc và cư xử nhã nhặn hết mức có thể để giữ hòa khí trong nhà ngày Tết. Nhưng thú thật, mình cảm thấy rất đau đầu và chán chường khi nhận được những “sớ” hỏi đáp dài dằng dặc như vậy. Mong là sắp tới mình sẽ có những biện pháp “xử lý” tình huống mượt mà hơn, tránh gây sự khó chịu cho cả đôi bên”.
Giới trẻ muốn "tàng hình" trước loạt thăm hỏi dồn dập từ người thân, họ hàng. |
Anh Minh kể, năm 2022 có một người bác họ tỏ ra khá “nhiệt tình” trong công cuộc mai mối “vợ tương lai” cho anh chàng. Người bác này “ép” Minh ngay ngày mùng 4 Tết phải đi xem mắt một cô gái với ý định tiến tới hôn nhân. Anh chàng đã phải chấp nhận buổi xem mắt do không muốn làm mếch lòng người bác. Minh vẫn nhớ rõ về cuộc gặp gỡ đầy ngượng nghịu nhưng không kém phần bất ngờ và hài hước.
“Tại buổi xem mắt, mình và bạn nữ được giới đã mất hơn 40 phút cho những cuộc hội thoại gượng gạo. Bản thân là một người thẳng thắn nên mình đã quyết định bày tỏ sự thật cho cô bạn được biết. Bất ngờ là bạn nữ đã cười phá lên thích thú và kể rằng cô ấy cũng trong cảnh ngộ bị gia đình “ép” đi xem mắt vì đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa kết hôn. Vỡ lẽ ra câu chuyện, hai người sau đó đã trò chuyện cởi mở hơn, thậm chí nhận ra mình và bạn có rất nhiều sở thích chung. Đến bây giờ mình vẫn giữ mối quan hệ bạn bè tốt với cô ấy, hai đứa mỗi lần nhắc về kỷ niệm lần đầu gặp đều cười bò vì sự “éo le” đã trở thành điểm bắt đầu cho một tình bạn lâu dài” - Minh vui vẻ cho biết.
1001 cách “đối phó”
Những câu hỏi, sự quan tâm kể trên từ gia đình, người thân, họ hàng đều xuất phát từ sự tò mò, đôi khi có một chút tọc mạch mà hiếm khi có sự ác ý trong đó. Đa phần sau khi biết được về sự khó chịu, bức xúc gây ra bởi những câu hỏi “kém duyên”, người hỏi lại cho rằng giới trẻ ngày nay đang phản ứng có phần “thái quá” và “suy diễn” lung tung...
Đối với những cô, dì, chú, bác... trong gia đình, việc đặt những câu hỏi đó chỉ đơn giản là những câu chuyện phiếm bên bàn trà ngày Xuân. Nhưng những câu hỏi lại luôn có thiên hướng áp đặt tư tưởng cũ kỹ khiến giới trẻ không tránh khỏi tâm lý không thoải mái.
Bạn trẻ khi gặp tình huống này cũng cần xem xét có nên phản ứng công khai trước những người hỏi hay nên kiềm chế bản thân.
Nhiều bạn trẻ đùa rằng phải chuẩn bị sẵn bảng thông tin cá nhân công khai treo trước nhà để tránh bị "hỏi thăm" kém duyên. |
Dưới đây là một vài ví dụ cho giới trẻ “đối phó” với bộ câu hỏi “kinh điển” ngày Xuân
- Bao giờ lấy chồng/vợ? - Duyên số Trời định nên đến đâu hay đến đó ạ.
- Lương tháng được bao nhiêu?/ Thưởng Tết được bao nhiêu? – Năm qua cũng dư dả để phụ giúp cho gia đình và sống no đủ ạ.
- Đã mua nhà chưa? – Bản thân chưa ngắm được nơi nào ưng ý nên cần xem xét thêm ạ.
- Đã có người yêu chưa? – Có nhiều người yêu nhưng chưa chọn được người mình yêu ạ.
- Sao dạo này béo thế? – Đi làm được sếp trên quý mến nên năm qua “hưởng lộc” hơi quá đà ạ.
- Khi nào có con? - Con cái là lộc Trời cho, được lúc nào hay lúc ấy ạ.
Với phương án đối phó linh hoạt và mềm dẻo, những câu trả lời bộ câu hỏi ngày Xuân sẽ trở nên hài hước và thậm chí còn có tính Flexing (khoe khéo) vô cùng ấn tượng. Nhưng nếu các bạn trẻ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không tránh khỏi sự khó chịu, kết thúc hội thoại và “rút quân về thành” hoàn toàn là lựa chọn khả dĩ.
Việc buộc bạn trẻ phải tham gia vào một cuộc trò chuyện khiến bản thân hoặc những người xung quanh chịu tổn thương tinh thần là một điều hết sức vô lý và áp đặt. Vậy nên, việc giới trẻ tự đưa mình thoát Pressing (thoát khỏi áp lực) trong những cuộc trò chuyện “trời ơi” đầy mệt mỏi là cách thiết lập ranh giới tốt nhất. Nhưng không có nghĩa là các bạn trẻ nên “tạo nét” với sự bực dọc ra mặt hay náo loạn buổi gặp mặt gia đình mà nên ứng biến những lý do phù hợp để “rút lui” khỏi sự “kém duyên” dai dẳng.
Khuôn mặt quen thuộc của giới trẻ khi nhận được những câu hỏi kém duyên ngày Tết (Ảnh: Giang Ơi) |
Với bạn Đỗ Thanh Ngân (26 tuổi, Ba Vì), một phương án để tránh xa những drama ngày Tết chính là tận dụng kỳ nghỉ để đi khám phá, du lịch đó đây. Ngân nói: “Mình thường xuyên về quê và dành thời gian cho gia đình qua nhiều dịp trong năm nên việc đi du lịch ngày Tết luôn được bố mẹ cởi mở và ủng hộ. Kỳ nghỉ Tết dài sẽ giúp mình có thêm thời gian khám phá và thư giãn sau những công việc bộn bề. Một phần nữa là mình muốn tránh đi sự “thăm hỏi” của bà con hàng xóm và người thân họ hàng. Đối với họ chỉ là những lời hỏi thăm vô hại, nhưng đối với mình là những áp đặt vô hình về “trách nhiệm” và “nghĩa vụ” cần làm theo quan điểm của họ. Bản thân là một người tự do và không dựa dẫm, mình không muốn nghe những câu như “Con gái học nhiều làm gì rồi cũng ở nhà nuôi con cả thôi” hay “Sao thưởng Tết của cháu ít thế, con bác được tận trăm triệu cơ”... Mình nghĩ việc “né” đi sự khó chịu không phải là điều vô lý và mình chọn du lịch như một phương án giải tỏa stress và tận hưởng thành quả lao động 1 năm qua vô cùng xứng đáng”.
Niềm tin, sự động viên và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và người thân trong ngày Tết là nguồn động lực quan trọng cho năm mới hạnh phúc. Vì vậy, hãy tránh để những câu hỏi “kém duyên” hay áp đặt vấn đề làm mất đi khoảnh khắc quý báu của niềm vui và hòa mình vào không khí sum vầy của gia đình và những người thân yêu. Hãy thể hiện tình cảm bằng cách chia sẻ niềm vui thông qua nụ cười, những cái ôm ấm áp, và sự chia sẻ chân thành, nhưng đồng thời cũng cần tránh tò mò quá mức và làm mất sự riêng tư, đặc biệt là trong những câu hỏi thiếu tế nhị.