Dự thảo Luật Nhà giáo không cấm dạy thêm, học thêm

Dự thảo Luật Nhà giáo không cấm dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan...
Quốc hội sẽ “nóng” tại cuộc chất vấn về dạy thêm, học thêm Không để “quản lý kém” thì cấm học thêm, dạy thêm

Sáng 9/6, tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự Luật Nhà giáo.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp; quy định rõ chế độ làm việc của nhà giáo tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, việc cho phép nhà giáo là giảng viên đại học được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là chính sách mới nhằm tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, đã được Quốc hội thảo luận kỹ và có sự thống nhất cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh việc đề xuất mở rộng chính sách cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần được nghiên cứu kỹ. Sau khi đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành sẽ có căn cứ mở rộng đối tượng ở giai đoạn tiếp theo. Việc phân công nhiệm vụ, cân đối phân bổ thời gian làm nhiệm vụ của nhà giáo tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành.

Về chính sách tiền lương, phụ cấp (Điều 25), chính sách hỗ trợ (Điều 26), chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo (Điều 27), có ý kiến đề nghị làm rõ quy định lương, phụ cấp của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; quy định bảo đảm công bằng về lương giữa nhà giáo khu vực công lập và khu vực ngoài công lập; quy định cụ thể mức hỗ trợ về nhà ở, thanh toán tiền đi lại đối với nhà giáo công tác tại vùng khó khăn.

Dự thảo Luật Nhà giáo không cấm dạy thêm, học thêm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Theo cơ quan thẩm tra dự án luật, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức; do vậy, lương của nhà giáo thực hiện theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc quy định nhà giáo được hưởng lương, phụ cấp xếp cao nhất là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-Kl/TW của Bộ Chính trị. Nội dung này cơ bản không trái với tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng nhấn mạnh, việc quy định tiền lương của nhà giáo khu vực ngoài công lập bảo đảm không thấp hơn khu vực công lập có thể ảnh hưởng đến chính sách xã hội hóa giáo dục, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của cơ sở giáo dục ngoài công lập. Do vậy, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Việc quy định cụ thể mức hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ thanh toán tiền đi lại đối với nhà giáo công tác tại vùng khó khăn là những nội dung triển khai thực hiện, sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm nhà giáo dạy thêm trái quy định pháp luật, cấm dạy thêm học sinh mà nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy; làm rõ hơn việc tổ chức, cá nhân không được đăng tải, phát tán thông tin về nhà giáo.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự thảo luật không cấm dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

Dự thảo Luật Nhà giáo không cấm dạy thêm, học thêm
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đã ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó đã quy định nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy.

Góp ý vào dự thảo luật, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho rằng cần có các quy định rõ ràng cấm dạy thêm để trục lợi. Theo bà Hải, như định nghĩa bà tìm hiểu trên mạng thì dạy thêm là việc giáo viên, người có chuyên môn dạy ngoài giờ, ở trung tâm, tại nhà hay online.

“Tôi có nghiên cứu và nắm được thông tin thông tư về dạy thêm học thêm được các tỉnh rất quan tâm, hướng dẫn. Nhưng học thêm có biến tướng, có trường hợp thầy cô dạy qua Zoom và vẫn thu tiền”, bà Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn quy định “ép buộc học thêm dưới mọi hình thức” vì nhiều năm nay chưa rõ tiêu chí “ép buộc” là thế nào. “Có trường hợp lại ép buộc viết đơn tự nguyện học thêm, vì vậy phải có quy định trong luật cấm dạy thêm để trục lợi.

Cũng nêu góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng dự thảo luật dùng từ “không ép buộc” là hay, bởi đã muốn ép buộc thì có nhiều cách thức và nhiều biến tướng.

“Nếu đã gọi là ép thì có nhiều biến tướng, quan trọng là quản lý làm sao phân biệt được ép hay không ép”, ông Phương nói và cho rằng không ép buộc học thêm cũng là tôn trọng quyền được học của học sinh và phụ huynh.

Cũng theo ông Phương, một học sinh có năng lực có thể tiếp thu được 70% kiến thức trên lớp nhưng cũng có học sinh chỉ tiếp thu khoảng được khoảng 50%, 40% và phải tự học, đi học thêm… Do đó, dự thảo luật dùng từ “không ép buộc” là tốt rồi. Ông cũng bày tỏ băn khoăn chuyện cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình ở trên lớp và đề nghị cần nghiên cứu thiết kế lại.

“Cấm như thế thì bây giờ ngay bản thân học sinh bảo: “không, em cứ muốn cô em dạy thêm cho em chứ cô khác dạy em không hiểu”. Vậy đi học thêm mà không cho đăng ký học với cô đã dạy mình trên lớp thì rất vô lý. Giờ tôi phụ trách lớp 7A, tôi không được cho học sinh lớp 7A học thêm là vô lý”, ông Phương nói.

Giải trình, làm rõ vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy học là hoạt động công vụ. Vì vậy, việc cấm dạy thêm nhằm để nhà giáo hoàn thành trách nhiệm công vụ trong việc truyền đạt chương trình chính khóa, không đưa chương trình về nhà dạy.

“Trong phần quy định những điều nhà giáo không được làm thể hiện về đạo đức nhà giáo hơn là chuyên môn. Còn việc ép hay không ép như thế nào thì có các văn bản pháp luật khác. Nếu nhà giáo không hoàn thành trách nhiệm công vụ thì có thể dẫn đến những biến tướng khi giáo viên đưa các chương trình chính khóa về nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Thành Nhân
Phiên bản di động