Dấu ấn văn hóa xứ Đoài

Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra vận hội mới cho Thủ đô Hà Nội, nâng diện tích lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới. Đối với văn hóa và tâm linh, Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời. Hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.
Sơn Tây: Bánh tẻ Phú Nhi - Lưu giữ hồn quê xứ Đoài Báu vật đa cổ nghìn năm tuổi độc nhất vô nhị bên ngôi đền thiêng ở Hà Nội Văn hóa tâm linh, mê tín dị đoan và những tác động hai chiều đến xã hội

Xứ Đoài (Đoài là hướng chính Tây - một trong 8 hướng bát quái) theo từng quan điểm, thời kỳ, có thể trải từ Phú Thọ xuống ranh giới phía Tây Hà Nội cũ (trước năm 2008). Từ dãy Ba Vì sang dãy Tam Đảo là vùng đất quanh các con sông Nhuệ, sông Hồng, sông Đáy hoặc hẹp hơn khi chỉ gồm các huyện phía Tây Hà Nội.

Xứ Đoài là một vùng đất rộng lớn bao bọc trung tâm châu thổ sông Hồng ở phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc. Nơi đây được định vị bởi sông Đà ở phía trên và sông Nhị Hà ở phía dưới, tả ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ. Xứ Đoài còn có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba sông, đó là sông Đà, sông Thao và sông Lô.

Dấu ấn văn hóa xứ Đoài
Cảnh đẹp chùa Thầy

Mùa xuân về thăm xứ Đoài, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống của một vùng quê sơn thủy hữu tình với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của người Việt cổ. Hơn thế, du khách còn được hưởng "một không gian văn hóa vật thể và phi vật thể" rất độc đáo, đa dạng và hấp dẫn.

Xứ Đoài vốn có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời với cảnh vật hữu tình. Ao Vua, thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, dãy núi Ba Vì âm vang cồng chiêng, sông sâu dồn tiếng mái chèo khua nước… Xứ Đoài còn trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt. Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đình Tây Đằng, những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, sự tích thần Tản Viên - một trong tứ vị thần bất tử Việt Nam, bà Man Thiện - người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng… với những bài văn tế thần, lễ nghi cúng bái, lễ hội đền chùa, các lễ hội về Thánh Tản: Rước bài vị Thánh qua sông Hồng, mở tiệc cá gỏi làm bằng cá lăng, cá quất dâng lên Sơn Tinh, rước Thánh Tản về tế Đền Hùng… tràn khí thiêng địa linh, nhân kiệt.

Dấu ấn văn hóa xứ Đoài
Những bức tường bằng đất đá ong ở làng cổ Đường Lâm

Khi tìm hiểu về xứ Đoài, người ta thấy tính cách của người dân nơi đây khá bộc trực và ngay thẳng, sống khẳng khái, khoan dung, nhường nhịn, ít háo danh. Người dân xứ Đoài nổi tiếng hay làm và cũng rất khéo tay. Con trai xứ Đoài có tiếng là tài hoa, gan dạ và thông minh. Con gái xứ Đoài chịu thương chịu khó, giỏi làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con. Người dân xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều được quan tâm giúp đỡ theo phương châm "tứ hải giai huynh đệ".

Nói tới xứ Đoài, người ta không chỉ nhắc tới quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng như gấm và lụa vân Vạn Phúc; Lụa, the, lĩnh La Khê; Tiện gỗ Nhị Khê; Thợ nề thợ mộc làng Chàng; Thợ đá ở Hoàng Xá... mà còn nhắc tới đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian như hát dô (huyện Quốc Oai), chèo tàu (Đan Phượng), múa sênh tiền (huyện Phú Xuyên), trống quân (Thường Tín), phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn. Sôi nổi hơn nữa là hội hát chèo tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử...

Dấu ấn văn hóa xứ Đoài
Dấu ấn văn hóa xứ Đoài

Nhiều đời nay, xứ Đoài với vùng lõi thị xã Sơn Tây còn là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như làng cổ Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây; Chùa Mía - ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất miền Bắc, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, rặng duối 1.000 năm tuổi, hơn 200 ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại từ 100 - 400 năm… Đặc biệt, Sơn Tây còn một số giếng cổ mang màu sắc huyền thoại xứ Đoài mà ngày nay Nhân dân vẫn lấy nước để sinh hoạt như giếng Chân Voi (phường Quang Trung), giếng Ngõ Bắc, Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), giếng Đà Hang (xã Thanh Mỹ), giếng xóm Chim, xóm Sải, xóm Hè, giếng sữa Chuông Sa (xã Đường Lâm).

Nhìn lại lịch sử văn hóa, đấu tranh dựng nước và giữ nước của hai vùng đất này cũng có những nét tương đồng, gắn bó và bổ trợ nhau. Trong dựng nước và giữ nước, Nhân dân ta thường đấu tranh với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều và giành thắng lợi nhờ tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Trong đó, Hà Nội và Hà Tây cũ thực chất như một, gắn kết với nhau, từ thời nhà Trần, nhà Lê đến sau này.

Hà Tây với những “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, với “chiếc gậy Trường Sơn”… vẫn được xem như phên giậu, như cửa ngõ, tấm áo giáp giúp Thủ đô nghìn năm bền vững. Mười ba năm kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, những nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Hà Tây cũ vẫn đang được gìn giữ.

Về góc độ văn hóa, Thăng Long xưa, Hà Nội trước và sau khi mở rộng đều nằm chung trong khu châu thổ sông Hồng. Nói đến văn hóa, người ta vẫn hay gọi chung là văn hóa sông Hồng. Mặc dù Hà Tây và Hà Nội xưa, mỗi nơi có nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng nét chủ đạo, nét chung vẫn là văn hóa sông Hồng.

Dấu ấn văn hóa xứ Đoài
Cảnh đẹp Suối Yến (chùa Hương)

Nếu vùng văn hóa Thăng Long - cái nôi của nền văn hóa dân tộc, hình thành cùng với nền văn minh sông Hồng được đắp bồi, là kết tinh của văn hóa tâm linh và hào khí dân tộc thì văn hóa xứ Đoài cũng là “một vùng trời đất gấm hoa”. Có ý kiến lo lắng, sự kết hợp giữa hai vùng văn hóa lớn này nếu cùng cộng hưởng, giao thoa, thẩm thấu vào nhau thì mỗi bên có bị tổn hại, bị phai nhạt bản sắc văn hóa của mình không? Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận định: “Sau khi hợp nhất vào Hà Nội, trở thành những công dân Thủ đô thì đời sống của người dân Hà Tây cũ cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đường làng ngõ xóm cũng được sửa sang, đời sống khá lên. Nhiều cụ già nói với tôi, cái họ thấy là được nhiều hơn lúc trước. Nhiều vùng quê ở Hà Tây sau khi hợp nhất được áp dụng những mô hình sản xuất công nghệ cao. Đấy là những nét tương đồng, hỗ trợ cho nhau phát triển tốt đẹp hơn”.

Hơn 10 năm, chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình. Các nền văn hóa cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc để vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực, tạo thành giá trị văn hóa Thủ đô.

Mỗi khi nhắc tới xứ Đoài, người ta cảm thấy bịn rịn với những nét xưa, để mỗi người thêm yêu và có trách nhiệm nhiều hơn với văn hóa của vùng đất mà mình đã và đang sống. Chính điều này làm cho văn hóa xứ Đoài thêm đậm đà bản sắc và tồn tại mãi với thời gian.

Khánh Vy
Phiên bản di động