Chạy sô đám cưới dịp cuối năm
“Chạy sô” đám cưới
Từ đầu tháng 10/2021 tới nay, Nguyễn Hạnh Huyền (25 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ rằng đã được mời đến 6 đám cưới của bạn bè và người thân. Hạnh Huyền cũng cho biết trước mắt trong tháng 11 cô đã nhận được thêm 3 lời mời tham dự đám cưới nữa.
“Mình không quá bất ngờ bởi cuối năm thường được coi là “mùa cưới”, đặc biệt là năm 2022 còn được coi là năm “đẹp” để bạn bè sinh năm 1998 như mình cưới nữa. Tuy nhiên, khi các tấm thiệp cứ liên tục được gửi đến, mình cảm thấy không khỏi “choáng váng” và giật mình”, Huyền chia sẻ.
Theo Huyền cho biết, cô không thể tham dự tất cả đám cưới được mời bởi một số người bạn tổ chức ở quê hoặc ở xa, trùng với lịch làm việc và công tác của Huyền. Tuy vậy, cô gái trẻ đều gửi tiền hoặc quà tới chúc mừng.
Những đám cưới được tổ chức nhiều hơn khiến không ít người, đặc biệt là giới trẻ “dở khóc dở cười” vì những lời mời liên tục và dồn dập… |
“Nếu không vì công việc, mình chắc chắn sẽ sắp xếp thời gian đến và chia vui cùng bạn bè. Ở xa, mình gửi phong bì hoặc chuyển khoản trực tiếp để mừng từng người, có đám thì 500.000 đồng, có đám thì 1 - 2 triệu đồng. Ngoài các đám cưới ra, mình còn được mời tới các bữa tiệc sinh nhật, tân gia. Mỗi lần đi như vậy mình sẽ mất thêm một khoản chi phí nữa”, Huyền nói.
Đối với Hạnh Huyền, cô không hề nghĩ ngợi về chuyện tiền bạc khi bạn bè mời cưới bởi tất cả đều là mối quan hệ thân thiết và là những người cô yêu quý. Nhưng khi các đám cưới cùng diễn ra trong một thời điểm, cô gái 25 tuổi có phần bối rối và buộc phải tìm cách cân đối lại chi tiêu.
“Mình cũng vừa chuyển công việc, lương chưa cao và thời điểm này cũng chưa có thưởng Tết nên mình phải dùng đến khoản tiết kiệm. Tính ra, trong hơn 1 tháng vừa rồi, mình đã dùng đến gần 15 triệu đồng để mừng các ngày vui của bạn bè, người thân. Nếu không tích cực làm việc chắc Tết này mình không biết lấy gì mà tiêu nữa”, Huyền bày tỏ.
Ra về sau khi dự tiệc cưới của một người bạn học cùng cấp 3, Thùy Trang (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại nhận được lời mời đến chung vui từ hai người bạn khác trong lớp cũng chuẩn bị lên xe hoa.
Gặp lại bạn bè, đồng hương ở tiệc cưới, một số khách mời sắp sửa tổ chức hiếu hỷ cũng tranh thủ thông báo tin mừng hoặc phát thiệp cho người quen. "Ăn một đám và nhận về thêm 2 tấm thiệp mới", Thùy Trang vừa cười vừa miêu tả tình cảnh của mình. Tính đến hiện tại, cô gái trẻ đã có ít nhất 4 lời mời dự đám cưới vào tháng 11 tới.
Thu Trang bối rối khi liên tục "chạy sô" đám cưới |
Khi các tấm thiệp liên tục được gửi đến, cô gái 24 tuổi có phần bối rối và phải tìm cách tính toán lại chi tiêu, trước hết là cân nhắc độ thân thiết của mối quan hệ để quyết định có đi hay không.
Nếu câu trả lời là "không", đồng nghĩa với việc Trang sẽ bỏ qua luôn không gửi tiền mừng mà không quá đắn đo chuyện liệu có làm mất lòng người mời. "Trong 2 lời mời gần nhất, chỉ có một người bạn là chơi thường xuyên. Đám đó chắc chắn đi nhưng cái còn lại thì mình còn đang cân nhắc", Thùy Trang bày tỏ.
Nỗi lo tài chính bủa vây
Những thay đổi trong gia đình khiến Trần Thị Thu Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) phải từ bỏ công việc mình đã gắn bó hơn 2 năm. Hiện tại, cô gái trẻ vừa vào làm việc tại công ty mới gần 2 tháng với mức lương thử việc.
Làm việc chưa được bao lâu, Thu Trang nhận được thiệp đám cưới từ hai đồng nghiệp, trong đó có một người là trưởng nhóm của mình. Dù đang trong thời gian khó khăn về tài chính, cô gái trẻ vẫn vui vẻ, niềm nở và tham dự, gửi tiền mừng đám cưới.
“Mình đang trong quá trình thử việc, kinh tế chưa ổn định lắm nhưng thực sự rất khó lòng để từ chối lời mời từ đồng nghiệp. Mình cũng nghĩ rằng mừng đám cưới là “có đi, có lại” nên vô tư và không quá suy nghĩ, tính toán thiệt hơn”, Thu Trang nói.
Tuy nhiên, khi mà Tết Nguyên đán với nhiều khoản chi phí đang đến gần, cô gái trẻ lại nhận được thêm 1 tấm thiệp mời cười từ đồng nghiệp và 2 thiệp cưới từ bạn bè. Từ chỗ vui vẻ nhận lời, Thu Trang trở nên lo lắng khi khoản mừng cho các dịp này sẽ khiến kế hoạch tài chính và dự định của cô bị ảnh hưởng.
Thu Trang lo lắng khi khoản mừng cho các đám cưới liên tục sẽ khiến kế hoạch tài chính và dự định của cô bị ảnh hưởng. |
“Mình không thể từ chối và bỏ qua đám cưới nào cả, đó đều là những người quan trọng với mình. Chỗ nào không thân thì mình mừng 500.000 đồng, còn bình thường thì 1 - 2 triệu đồng hoặc tặng quà cưới bằng vàng cho mỗi đám. Cứ liên tục như vậy, mình không thể không bận lòng được khi còn chưa biết lương và thưởng Tết năm nay như thế nào”, Thu Trang thở dài.
Cũng chung tâm thế “chạy show” đám cưới những ngày gần đây, Đỗ Hải Đăng (26 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng tình trạng này là không thể tránh khỏi khi bước vào mùa cưới, nhất là khi nhiều cặp đôi hoãn kết hôn vì dịch bệnh nay mới làm tiệc đãi khách.
Trong vài ngày cuối tháng 10, Hải Đăng đã tham dự tới 4 đám cưới. Tất cả đều là chỗ thân thiết, mời cả tiệc thân mật hôm trước và tiệc chính nên khiến anh khá khó xử.
Không tốn nhiều khoản chuẩn bị bên lề như váy áo, trang điểm hay phụ kiện giống phái nữ, Hải Đăng lại đau đầu khi thường nhận được lời mời đi “tăng 2, tăng 3” của bạn bè gặp ở đám cưới. Anh vừa tốn thêm một khoản, vừa mệt mỏi vì uống nhiều rượu bia. Trước đó, Đăng thường bỏ phong bì 500.000 đến 1 triệu đồng tùy mức độ thân thiết với cô dâu, chú rể.
“Thật ra thì lâu lâu mới dồn dập như vậy thôi, còn bình thường lai rai 1 - 2 đám không đáng kể, nhưng đúng là thời điểm này “chóng mặt” thật. May là tôi làm tự do, không quá ảnh hưởng lịch làm việc như nhiều người khác. Dù vậy, cuối năm nay mình phải cân nhắc chi tiêu thật kỹ không có “mất Tết” mất thôi”, Hải Đăng bày tỏ.