“Chàng trai robot” đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Từng là “chàng trai robot” của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động ĐH Bách khoa nhưng Phạm Ngọc Anh Tùng lại bỏ học để làm nông nghiệp.
Robot chiến đấu Type-X - một xu hướng mới của kỹ thuật quân sự Xem robot nhảy nhót điêu luyện theo nhạc Robot diệt cỏ dại của sinh viên Bách khoa

“Phải lòng” nông nghiệp

Tùng học chuyên ngành Điện tử - Tự động hóa tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và từng giành rất nhiều giải thưởng lớn về chế tạo robot. Thậm chí, anh sớm sở hữu một startup công nghệ. Tuy nhiên, năm thứ 3 đại học, Tùng quyết định rời trường học để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp.

“Ở Việt Nam, đang học đại học rồi nghỉ có thể là chuyện khác thường. Nhiều người còn cảm thấy mạo hiểm nhưng tôi thấy bình thường. Tôi nghĩ cần biết rõ bản thân muốn gì, là ai và tìm kiếm con đường thực hiện”, Tùng chia sẻ.

Nhiều người tò mò không biết sau quyết định "bất thường" đó, Tùng sẽ làm gì? Nơi anh đến chính là vùng Cầu Đất, Đà Lạt. Ba năm làm Giám đốc nông trại Cầu đất, Tùng học tập và trưởng thành trong môi trường thuần nông nghiệp. Anh có cơ hội đến 15 quốc gia để tập huấn, học tập và nghiên cứu các mô hình nông nghiệp.

Phạm Ngọc Anh Tùng
Phạm Ngọc Anh Tùng

Đặc biệt, Tùng được tìm hiểu nông nghiệp cả ở góc nhìn của nhà quản lí, lẫn người trực tiếp sản xuất, vừa thu mua, vừa phân phối và xuất khẩu. Tùng “phải lòng” nông nghiệp lúc nào không hay.

Tuy nhiên, ước mơ của Tùng là xây dựng một công ty về công nghệ, Cầu Đất Farm có lẽ chưa đủ rộng để anh thực hiện được ước mơ của mình. Bên cạnh đó, khi làm nông nghiệp, câu hỏi mà anh nhận được nhiều nhất từ gia đình, bạn bè là: Mua cái này có tốt không, có phun thuốc không và mua ở đâu là tin cậy? Đó cũng là câu hỏi phổ biến nhất của những người tiêu dùng hiện nay về thực phẩm.

Để trả lời những câu hỏi đó, tháng 12/2018 sàn thương mại điện tử dành cho nông sản mang tên FoodMap được Tùng khai sinh từ một văn phòng nhỏ do người bạn cho mượn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi anh phải đối mặt với bài toán về cả về nguồn vốn, nhân sự. “Có những lúc tôi phải đi làm bên ngoài gần 6 tháng để đủ nguồn lực nuôi công ty phát triển. Đến làm việc với nông dân, tôi lại phải đối diện với hàng loạt thắc mắc lẫn hoài nghi về khả năng bán được hàng, thu mua giá cao, được mùa không “rớt” giá…”, Tùng kể.

Tránh “được mùa mất giá”

Theo Tùng, đó là bài toán "con gà quả trứng". Người dùng phải nhiều thì nhà cung cấp mới tham gia sàn và mang tới nhiều sản phẩm. Ngược lại người dùng chỉ lên sàn khi mua sắm tiện lợi, hàng đa dạng và nhiều nguồn cung cấp. Tùng và các cộng sự phải mất một năm giải quyết bài toán này trong nguồn lực vô cùng hạn hẹp.

Trong những thời điểm khó khăn đó, Tùng luôn kiên định quan điểm: FoodMap, nhà sản xuất và nông dân cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

“Chàng trai robot” đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử
Khát vọng của Tùng là xây dựng "bản đồ nông sản" , đưa nông sản Việt Nam ra thế giới

Để làm được điều đó, trước mỗi chiến dịch được khởi động anh đều có khoảng thời gian dài khảo sát, làm việc với nhà sản xuất. Ví dụ, để thực hiện chiến dịch sầu riêng, FoodMap cùng nhà vườn làm việc liên tục với nhau từ lúc cây mới trổ bông, ra quả non đến khi trái chín và vận chuyển về kho của công ty. Trong chiến dịch, công ty không chỉ bao tiêu vườn mà còn mua với giá cao hơn so với thị trường cho nông dân.

Đặc biệt, FoodMap thực hiện theo phương châm “From farm to table: two sides – one chain – one platform” (đưa đặc sản từ vườn tới thẳng bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng đều có lợi nhất). Thông qua nền tảng này, sợi dây kết nối giữa hai đầu sản xuất và tiêu dùng được thắt chặt gần nhau hơn.

Đến nay, chuỗi hệ thống FoodMap đã kết nối với hơn 500 nhà sản xuất, hơn 2.000 hộ nông dân ở 40 tỉnh thành trên toàn quốc. Chuỗi hệ thống có hơn 2.000 sản phẩm được bán, chủ yếu là đặc sản và trái cây vùng miền thân thiện với người sử dụng.

FoodMap trở thành cánh tay nối dài với nông dân, khi hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, cũng như xúc tiến đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon…

Cuối năm 2019, FoodMap vinh dự đại diện Việt Nam lọt vào vòng chung kết của Asia Innovates 2019 do Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức tại Malaysia; Đoạt giải Most Impactful Innovation - Sáng tạo có ảnh hưởng nhất.

Cuối năm 2020, sau khi gọi thành công hơn nửa triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore), Tùng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng trải nghiệm đầu tiên O2O2O (online to offline to online) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là phiên chợ thử nghiệm về đặc sản nông nghiệp. Các đơn vị tham gia gian hàng được trưng bày miễn phí, được hỗ trợ nâng cao nhận diện thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Phạm Ngọc Anh Tùng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động