“Cây văn” Nguyễn Bình Nguyên

Chín năm liền Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Cậu học trò nhỏ còn có tình yêu với văn chương và đã cho ra đời những tác phẩm nhỏ của riêng mình khi mới học cấp 2.
Hội chợ ẩm thực sôi động và ý nghĩa của học sinh Chuyên Sư phạm Giới trẻ bày tỏ lòng biết ơn nhân Ngày của Mẹ Văn học, nghệ thuật khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc

Kết bạn với chữ từ ngày thơ bé

Nguyễn Bình Nguyên từng giành giải Nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm 2022, với tác phẩm gây “sốt” cộng đồng mạng. Bức thư của cậu học trò nhỏ được Ban tổ chức cũng như bạn đọc đánh giá cao.

Nói về cậu con trai nhỏ, cũng là học trò của mình, chị Huyền Hậu (mẹ của Nguyễn Bình Nguyên) chia sẻ, với Nguyên và nhiều học sinh mà chị dạy, viết lách là việc làm hàng ngày của các bạn ấy. Nguyên cũng như các bạn học sinh được chị Hậu giao viết truyện ngắn, tuỳ bút là bài tập làm văn thường xuyên và trở thành thói quen. Có lẽ vậy mà chàng trai nhỏ được “kết bạn với chữ” ngay từ những ngày thơ bé. “Nguyên tự giác học tập, rèn luyện nên bố mẹ không phải ép con học. Mình chú trọng dạy con cách diễn đạt, để con viết ra được các ý tưởng”, chị Hậu cho biết.

Với Bình Nguyên, quá trình tìm ý tưởng văn chương luôn là thử thách. Cậu học trò nhỏ thường mất nhiều thời gian ở bước lên ý tưởng nhưng một khi chọn được hướng đi, các công đoạn còn lại không gây khó khăn cho Nguyên vì em có sức viết dồi dào.

Nguyễn Bình Nguyên
Nguyễn Bình Nguyên

Bắt đầu từ năm lớp 6, Nguyễn Bình Nguyên đã tham gia Câu lạc bộ Văn. Cậu học trò nhỏ còn làm cộng tác viên thường xuyên của báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng. Nguyên đã có 2 truyện ngắn đăng trên mục “Trang viết tuổi hồng” dành cho các cây bút nhỏ (tác phẩm “Giấc mơ” và “Tâm sự của cậu gà thời… Cô-vit”).

Bình Nguyên cũng từng là thành viên đoàn học sinh Hà Nội dự trại sáng tác trong lễ tổng kết và trao giải “Cây bút tuổi hồng” của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng tổ chức tại Đồng Tháp năm 2019. Cậu từng đóng vai trò chính trong xây dựng nội dụng Tạp chí văn học “Tàu lên chóp núi” của riêng tập thể 8A1, năm học 2020-2021.

Nguyên tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51, với chủ đề "Viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu". Ban đầu, cậu học trò lấy ý tưởng hóa thân thành cơn gió, viết thư gửi một đạo diễn nổi tiếng, từng đoạt giải Oscar, để chia sẻ suy nghĩ về biến đổi và khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, thấy mình không hiểu sâu về phim ảnh, Nguyên nhớ đến nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.

Quả ngọt của sáng tạo

Nam sinh cho rằng nếu chuyển hướng sang âm nhạc, em sẽ dễ diễn đạt hơn vì đã được học piano từ năm lớp 5. "Âm nhạc không có biên giới nên em muốn dùng âm nhạc truyền tải thông điệp bức thư", Nguyên nói.

Cậu học trò nhỏ viết văn như thói quen hàng ngày
Cậu học trò nhỏ viết văn như thói quen hàng ngày

Sau khi chốt được ý tưởng, Nguyên dành hai tuần đọc thêm sách, báo, tài liệu về các vấn đề khí hậu. Với Nguyên, việc này không khó vì theo dõi tin tức cũng là thói quen em được bố mẹ xây dựng từ nhỏ. Sự am hiểu những sự kiện thời sự được Bình Nguyên thể hiện rõ trong bức thư.

Nguyên mất một tháng để hoàn thành bản thảo đầu tiên, hơn 1.300 chữ. Được cô giáo góp ý không nên quá ôm đồm, đưa nhiều chi tiết, em chỉnh sửa và rút ngắn còn khoảng 1.000 chữ. "Qua bức thư, em muốn gửi gắm thông điệp mỗi người đều có khả năng, trách nhiệm để ngăn biến đổi khí hậu", Nguyên chia sẻ.

Bức thư của Nguyễn Bình Nguyên, đã xuất sắc đoạt giải Nhất. Em đặt tên cho bức thư của mình là “Lời khẩn thiết từ Ngọn gió không biên giới". Với ý tưởng hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, bức thư là một áng văn đẹp, bay bổng với thông điệp: Âm nhạc sẽ làm dịu bầu không khí căng thẳng về khủng hoảng khí hậu khắp toàn cầu. Âm nhạc có “quyền lực mềm” giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống.

Theo Bình Nguyên, ngọn gió được đi nhiều nơi, có thể len lỏi khắp các ngõ ngách, chứng kiến nhiều điều và cũng là thứ có thể đem theo tiếng nhạc. Vì vậy, nếu hóa thân thành ngọn gió thì sẽ nói được những nội dung không biên giới.

“Thông qua bức thư, em muốn gửi thông điệp rằng mỗi người trong chúng ta đều có khả năng và trách nhiệm trong việc khắc phục biến đổi khí hậu. Mong mọi người thực hiện trách nhiệm đó của mình”, Nguyễn Bình Nguyên bày tỏ.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động