Cần tăng cường truyền thông vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Trần Thị Quyên, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng quan trọng của quốc gia, là nhân tố đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã chú trọng trong việc xây dựng và thi hành những chính sách đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.
Có thể thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước và là lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, giải pháp đó.
Mỗi giai đoạn phát triển cần có nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ tại giai đoạn đó.
TS. Trần Thị Quyên, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội |
Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”.
Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 6%/năm. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Quy định quy trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo TS. Trần Thị Quyên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế tri thức, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Sinh viên được hỗ trợ tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh IT |
Trong bối cảnh đó, một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cần không ngừng phát huy nhân tố con người mà trước hết là đội ngũ nhân tài để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những đột phá trong tiến trình xây dựng đất nước, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam cần có sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
TS. Trần Thị Quyên đề xuất, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định quy trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sao cho đơn giản, tập trung vào bước làm rõ “yếu tố nhân tài” của người được thu hút. Về việc giữ chân nhân tài, cần đầu tư mũi nhọn cho giáo dục thay vì chỉ chủ yếu đầu tư theo chiều rộng như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực này đối với sự phát triển. Họ là nhóm lao động lõi của xã hội, đóng vai trò “đầu tàu” trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức; là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.