Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao
Tạo "cú hích" phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Cần chế độ, chính sách đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao Chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với hiệu quả công việc |
Vai trò nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các chủ trương, chính sách, thể chế được quy định trong Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt là Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp so với khu vực. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 |
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỉ lệ lớn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Dẫn đến, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, áp dụng đồng thời nhiều giải pháp như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thường xuyên đổi mới chương trình, giáo trình, đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy; đổi mới mô hình quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình quản lý, đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại đảm bảo đủ cho sinh viên, học sinh vừa học, vừa hành, vừa nghiên cứu, sản xuất; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo cho đến giải quyết việc làm; hoạt động của các nhà trường như một doanh nghiệp.
6 đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tham luận tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024 (ảnh: Phạm Mạnh) |
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao, tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia, nhân Tháng Công nhân năm 2024, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ cần xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia. Trong đó, chú trọng đầu tư đồng bộ, mở các ngành, nghề mới theo hướng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn 4.0, ngân sách hỗ trợ mở các nghề mới theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; Chia sẻ dữ liệu tuyển sinh đại học, xây dựng các chương trình đào tạo cho phép liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo.
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Khoản 2 điều 25 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần gia tăng nguồn thu để góp phần giúp các cơ sở đào tạo. Thành lập trường trong trường, thêm chức năng dạy văn hoá cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh cho rằng cần thiết thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tham gia Ngày hội gắn kết Giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2024 |
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội kiến nghị đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp như rà soát, sửa đổi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, ban hành các chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; xây dựng hệ thống thông tin quản lý hiện đại, kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống như cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Ban hành quy định sử dụng lao động qua đào tạo để thu hút người học nghề, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an sinh xã hội
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao cần ban hành quy định sử dụng lao động qua đào tạo để thu hút người học, góp phần tăng năng suất lao động. Ban hành thông tư hướng dẫn việc thu hút đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp từ doanh nghiệp, nhằm khai thác các thiết bị, công nghệ mới trong doanh nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp theo hướng xã hội hoá, hợp tác công tư.
Ông Phạm Xuân Khánh cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm cơ sở thực hiện cơ chế tự chủ tài chính toàn phần theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Ban hành chính sách đồng bộ, hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, đặc biệt là các nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng ít người học để thu hút học sinh vào học nghề, góp phần thay đổi cơ cấu trình độ; Bố trí kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đặc biệt là đối với các nghề mới, các nghề công nghệ cao.