Quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm

Mạnh tay trong quản lý trật tự xây dựng

Việc TP Hà Nội ban hành quy định áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, theo Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn kéo dài trong công tác quản lý đô thị. Đây là bước đi thể hiện sự quyết liệt của TP Hà Nội trong việc bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như giữ gìn trật tự, kỷ cương đô thị.
Chấn chỉnh trật tự đô thị tuyến phố Đồng Cổ Quyết liệt đảm bảo trật tự đô thị trên phố Nguyễn Văn Tuyết Đảm bảo an ninh và trật tự đô thị tại địa bàn trọng điểm

Tồn tại dai dẳng do thiếu chế tài mạnh

Trước đây, khi chưa có biện pháp cắt điện, nước, nhiều công trình xây dựng sai phép, lấn chiếm đất công hoặc chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động, gây khó khăn lớn cho công tác xử lý của chính quyền địa phương.

Những biện pháp như lập biên bản, ra văn bản thông báo đình chỉ công trình chưa đủ mạnh khiến chủ công trình chây ỳ không chấp hành. Thậm chí, một số chủ đầu tư cố tình phớt lờ các quyết định, thông báo, lợi dụng kẽ hở về thời gian thực thi để tiếp tục hoàn thiện công trình hoặc đưa vào sử dụng trái phép.

Ông Dương Văn Hoà, Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai: “Trước kia, chính quyền địa phương thật sự rất khó khăn trong quá trình xử lý nếu chủ công trình cố tình “đóng cửa” và xây dựng phía bên trong”.

Ông Phùng Công Thế, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ thẳng thắn nhận xét: “Nhiều công trình vi phạm trước đây đã tồn tại lâu năm, gây bức xúc trong dư luận nhưng rất khó xử lý dứt điểm. Không ít trường hợp, chính quyền địa phương ra thông báo đình chỉ nhưng không thực hiện được do vướng mắc về chế tài. Việc TP áp dụng biện pháp cắt điện, nước sẽ là công cụ mạnh tay, giúp chính quyền cấp cơ sở ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm".

Quy định mới bảo đảm an toàn và tính nghiêm minh

Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), từ ngày 1/1/2025, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm, bao gồm: Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, sai quy hoạch; Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động; Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn.

Theo ông Phùng Công Thế, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ: “Quy định mới không chỉ mang tính răn đe mà còn trực tiếp ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra. Việc cắt điện, nước khiến các công trình sai phạm không thể hoạt động, từ đó giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho người dân, đặc biệt trong các trường hợp không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy”.

Thực tế cho thấy, nhiều công trình vi phạm, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường hoạt động “chui,” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ nhưng vẫn thu hút khách hàng. Những sự cố đáng tiếc từng xảy ra là lời cảnh báo rõ ràng về việc cần có biện pháp mạnh tay như cắt điện, nước để ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự.

Tín hiệu tích cực từ người dân và chính quyền

Tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, ông Lê Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 phường, cho rằng: “Quy định này là bước tiến lớn, giúp chính quyền cơ sở chủ động hơn trong xử lý vi phạm.

Khi các công trình không được sử dụng điện, nước, chủ đầu tư không thể tiếp tục khai thác trái phép. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc xử lý vi phạm triệt để mà còn làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”.

Đòn “quyết liệt” trong quản lý trật tự xây dựng
Công trình vi phạm trật tự xây dựng có địa chỉ tại số 240 đường Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cao tới 12 tầng, 1 tum, diện tích 178m2 (Ảnh: Khánh An - Tuấn Nghĩa)

Về phía người dân, bà Phan Thu Trang - người dân phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, bày tỏ sự đồng tình: “Tôi rất ủng hộ quy định này. Các công trình vi phạm không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng. Biện pháp cắt điện, nước giúp chính quyền ngăn chặn kịp thời vi phạm, bảo đảm sự công bằng và an toàn cho tất cả mọi người.”

Bà Hoàng Bích Thuỷ, cư dân huyện Thanh Trì, cũng chia sẻ: “Việc cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm là cần thiết. Nó không chỉ ngăn chặn kịp thời các hành vi sai trái mà còn bảo vệ quyền lợi của những người dân tuân thủ pháp luật. Tôi hy vọng quy định này sẽ được thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Có thể nói, quy định cắt điện, nước không chỉ nhằm vào việc xử lý các công trình vi phạm mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ về tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước với chính quyền địa phương, cũng như sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Các ý kiến đều chung kỳ vọng rằng, với sự quyết tâm của TP Hà Nội và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, tình trạng vi phạm tại các công trình sẽ từng bước được kiểm soát, tạo tiền đề cho một Hà Nội hiện đại, văn minh và an toàn.

Hoa Thành
Phiên bản di động