Gắn kết nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực
Năm 2024 sẽ tuyển sinh hơn 1.000 nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ làm việc với tỉnh Bắc Ninh Nhu cầu về nhân lực thị trường bất động sản tăng cao |
Tạo gắn kết bền vững
Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 góp phần đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, thành phố đã nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư; kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…
PGS.TS Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục - đặc biệt là các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô - cần nắm bắt chủ trương, định hướng quy hoạch Thủ đô về phát triển địa giới, ngành, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là quy hoạch phát triển đầu tư cho giáo dục, doanh nghiệp trong phát triển nhân lực công nghiệp chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thủ đô hiện đại, giàu mạnh
Theo PGS.TS Lê Hồng Quân, thực tiễn cho thấy, việc gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực mang lại lợi ích cho các bên.
PGS.TS Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội |
Theo đó, đối với nhà trường, sẽ được tổ chức tuyển dụng tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình đào tạo, góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học; tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chung; trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến và nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như tìm được đầu ra phong phú cho người học, từ đó nâng cao uy tín của nhà trường trước những yêu cầu của thị trường lao động đa dạng và luôn biến động. Nhà trường tạo được tiếng vang trong giáo dục và đào tạo, gây uy tín cũng như duy trì mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường có thể tăng cường tính tự chủ về nguồn tài chính cũng như cơ sở vật chất ở hiện tại và tương lai.
Về phía doanh nghiệp, sẽ luôn yên tâm có một đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu. Đồng thời, doanh nghiệp ít tốn chi phí tuyển dụng, thử việc, vì qua thời gian thực tập chính là thời gian sinh viên thể hiện năng lực, doanh nghiệp đánh giá khả năng, năng lực, phẩm chất của sinh viên.
Còn các bạn sinh viên có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp sẽ tạo cho sinh viên nắm bắt được môi trường thực tế, phát triển được kỹ năng giải quyết những vấn đề phát sinh. Cho dù đạt được kết quả nhiều hay ít, các đợt thực tập cũng mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội khác nhau, giúp cho sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng và tiếp cận sớm với các tổ chức tuyển dụng tạo cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng lưu ý, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp của Thủ đô. Nhiều doanh nghiệp không giữ chân được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt khó khăn sau đại dịch COVID-19. Việc hợp tác đào tạo nhân lực giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã được kết nối và phát triển.
Chủ động “thâm nhập” vào trường đại học
Để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Lê Hồng Quân đề xuất Hà Nội cần quan tâm, có chính sách đặt hàng với các đơn vị đào tạo để chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao phục sự nghiệp công nghiệp hóa Thủ đô; là cầu nối để các nhà trường có hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô
Đối với các trường đại học, theo ông Quân, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn, mở ngành đào tạo phù hợp. Đẩy mạnh kết hợp 3 “nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ Cách mạng Công nghiệp 4.0.
PGS.TS Lê Hồng Quân đánh giá, sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà trường và ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa học viên và môi trường thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện khả năng tư duy, thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường, việc được học và đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp sẽ nâng cao năng lực chuyên môn.
Với sự liên kết chặt chẽ doanh nghiệp, nhà trường sẽ chủ động và cập nhập tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng được chuẩn đầu ra cho người học.
Được học và đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp sẽ nâng cao năng lực chuyên môn cho học viên (Ảnh minh họa) |
Đối với các doanh nghiệp, cần tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo, qua đó nhà trường có những chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, các chương trình đào tạo của các trường còn quá nặng về lý thuyết, mức độ cập nhật các thông tin ứng dụng hiện đại còn chậm trễ, chưa phù hợp thực tiễn khách quan. Sự tham gia của doanh nghiệp vào xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình là rất cần thiết.
Ông Quân cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động “thâm nhập” vào trường đại học (trong công tác cán bộ, giảng viên, giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp…) để có thêm điều kiện góp ý điều chỉnh chương trình đào tạo cho “ăn khớp” với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Nguồn nhân lực “trụ cột” cho đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo đã và đang là hoạt động trụ cột của các đại học, trường đại học, đặc biệt là trong bối cảnh tự chủ, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các đại học, trường đại học là một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng, nhằm nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng các kết quả, giải pháp, kết nối khu vực công - tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đánh giá, dù trong những năm qua, các đại học, trường đại học Việt Nam nói chung, trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã có những cố gắng nhất định trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nhưng kết quả và vai trò của các đại học, trường đại học đối với đổi mới sáng tạo của địa phương và quốc gia vẫn còn một số hạn chế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên, để phát huy vai trò của các đại học, trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội, cần lập Quỹ hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trao giải thưởng đổi mới sáng tạo cho các đại học, trường đại học theo những tiêu chí nhất định của thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo bà Quyên, cần hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, startup, doanh nghiệp sinh viên khởi nghiệp; đào tạo tinh thần khởi nghiệp mang tính thực tiễn; nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển tự chủ và bền vững với nhiều hoạt động như: Xây dựng cộng đồng đại học đổi mới sáng tạo, đào tạo, thực tập đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, phải xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các không gian sáng tạo (Creative hubs) và các đại học, trường đại học để có thể tìm được các nguồn hỗ trợ, tư vấn, đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.