Hà Nội tạo “cú hích” phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Học sinh đạt giải huy chương Vàng quốc tế có thể được thưởng hàng trăm triệu đồng hay các cơ sở giáo dục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường mua sắm thiết bị dạy học… tất cả đều là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành Giáo dục Thủ đô.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao về môi trường hoặc nhân lực chất lượng cao Cần tăng cường truyền thông vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút nhân tài

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sau năm nay sẽ có lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới.

Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh THCS trên địa bàn Thủ đô, các trường học đã tích cực, nghiêm túc tăng cường các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 9 bộ sách kết nối tri thức

Để buổi tập huấn diễn ra thành công, các nhà trường đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền để buổi tập huấn diễn ra thuận lợi.

Theo báo cáo nhanh tại các điểm trường trên địa bàn Thủ đô, trong suốt quá trình, 100% giáo viên giảng dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 9 tham gia tập huấn đầy đủ.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Giáo viên Thủ đô tham gia hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 9 bộ sách kết nối tri thức.

Tại quận Ba Đình, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường THCS chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật (máy tính, máy chiếu, màn chiếu, đường truyền internet...) để đảm bảo triển khai bồi dưỡng trực tuyến tới 100% giáo viên giảng dạy lớp 9 và cán bộ quản lý. Mỗi trường THCS được bố trí thành một điểm cầu, với các phòng tập huấn được sắp xếp theo môn học căn cứ vào lịch tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa theo lựa chọn của cơ sở giáo dục.

Ban Giám hiệu các trường THCS đã chủ động rà soát và gửi danh sách cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn về Phòng GD&ĐT, báo cáo Sở GD&ĐT. Các buổi tập có sự tham gia nghiêm túc của 687 giáo viên bộ môn được phân công dạy khối 9 năm học 2024-2025.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Giáo viên quận Ba Đình tham gia tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 9 chương trình GDPT 2018

Qua buổi tập huấn, giáo viên đã được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng chương trình mới và sử dụng sách giáo khoa lớp 9 một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THCS trên địa bàn quận Ba Đình.

Bổ sung nhiều cơ chế nâng bước thủ khoa

Điều 13, Luật Thủ đô 2012 quy định " Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài". Trên cơ sở này, Hội đồng Nhân dân TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HÐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Trong đó, TP quy định một số chính sách ưu đãi như sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận.

Người được tiếp nhận cũng phải cam kết làm việc cho thành phố bảy năm nếu hưởng mức hỗ trợ.

Không chỉ vậy, hằng năm, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội.

Qua 21 năm tổ chức, đến nay đã có 2.165 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương và ghi danh vào sổ vàng của TP. Kết quả trên cho thấy, Hà Nội luôn dành sự quan tâm, có những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc năm 2023

Trong số 2.165 thủ khoa được vinh danh, nhiều thủ khoa đã chọn Hà Nội làm nơi để thể hiện tài năng, cống hiến tri thức. Trong đó, nhiều thủ khoa được tuyển thẳng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đã và đang có những đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, bạn Trịnh Hải Sơn - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa 2019-2023 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Để xứng danh với danh hiệu thủ khoa xuất sắc, các bạn trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn để phát triển toàn diện cả phẩm chất, lẫn đạo đức, từ đó có thể trở thành một sinh viên tốt, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội”.

Chia sẻ thêm, nam sinh cho biết, các thủ khoa xuất sắc được tuyên dương đều có chung mong muốn, hoài bão và khát vọng cống hiến, đó là được đóng góp vào công cuộc dựng xây Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Bạn Trịnh Hải Sơn - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa 2019-2023 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên về ước mơ sau khi tốt nghiệp của mình, bạn Phạm Tiến Du - Thủ khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội bộc bạch: "Dù có nhiều lời đề nghị từ các công ty nước ngoài, nhưng ước mơ lớn nhất của em là được ở lại giảng dạy tại trường, nơi đã truyền cảm hứng và cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc cho em suốt thời gian học tập".

Theo chia sẻ của Du, Hà Nội là lá cờ đầu trong công tác dạy và học trên cả nước, vì vậy, nam sinh luôn mong muốn được tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của nơi này. "Được truyền đạt những kiến thức, kỹ năng mà mình đã tích lũy cho các thế hệ sinh viên tiếp theo là điều em cảm thấy hạnh phúc nhất", Du thổ lộ.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Nữ sinh Trần Ngọc Trúc Linh và nam sinh Phạm Tiến Du đồng thủ khoa ngành Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội năm 2024.

Đề xuất thưởng 250 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương Vàng quốc tế

Được biết đến là địa phương luôn dẫn đầu số học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế của cả nước, nhưng nhìn từ thực tế cho thấy, hiện mức thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích cao của Hà Nội còn rất khiêm tốn.

Vì vậy, nhằm hướng tới phát triển nguồn chất lượng cao, Hà Nội đang xin ý kiến về dự thảo Quy định mức thưởng đối với giáo viên, học sinh, học viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp TP, quốc gia, quốc tế của TP Hà Nội. Tại dự thảo này, mức đề xuất khen thưởng cao nhất lên đến 250 triệu đồng.

Theo dự thảo, mức thưởng đối với học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự sẽ từ 100 – 250 triệu đồng; mức thưởng dành cho học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật khu vực và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự từ 50 - 150 triệu đồng; mức thưởng học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức từ 20 – 50 triệu đồng; mức thưởng học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP từ 10 – 15 triệu đồng; mức thưởng học sinh đoạt giải tại Chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ 20 – 50 triệu đồng.

Hà Nội tạo “cú hích”phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) năm 2024

Dự thảo này áp dụng đối với giáo viên, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc TP và hướng đến năm đối tượng, bao gồm:

Thứ nhất, học sinh, học viên đoạt huy chương (Vàng, Bạc, Đồng), giải Khuyến khích, giải Chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, khu vực được Bộ GD&ĐT cử tham dự.

Thứ hai, học sinh, học viên đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia do Sở GD&ĐT Hà Nội cử tham dự.

Thứ ba, học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố.

Thứ tư, học sinh đoạt giải tại Chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thứ năm, giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và giải Nhất cấp TP như trên.

Dự thảo đề xuất mức thưởng với đội, nhóm học sinh, học viên (từ 2 thành viên trở lên) đoạt giải trong các kỳ thi quy định như trên được hưởng mức tiền gấp 2 lần đối với cá nhân. Học sinh, học viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia, thành phố được hưởng 1,5 lần mức chi quy định. Trường hợp học sinh, học viên vừa là người dân tộc thiểu số vừa là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia, thành phố được hưởng 2 lần mức tiền thưởng quy định.

Về mức thưởng đối với giáo viên, dự thảo đề xuất: Giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải được hưởng theo nguyên tắc bằng 70% mức thưởng của học sinh, học viên. Tập thể các giáo viên cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên được hưởng theo nguyên tắc bằng 30% mức thưởng của giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải.

Theo quy định của Chính phủ, học sinh giành huy chương (Vàng, Bạc, Đồng) tại kỳ thi Olympic quốc tế được thưởng từ 25 - 55 triệu đồng. Mức thưởng cho giải quốc gia tối đa 4 triệu đồng. Ngoài khoản này, nhiều tỉnh, thành quy định mức thưởng riêng.

Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội đang áp dụng mức thưởng cho học sinh đạt huy chương Vàng Olympic quốc tế là 20 triệu đồng; giáo viên có thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải có mức thưởng bằng 1 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, mức thưởng đề xuất theo nghị quyết nêu trên sẽ gấp hơn 12 lần mức thưởng hiện tại của Hà Nội với nhóm học sinh, giáo viên đạt thành tích xuất sắc.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động