Cách nào để bạn trẻ biến thách thức thành cơ hội khi hội nhập quốc tế?
Hơn 10.000 bạn trẻ sẽ hội tụ tại Festival Thanh niên quốc tế Bệ phóng giúp các bạn trẻ định hình công dân toàn cầu Nhiều bạn trẻ thích thú với các tinh hoa làng nghề truyền thống |
Giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập
Đó là nội dung của Toạ đàm “Hội nhập quốc tế và cơ hội cho thanh niên Việt Nam” diễn ra tại Bộ Ngoại giao vào ngày 28/12.
Toạ đàm được Đoàn Thanh niên của Ngoại giao phối hợp với Đoàn Thanh niên Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc Hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, đồng chí Nguyễn Đắc Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao; đồng chí Nguyễn Đồng Anh, Bí thư đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao… cùng hơn 500 bạn trẻ là cán bộ Bộ Ngoại giao và sinh viên các trường Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính.
Ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm |
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế là một quá trình để gắn kết Việt Nam, gắn kết một quốc gia với thế giới, khu vực. Đặc biệt, gắn kết không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ địa phương, cấp độ từ mỗi cá nhân chúng ta”.
Có thể nói, hội nhập quốc tế đã xuất hiện từ rất lâu, ngay từ thời kỳ chúng ta đang phải đấu tranh để giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã xác định cách mạng Việt Nam cần phải gắn với cả thế giới.
Năm 1946, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lá thư gửi cho Liên Hợp Quốc đã bày tỏ mong muốn và cam kết của Việt Nam sẵn sàng tham gia vào mọi tổ chức kinh tế quốc tế do Liên Hợp Quốc dẫn dắt. Điều này lại một lần nữa khẳng định mong muốn hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Các diễn giả đã có buổi trao đổi vô cùng ấn tượng tại buổi Toạ đàm |
Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia trên thế giới, trong đó tất cả các nước Ủy viên thường trực của Uỷ ban, những nước quan trọng nhất trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc; các nước quan trọng khác trong khu vực của chúng ta như: Ấn độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam đều thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Mạng lưới quan hệ của Việt Nam với các nước ngày càng được mở rộng và tạo ra cục diện đối ngoại vững chắc, điều này giúp chúng ta có được hòa bình, ổn định và cơ hội phát triển, chúng ta đang ở giai đoạn hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
“Chúng ta đang mang chúng ta đến với thế giới và chúng ta cũng đang mang thế giới đến với Việt Nam. Có lẽ, không có một cái hàng hóa, sản phẩm gì nước ngoài mà ở Việt Nam chúng ta không tìm thấy cả”, Thứ trưởng nói.
Biên tập viên Ngọc Trinh chia sẻ quan điểm của bản thân tới thế hệ thanh niên Việt Nam |
Ghi nhận những chuyển mình tích cực của hội nhập quốc tế, chị Dương Ngọc Trinh (BTV Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ: “Chúng ta có quyền tự hào rằng, Việt Nam là một quốc gia có vị thế ở thế giới. Vậy thì các em, những người trẻ, các bạn chính là những tế bào của đất nước. Chúng ta thừa kế được, thế nhưng cái quan trọng chúng ta kế thừa như thế nào?”.
Theo quan điểm của BTV Ngọc Trinh, thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay phải làm sao hội nhập nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hoá, xây dựng vị thế của mình, đó mới là điều quan trọng, như chúng ta vẫn thường nói: “hòa nhập mà không hòa tan”.
Theo nữ BTV, trong thời kỳ hội nhập, có 2 thứ để tạo ra sức mạnh: Thứ nhất là văn hoá vì văn hóa là thước đo của sự giàu có về trải nghiệm. Thứ hai chính là kinh tế vì kinh tế là thước đo của giá trị lao động.
Lý giải cho điều này, BTV Ngọc Trinh bày tỏ, chúng ta đang cầm đồng tiền mỗi ngày thì chúng ta đang nghĩ rằng đó là tiền chúng ta tiêu, là khoản sinh hoạt để chúng ta vận hành cuộc sống. Nhưng đó cũng phần nào là thước đo của nền kinh tế, sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia. Sau này, các bạn thanh niên Việt Nam cũng có thể là những nhà ngoại giao, những người lãnh đạo tương lai, những người nắm trọng trách của đất nước… Vì vậy, thế hệ thanh niên Việt Nam cần đặt trách nhiệm đầu tiên là sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lý.
"Từng hành vi nhỏ sẽ thực sự trở thành hiệu ứng cánh bướm để có thể đưa bản thân, quốc gia của mình trở thành một niềm tự hào sâu sắc", BTV Ngọc Trinh cho hay.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm |
Tôn chỉ "3S"
Là diễn giả duy nhất ở lứa tuổi GenZ, được sinh ra trên nền tảng số, sinh viên Trương Ngọc Ánh (sinh viên năm ba Học viện Ngoại giao) đã có những chia sẻ vô cùng ấn tượng tại buổi Toạ đàm. Trương Ngọc Ánh cho biết: "Là một thanh niên Việt Nam, em nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể nào thành công trong quá trình hội nhập quốc tế nếu như thiếu đi vai trò, trách nhiệm của người trẻ".
Sinh viên Trương Ngọc Ánh - Diễn giả đại diện cho thế hệ trẻ chia sẻ tại Toạ đàm |
Theo chia sẻ của Ngọc Ánh, mỗi người trong số chúng ta đều có một vai trò nhất định cũng như khả năng đóng góp cho quá trình thúc đẩy, hội nhập quốc tế. Vì vậy, trên cương vị là một người trẻ, cô bạn luôn mang trong mình tôn chỉ "3S", đó là: Sức trẻ, sự nhanh nhạy và sự bền bỉ.
Luận giải cho quan điểm của bản thân, Ngọc Ánh bày tỏ: Thứ nhất là sức trẻ, thế hệ thanh niên Việt Nam phải không ngừng thử sức, tức là không ngừng đi, không ngừng học, không ngừng thử. Thứ hai, đó là sự nhanh nhạy của giới trẻ. Thông thường, giới trẻ không quá khó để chạy theo những trào lưu đang nổi bật trên mạng xã hội. Chỉ cần lướt qua bất kì video nào trên các nền tảng mạng xã hội, thế hệ GenZ đều nắm được rất nhanh, hiểu được hiệu quả và biết được bản thân nên làm gì trước những trào lưu đó. Đặc biệt, sự nhanh nhạy của thanh niên Việt Nam còn thể hiện rõ qua việc chính họ thể trực tiếp chọn lọc đâu là thông tin hữu ích, đâu là thông tin cần hạn chế và không nên tiếp cận.
Thứ ba, theo quan điểm của Ngọc Ánh đó là sự bền bỉ một cách có trách nhiệm. "Tuổi trẻ là độ tuổi có quyền và có nhiều thời gian thử sức hơn bất kỳ độ tuổi nào khác. Nhưng các bạn phải lưu ý rằng, thử mà cứ đi theo một hướng sai thì chắc chắn rất nguy hiểm. Vậy nên, sự bền bỉ phải đi kèm với trách nhiệm. Đấy là một tinh thần dám sửa, dám đón nhận khi mình sai và dám đứng lên sau khi bản thân bị vấp ngã" - cô nói.
Hiện tại, sinh viên Trương Ngọc Ánh đang là một nhà sáng tạo nội dung. Cô nàng cho biết, bản thân nhìn ra được tiềm năng rất lớn của mạng xã hội, nhất là khi mà bạn bè quốc tế có thể dễ dàng tìm hiểu về văn hóa, vẻ đẹp của con người Việt Nam thông qua sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Vì vậy, Ngọc Ánh luôn cố gắng chọn lọc kỹ lưỡng thông tin, đưa ra những thông điệp ý nghĩa, một cách tích cực khi đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam xuất hiện trên các nền tảng số.
Diễn giả cùng các đại biểu và hơn 500 bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm kết thúc buổi Toạ đàm |
Cũng tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói, hội nhập quốc tế là cơ hội rất lớn để thanh niên Việt Nam có thêm nhiều cơ hội thử sức, trải nhiệm những việc làm, ngành nghề, lĩnh vực mới. Theo ông, đây không còn là thời buổi của “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Vì vậy, sự nhanh nhạy của thế hệ trẻ sẽ tạo ra cơ hội, giúp thanh niên Việt Nam có thể nắm bắt được những điều mới, những xu thế tất yếu của toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đưa ra một lưu ý, song song cạnh các cơ hội sẽ đi cùng rất nhiều thách thức cho các bạn GenZ. Vì vậy, khi đứng trước một lượng lớn nguồn thông tin phủ sóng khắp các diễn đàn mạng xã hội, thanh niên Việt Nam cần biết cách tiếp cận thông tin đó như thế nào, phân biệt được thông tin đúng, thông tin sai, thông tin tốt, thông tin xấu, đó mới là điều quan trọng.
"Vì vậy, việc trang bị cho bản thân một lối tư duy phản biện, tìm kiếm đúng nguồn thông tin là điều vô cùng thiết thực và quan trọng. Từ đây, cánh cửa cơ hội sẽ rộng mở với các bạn trẻ, thế hệ thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin bước vào thế giới hội nhập và phát triển" - ông Đỗ Hùng Việt nói.