Bi hài chuyện bạn trẻ về quê ăn Tết
Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì? Gen Z làm gì những ngày cận Tết ? |
Phụ huynh “tung chiêu”
Trần Minh Như (Thái Bình) đã về quê nghỉ Tết từ ngày 2/2 (23 tháng Chạp). Ban đầu, bố mẹ cô bạn xót con gái út đi học xa nhà nên đã rất “mạnh tay” tẩm bổ những món yêu thích. 2 ngày đầu, cô bạn thường xuyên bị no đến “ná thở” với la liệt nào gỏi gà, xôi khúc, chả nem,... “Chỉ 3 ngày mà mình lên tận 1,5kg” – Minh Như cười khổ.
Nhưng chỉ sau ba ngày “thiên đường” chỉ ăn – ngủ - chơi, có vẻ như bố mẹ đã bắt đầu “quen mặt” với con gái yêu. Ngay từ sáng ngày 27 Tết, Minh Như đã bị mẹ gọi dậy từ sớm đi chợ. Vừa đi, mẹ cô bạn vừa dạy con cách chọn hoa, chọn quả, mua thịt, mua đồ khô,.... cho ngày Tết. Bất ngờ với mớ kiến thức khổng lồ từ mẹ, Minh Như phải “căng tai” lên nghe để nhớ nhưng đầu óc cô bạn cảm thấy mông lung hơn bao giờ hết.
Cận Tết là những chuyến hành trình đi chợ "bất tận" của các bà, các mẹ |
Hai mẹ con đã đi tận 4 khu chợ chỉ trong buổi sáng, từ chợ cá đến chợ hoa, siêu thị rồi lại đến chợ đồ khô. Về đến nhà, cô bạn mệt bở hơi tai khệ nệ xách hàng chục túi đồ đủ loại thịt, cá, rau củ, hàng mã... mà mẹ đã sắm. Sau giấc ngủ trưa, “kiếp nạn” tiếp theo gọi tên Trần Minh Như chính là vệ sinh đồ nội thất trong nhà.
“Nhận lệnh” từ mẹ cùng lỉnh kỉnh bàn chải, khăn lau, cồn,... Minh Như đã phải luôn tay luôn chân lau chùi, cọ quét từng ngóc ngách của những chiếc bàn, ghế gỗ chạm trổ cầu kỳ. Sở thích hàng ngày của bố đột nhiên trở thành cơn “ác mộng” cho cô con gái yêu dịp Tết đến, Xuân về. Nhưng khi cô bạn đang miệt mài thực hiện nghĩa vụ, thì bất chợt quản lý của Như nhắn tin nhờ sửa giúp một vài tài liệu và hứa sẽ hậu tạ Như sau đó. Một bên là “miếng cơm, manh áo”, một bên là nhiệm vụ mẹ giao cho, Minh Như đành phải buộc bản thân trở nên đa năng đến chính cô bạn cũng phải bất ngờ.
Bạn trẻ về quê ngày Tết phải làm quen với công việc lau dọn nhà cửa, đi chợ.... |
Hai mẹ con Minh Như đã kết thúc ngày 27 Tết đầy bất ổn sau khi đã lau chùi sạch bóng cả căn nhà. Cô bạn cho biết: “Ngày mai hai mẹ con mình sẽ về nhà bà ngoại để tiếp tục giúp bà dọn dẹp nhà cửa, may mắn là chị gái mình sẽ về để cùng làm nên sẽ đỡ việc đi một chút. Mình thật sự cảm thấy mệt đến kiệt sức nhưng quá sức kính nể “mami”. Đây là năm đầu tiên mình giúp bố mẹ việc nhà vào ngày Tết mà đã “xỉu up, xỉu down”, vậy trước kia bao nhiêu năm mẹ đã luôn tự mình lo toan, vun vén nhà cửa tươm tất xinh đẹp cho ngày Tết mà không than thở lấy một lời. Mình rất mong sẽ học được thêm những kinh nghiệm đơn giản nhưng rất quý báu từ mẹ để thay “ông bô, bà bu” gánh đỡ việc trong nhà sau này, đặc biệt là mỗi khi Tết đến”.
Con cháu “phản đòn”
Khung cảnh quen thuộc khi con cháu phương xa tụ tập về nhà ông bà ăn Tết |
Hai vợ chồng anh Văn Lâm và chị Yến Trang (Nam Định) đã về quê ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp. Anh chị kết hôn được 4 năm và có với nhau một cậu con trai 3 tuổi kháu khỉnh. Trong năm, hai vợ chồng làm việc tại Hà Nội, chỉ về quê vào những kỳ nghỉ dài trong năm như Tết hay 30/4-1/5...
Ngày anh chị về nghỉ Tết, bố mẹ anh Lâm đã rất vui mừng và tranh nhau bế cháu nội. Xa nhà cả năm, ít khi được ẵm bồng “thằng đích tôn” nên hai ông bà chiều cháu hết mực. Tưởng chừng như mọi việc êm thấm, vui vẻ thì chẳng ai ngờ được một buổi chiều ngủ dậy, “thằng đích tôn” đã “báo” ông bà nội một bất ngờ ra trò.
Nếu không có hình ảnh camera quay lại thì chắc chắn cả nhà sẽ hoang mang "cực mạnh" khi tỉnh dậy nhìn thấy cây quất "tơi tả" như vậy |
Thấy cả nhà ngủ say, con trai anh Lâm tỉnh dậy liền đi ra phòng khách, nơi đặt cây quất mà ông nội đã cất công tìm mua cách nhà tận 50km để chơi Tết. Cu cậu hẳn đã thấy vui mắt với dàn quả lúc lỉu, căng tròn nên cũng “vui tay” vặt luôn vài chục quả. Thậm chí, cậu bé còn biết vào trong bếp, lấy rổ mà bà nội thường đựng rau để chứa mớ “chiến lợi phẩm” vừa thu hoạch được.
Tỉnh dậy, hai vợ chồng anh Lâm, chị Trang đã “cạn lời” với tác phẩm của cậu con quý tử. Hai ông bà thì còn tệ hơn khi ông nội đã bần thần rất lâu nhìn cây quất “tơi tả” dưới bàn tay “thằng đích tôn”. Sau một hồi vừa nén cười vừa nén giận giải thích cho con trai, anh Lâm đã tức tốc đưa bố mình – người vẫn đang bần thần nhìn cây quất yêu quý – đi ra chợ hoa để chọn mua ngay một cây khác.
Chị Trang chia sẻ: “Khi giải thích cho con trai, cu cậu khóc vì không hiểu mình đã làm sai chuyện gì và đồng thời mình để ý cả ông nội cũng rơm rớm nước mắt. Cả năm mới về nhà nghỉ dài ngày với ông bà mà con đã “báo quá sức báo” khiến hai vợ chồng mình “ê mặt” với bố mẹ. Mình đã “nháy” chồng không được mắng con và đưa bố đi chọn cây mới ngay. Ông nội cũng tiếc cái cây lắm, nhưng lại chẳng nỡ tét mông “cục kim cương” của ông. Đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ mà chắc chắn cả nhà sẽ thường xuyên nhắc lại để trêu con khi cháu đã lớn sau này”.
"Đẻ con gái cho thùy mị, nết na" |
Giống như vợ chồng anh Lâm, hai bạn trẻ Thùy Linh và Minh Tuấn cũng đã đưa con gái đầu lòng về nhà nội ăn Tết Giáp Thìn. Linh và Tuấn đã kết hôn được hơn một năm và con gái của hai bạn đã gần tròn một tuổi. Về đến nhà, bố mẹ Tuấn đã nhận luôn nhiệm vụ bế ẵm, tắm rửa cho cháu gái yêu, thậm chí mẹ của Tuấn còn “xin” cho cháu sang ngủ với ông bà để hai vợ chồng được nghỉ ngơi.
Đang trong trạng thái “bận xù đầu” vừa lo toan công việc, vừa chăm con, Linh và Tuấn đột nhiên cảm thấy được “thả xích” tự do khi đã được nghỉ việc cơ quan mà bây giờ “việc” ở nhà đang được ông bà nội bế bồng. Sau cả năm bận rộn, hai vợ chồng trẻ đã có thời gian thật sự thư giãn, thong thả đi chợ ngắm hoa Tết, chọn mua bánh kẹo đãi khách đến thăm nhà,...
Nhưng chỉ vài ngày sau, ông bà nội đã “bày tỏ” nỗi lòng khi đảm nhiệm chức vụ làm bố, mẹ trẻ sơ sinh ở độ tuổi ngũ tuần. Minh Tuấn chia sẻ: “Con gái mình ban đêm đôi lúc hay hờn, khóc nhiều khiến hai ông bà cũng mất ngủ để dỗ cháu. Ban ngày, hai ông bà vừa sắp xếp công việc trong nhà, vừa thay phiên nhau cho ăn, chơi với cháu cũng đã mệt. Nếu cả ban đêm cũng mất ngủ như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ban ngày, mình và vợ sẽ nhờ ông bà giữ con tranh thủ đi sắm sửa, chuẩn bị mọi việc cho Tết sắp tới, chiều tối về hai đứa sẽ giữ con để ông bà có thời gian đi tập thể dục, nghỉ ngơi theo thói quen”.
Cả gia đình cùng trải chiếu, đắp chăn quây quần trông nồi bánh chưng ngày Tết gợi nên cảm giác vừa giản dị, đơn sơ mà lại rất đầm ấm, hạnh phúc |
Nhà luôn là nơi yên bình để quay về khi vòng quay của một năm đã kết thúc. Kỳ nghỉ Tết chỉ vừa mới bắt đầu, hi vọng giới trẻ và gia đình sẽ cùng nhau sửa soạn, sắm sửa đủ đầy cho năm mới sung túc. Dù cho mọi chuyện trong nhà có ra sao, thì sự quan tâm và tình thương mà các thành viên luôn dành cho nhau là điều đáng quý nhất, đồng thời cũng là yếu tố không thể thiếu cho một Tết đoàn viên thật sự ấm áp, sum vầy.