Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19

Ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đã đưa ra các nhận định về tình hình dịch bệnh Covid-19 và lý giải về các ca khỏi bệnh nhưng có kết quả dương tính trở lại.
Trung tâm CDC Hải Dương được xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 Lợi dụng Covid-19 để trục lợi, đại dịch tham nhũng tràn lan thế giới Máy xét nghiệm Covid-19 ở Yên Bái có giá hơn 1.8 tỷ đồng

12 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới.

Với 270 ca nhiễm Covid-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19.

Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, hệ thống phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phải tiếp tục hoạt động 100%, “lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn”. Các địa phương cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như là du lịch, dịch vụ ăn uống, hàng không.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia cần tiếp tục thực hiện chiến lược được đề ra, kiên quyết ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong 12 ngày qua) nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 trên một số góc độ, một số khu vực cần phải tiếp tục được quan tâm, nhất là trong kỳ nghỉ kéo dài.

Người đứng đầu chính quyền cơ sở phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đã nêu như tiếp tục đeo khẩu trang nơi đông người; đặc biệt là chống tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường để bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh, bảo đảm an toàn giao thông.

Về các đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, tạo điều kiện tối đa, các thuốc điều trị Covid-19 và vật tư y tế cũng vậy. Tháo gỡ mọi điều kiện để khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Nghị quyết 37 của Chính phủ về một số nhóm đối tượng hưởng chính sách về phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ.

Thủ tướng nhất trí với đề nghị cho phép các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân). Thủ tướng đồng ý với phương án cách ly chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý về Việt Nam thuận lợi, với cách cách ly phù hợp.

Các địa phương, các ngành cần tập trung các lực lượng, các giải pháp để kiểm soát nguy cơ nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng cho rằng, cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là phản công, dập dịch nhanh nếu phát hiện; Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành khác để phát triển sản xuất kinh doanh. Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương và ngành Giáo dục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại.

Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thật cụ thể, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, với các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về Việt Nam qua đường mòn, lối hẻm.

Bộ GTVT căn cứ diễn biến dịch Covid-19, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, đi ô tô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.

Theo Thủ tướng, tất cả các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương mình, cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như là du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không.

Thủ tướng cũng lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong vấn đề mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời.

Mẫu virus các ca bệnh dương tính trở lại với SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh không phát triển qua nuôi cấy

Thông tin tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác Phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 28/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc Covid-19 (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17/4); 222 trường hợp đã khỏi bệnh.

Về các trường hợp dương tính trở lại, Thứ trưởng cho biết, đã thực hiện việc nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại với SARS-CoV-2 (Covid-19) sau khi khỏi bệnh nhưng các virus này không phát triển.

Đã có 8 bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2 (Covid-19): 3 bệnh nhân (BN 188, 137, 74) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2); 2 bệnh nhân (BN 52,149) tại Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh, 1 bệnh nhân (BN 36) tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận; 2 bệnh nhân (BN 207, 224) tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

"Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 (Covid-19), cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động