Vĩnh Phúc: Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Xác định công tác đảm bảo ATVSTP là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt cải thiện, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATVSTP tỉnh; ra Quyết định số 13 ngày 20/3/2024 về ban hành Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Ảnh minh họa |
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp kiện toàn BCĐ ATVSTP cấp huyện, cấp xã theo cơ cấu tương tự của tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật An toàn thực phẩm và các quy định pháp luật về ATVSTP, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân tự giác thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, nhất là công tác hậu kiểm việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng ẩm thực, bếp ăn tập thể, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng vi phạm.
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức mít tinh, diễu hành tại 9 huyện, thành phố với 2.400 lượt người tham gia; tổ chức 10 buổi nói chuyện, hội thảo về ATVSTP với hơn 2.600 người tham gia, 1 lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, quản lý cơ sở, chế biến thực phẩm, bếp ăn cho gần 100 người; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền hơn 11.200 tin, bài, ảnh, tổ chức 9 cuộc tọa đàm trên truyền hình về ATVSTP; kẻ vẽ hơn 400 panô, áp phích tuyên truyền về ATVSTP; kiểm tra, giám sát 2.113 lượt cơ sở...; nhờ đó, đã hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn, đặc biệt không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công ty TNHH Shinwon Ebennezer với 429 công nhân mắc và 3 sự cố về ATVSTP với 21 người mắc nhưng không gây tử vong về người.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm thuộc quản lý của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Trong đó có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi có quy mô trang trại, hơn 700 cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô từ 1 ha trở lên; gần 100 cơ sở trồng rau tập trung; hơn 60 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm; gần 400 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 59 chợ có hoạt động kinh doanh thực phẩm; hơn 100 tụ điểm bán thực phẩm tươi sống; 2 siêu thị và 1.400 cơ sở kinh doanh thực phẩm; hơn 1.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 600 bếp ăn tập thể trong KCN, cụm công nghiệp và hàng trăm bếp ăn tại các trường học...
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do xã, phường quản lý có hơn 840 hộ kinh doanh thức ăn đường phố; gần 1.000 điểm bán hàng ăn sáng; hơn 7.000 hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ, tụ điểm; hơn 900 hộ có hoạt động giết mổ gia súc...
Đặc biệt, 95% cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thời vụ, do xã, phường quản lý theo quy định của pháp luật.
Ngành Y tế tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch tham mưu BCĐ ATVSTP tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP; Siết chặt công tác quản lý; tăng cường hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ chuyên môn; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản tươi sống nhỏ lẻ ở thôn xóm.