Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng, nóng
Vừa qua, vụ mất ATVSTP tại bếp ăn của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ở Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) đã làm 350 công nhân phải nhập viện khiến dư luận rất quan tâm.
Mặc dù sự việc lần này không gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng công nhân nhưng là hồi chuông cảnh báo việc kiểm soát chất lượng tại các bếp ăn tập thể hiện nay.
Việc đảm bảo ATVSTP đòi hỏi phải thực hiện nghiêm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học và ngay tại bữa ăn gia đình cũng rất cần được quan tâm.
Cán bộ Trạm Y tế xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch kiểm tra mẫu thực phẩm chế biến tại chợ dân sinh. |
Quan sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch, các thực phẩm tươi sống như thịt, tôm, cua cá, chả, giò… đều được bọc nilon, bảo quản trong tủ kính với nhiệt độ phù hợp nên giữ được độ tươi ngon.
Chị Nguyễn Lan Phương, nhân viên siêu thị Vinmart+ tại đường Nguyễn Tất Thành, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) cho biết: Với thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên hơn 40 độ C thì việc bảo quản thực phẩn tươi sống không được lâu.
Bởi vậy, ngoài việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ thì khâu sơ chế, bảo quản cũng được siêu thị chú trọng. Các loại thực phẩm như thịt lợn, bò, gà đều sơ chế sạch sẽ, chia ra từng khay, ghi rõ ngày đóng gói và được bảo quản ngăn mát với nhiệt độ theo tiêu chuẩn để giữ được độ tươi ngon nhất khi tới tay người tiêu dùng.
Nếu như tại các siêu thị, điều kiện bảo quản thực phẩm khá tốt thì tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, khâu bảo quản thực phẩm tươi, sống còn nhiều bất cập. Tại hầu hết chợ truyền thống, các quầy hàng thực phẩm sống không được che đậy. Do nhiệt độ ngoài trời nóng bức lại thêm mùi tanh khiến nhiều ruồi, nhặng bám đậu lên thực phẩm.
Không chỉ vậy, nhiều loại thực phẩm chín được bày bán cùng hoặc ngay sát hàng thực phẩm sống. Một số hộ kinh doanh đã sử dụng tủ kính bày bàn thực phẩm, nhưng không phải ai cũng sử dụng găng tay để bán đồ ăn chín.
Tại các vỉa hè, nhiều loại thức ăn chín, đồ ăn nhanh như bánh gà, bánh tôm, bánh khoai, xúc xích, chả viên chiên, chả xiên que, nem chua, chả mực… không được che đậy, bảo quản nhưng vẫn vô tư bày bán và thu hút khá đông thực khách, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên…
Chị Trần Thị Thuận, tổ dân phố Bảo Sơn, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) cho biết: "Có lần đi làm về muộn nên tôi mùa đồ ăn sẵn tại chợ, không ngờ mua phải chiếc bánh chưng bên trong bị nhớt, nhưng tiếc của nên vẫn rán lên ăn, hậu quả tôi bị đau bụng, tiêu chảy. Sau lần đó, tôi chịu khó dậy sớm đi chợ, lúc đó tôm, cá, thịt, rau xanh đều tươi ngon, đồng thời, chú ý khâu sơ chế, bảo quản đúng cách trong tủ lạnh nên bữa ăn gia đình luôn ngon và an toàn, đảm bảo dinh dưỡng".
Theo Chi cục ATVSTP, thời tiết mùa hè nóng ẩm làm gia tăng nguy cơ phát sinh, lây lan các loại vi khuẩn, vi rút, côn trùng gây bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với các loại thực phẩm tươi sống như các loại thịt động vật, thức ăn đã nấu chín khi để lâu ngoài trời rất dễ ôi, thiu.
Cùng với đó, những tác động của môi trường như khói, bụi, chất gây ô nhiễm khác bám vào thức ăn hoặc do người chế biến, kinh doanh lạm dụng phụ gia, hóa chất trong chế biến, bảo quản cũng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Người tiêu dùng sử dụng những thực phẩm trên thường bị đau bụng, nôn mửa, nặng thì biến chứng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng.
Để đảm bảo ATVSTP mùa hè, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân về đảm bảo ATVSTP.
Đơn vị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về ATVSTP của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
Chi cục ATVSTP khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách lựa chọn thực phẩm còn giữ được độ tươi, ngon; thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hạn sử dụng. Khâu sơ chế, bảo quản, chế biến thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh; không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín và không nên trữ quá nhiều thực phẩm ở tủ lạnh trong thời gian dài.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong cung ứng sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc đảm bảo; chú trọng khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển để các sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo sạch sẽ, tươi ngon và an toàn.